Phải đổi mới tư duy nhận thức về DNNN

Thứ Tư, 16/11/2011, 15:56
TS Ngô Vân Hiền, Học viện Tài chính cho rằng lời giải cho bài toán tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước trước hết phải là đổi mới tư duy nhận thức về DNNN và quyền tự do kinh doanh của DNNN. Việc tiếp theo là cơ cấu lại ngành nghề và lĩnh vực đầu tư, cơ cấu lại quy mô DNNN, cùng với đó là minh bạch hóa thông tin DNNN, trao quyền tự chủ cho DN và kiểm soát chặt chẽ, đổi mới hoạt động quản trị DNNN, xóa bỏ những ưu đãi phi thị trường...

Nhiều DNNN: yếu kém, độc quyền, độc lợi

Theo báo cáo của Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, DNNN hiện chiếm 70% vốn đầu tư của toàn xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA và chỉ đóng góp vào GDP ở mức khoảng 37-38%.

Khả năng sinh lời của các DNNN không cao, thậm chí thua lỗ: 1 đồng vốn của DNNN chỉ làm ra 0,095 đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi đó, cũng 1 đồng, công ty cổ phần (được chuyển đổi từ DNNN) lại làm ra 0,19 đồng lợi nhuận.

Bộ Kế hoạch đầu tư cũng đưa ra số liệu là có 31% DNNN hoạt động chưa có hiệu quả, khi lỗ, khi lãi hoặc lãi chỉ là tượng trưng; 29% không có hiệu quả, bị thua lỗ liên tục. Điều đáng nói là mức lỗ bình quân của một DNNN cao gấp 12 lần so với DN ngoài nhà nước. Sự thất bại của Vinashin là một điển hình và đang là gánh nợ cho NSNN.

Ngoài kinh doanh kém hiệu quả, tình trạng độc quyền tại các DNNN cũng là một vấn nạn. Tình trạng độc quyền này đã làm méo mó thị trường, gây thiệt hại lớn tới người tiêu dùng cũng như lợi ích của Nhà nước, hạn chế sự phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tái cấu trúc DNNN là nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới. Ảnh: Nguyễn Dương – VOV.

Tại các DNNN, công tác tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh chậm được đổi mới, nhiều DN chưa bắt kịp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường, còn tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, sử dụng nguồn tài nguyên, vốn còn lãng phí. Nhiều tập đoàn, tổng công ty (TĐ-TCT) sử dụng vốn đầu tư rất dàn trải, đầu tư ngoài ngành thiếu thận trọng vào những lĩnh vực có rủi ro lớn như thị trường tài chính, bất động sản... gây thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, nợ xấu ngày càng có xu hướng tăng lên.

Với các khoản nợ xấu, DNNN có thể gây ra đổ vỡ hệ thống tài chính, gây bất ổn nghiêm trọng cho thị trường tài chính. Tiền nợ của DNNN là gánh nặng cho nợ công. Nếu muốn trả nợ, Nhà nước phải tăng thuế, hoặc đi vay, hoặc in tiền. Cả 3 khả năng này đều dẫn đến hậu quả tồi tệ cho nền kinh tế vĩ mô. Đấy là chưa kể niềm tin của nhân dân vào sức mạnh kinh tế Nhà nước, niềm tin của các nhà đầu tư các tổ chức tài chính quốc tế, từ đó làm giảm hệ số tín nhiệm quốc gia và hệ số tín nhiệm của khu vực DN...

Một hạn chế nữa đó là các tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh dưới sự bảo trợ của Nhà nước vẫn còn tư tưởng lợi ích nhóm mà bỏ qua lợi ích của toàn nền kinh tế thông qua việc đề nghị Chính phủ quyết định tăng giá bán một số sản phẩm thuộc diện quản lý giá của Nhà nước, đòi được hưởng một số những trợ cấp, ưu đãi trong sản xuất kinh doanh hoặc tiếp tục xuất khẩu những sản phẩm mà trong thời gian tới Việt Nam phải nhập khẩu...

Cần thay đổi từ ý thức hệ

Tại Hội nghị TW khóa XI, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát của 5 năm giai đoạn 2011-2015 là phát triển nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng: Tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công, Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống NHTM và các tổ chức tài chính; Tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các TĐ-TCT. Như vậy, việc tái cấu trúc các TĐ-TCT Nhà nước là một chủ trương và là nhiệm vụ cấp bách.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khẳng định: Tôi mong thông điệp của Chính phủ là thông điệp hành động. Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, tái cấu trúc DNNN 20 năm qua là quá trình khó khăn, trăn trở và “đau đớn”, thế nhưng, trong giai đoạn hiện nay, công việc này lại khó khăn hơn bao giờ hết vì sẽ phải vượt qua được ý thức hệ đã ăn sâu từ lâu, đụng chạm đến những DN có quy mô lớn và lợi ích nhóm không dễ gì chia sẻ.

Ông Thành phân tích: DNNN vừa là DN định hướng lợi nhuận nhưng lại coi nó là công cụ để ổn định kinh tế - xã hội. Đây là 2 nhiệm vụ khó hài hòa và trong thời gian vừa qua, đã xảy ra nhiều hệ quả. Ví dụ Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Xăng dầu đã chung sức để bình ổn hay là góp phần gây xáo trộn xã hội?

“Bởi vậy, phải xác định được quan điểm: Nhà nước độc quyền, nhưng DN thì không được độc quyền. Có hai vấn đề cần nhìn rõ về DNNN mà chỉ có thể giảm thiểu, không thể xóa bỏ được đó là vấn đề đại diện và rủi ro đạo đức. Hiện nay, với những DN có nguy cơ vỡ nợ, tình trạng xử lý vẫn là quân ta xử lý quân ta, cách xử lý thì chưa minh bạch, quyết liệt, ngay cả nhóm chiến lược để xử lý chưa có và 1 người đứng đầu để gánh vác (CEO) cũng chưa có. Để giảm thiểu, cần phải nâng cao giám sát, đặt CEO trong thị trường cạnh tranh”, ông Thành kiến nghị.

Cùng quan điểm, TS Ngô Vân Hiền, Học viện Tài chính cho rằng lời giải cho bài toán trước hết phải là đổi mới tư duy nhận thức về DNNN và quyền tự do kinh doanh của DNNN. Việc tiếp theo là cơ cấu lại ngành nghề và lĩnh vực đầu tư, cơ cấu lại quy mô DNNN, cùng với đó là minh bạch hóa thông tin DNNN, trao quyền tự chủ cho DN và kiểm soát chặt chẽ, đổi mới hoạt động quản trị DNNN, xóa bỏ những ưu đãi phi thị trường...

Còn ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới thì đi vào cụ thể hơn, cho rằng, việc tái cấu trúc cần phải bắt đầu từ việc phân loại DN cần tư nhân hóa, xếp thứ tự theo mức độ thất bại của thị trường, mới kiểm toán độc lập để định giá tài sản, công khai và minh bạch trong đấu giá; xây dựng các chính sách hỗ trợ sau tư nhân hóa như miễn giảm thuế, trợ cấp thất nghiệp...

Đối với các ngành như điện, nước, y tế... cần phải tái cấu trúc từ tư, tránh cú sốc kinh tế dẫn đến Nhà nước sẽ mất quyền kiểm soát. Còn như lĩnh vực như đường sắt, hàng không, điện lực thì Nhà nước chỉ nắm giữ phần cơ sở hạ tầng vì tư nhân không làm được, còn phần dịch vụ, cung ứng cần phải được tư nhân hóa

Hà An
.
.
.