Nước mắm Phú Quốc: Thương hiệu là sống còn

Chủ Nhật, 23/12/2012, 14:05
Mỗi năm cho ra trên 30 triệu lít nước mắm ngon đặc biệt thế nhưng hơn 100 cơ sở sản xuất nước mắm tại Phú Quốc đang đối mặt với khó khăn do thiếu hụt cá cơm nguyên liệu. Đi cùng đó là tâm trạng nửa mừng, nửa lo liên quan đến việc dán nhãn chỉ dẫn địa lý để duy trì thương hiệu.

Từ hồi xa xưa, người dân Phú Quốc đã biết khai thác triệt để nguồn lợi cá cơm vốn rất dồi dào trên vùng biển Tây Nam quanh đảo qua việc cá cơm đánh bắt được rửa sạch, loại bỏ tạp chất, rồi trộn ướp muối ngay khi cá còn tươi, đổ vào thùng gỗ được đóng từ một số loại cây gỗ quý trên rừng, gài nén ủ chượp theo phương pháp sản xuất truyền thống. Sau đủ 12 tháng, chủ nhà thùng sẽ được một sản phẩm nước mắm đặc biệt mà không phải ở đâu cũng làm được.

Thời gian trôi qua, loại nước chấm đặc biệt này được người dân đất liền, trong nước rồi ngoài nước biết tới. Theo nhu cầu của người tiêu dùng, dân làm nước mắm Phú Quốc tạm thời pha chế thành 5 mức độ (độ đạm), gồm đặc biệt, thượng hạng, hạng nhất, nhì và ba. Với dân đất liền, nước mắm Phú Quốc hạng út nhất cũng đã là ngon lắm rồi.

Trong một nhà thùng sản xuất nước mắm tại Phú Quốc.

Thế nhưng đã có một sự chuyển biến làng nghề sản xuất nước mắm. Anh Nguyễn Văn Thía – cán bộ một ngành nội chính ở Phú Quốc, từng có truyền thống 3 đời làm nghề này hôm gặp lại tôi cho biết, anh đã “treo thùng” bởi không còn sức lực, vốn liếng nhiều để theo đuổi. Anh kể, hồi vài ba năm trước, nguồn cá cơm nguyên liệu quanh đảo rất dồi dào. Và dân lưới cá cơm cũng vẫn cung cấp cho các nhà thùng trên đảo, giá cả thuận mua, vừa bán. Thế nhưng gần đây, chuyện thu mua cá cơm nguyên liệu đã trở thành “cuộc chiến” khá quyết liệt.

Nhiều ngư dân cho biết, có DN từ trong Ba Hòn, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) cho tàu ra đây thu gom cá cơm với số lượng lớn chở vào rồi bán lại cho một DN khác tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều DN khác cũng tổ chức phương tiện ra tận tàu của dân để thu gom cá cơm. Thương lái cho biết cá cơm giờ được mua không phải chỉ phục vụ việc sản xuất nước mắm mà còn làm cá cơm sấy, cá cơm rút xương tẩm bột chiên giòn,… Cá cơm nguyên liệu vì thế bị đẩy giá lên có khi đến 20.000 đồng/kg, cao gấp 4 lần so với trước đó.

Ông Nguyễn Minh Trực - Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc cho biết, từ thập kỷ 90 trở về trước, nghề đánh bắt cá cơm tại Phú Quốc chủ yếu là vây rút truyền thống, ngư trường đánh bắt gồm quanh đảo Phú Quốc, vùng biển Hà Tiên và Kiên Hải. Từ khi có chủ trương cho đánh bắt hải sản nói chung bằng ánh sáng, nghề vây rút cá cơm dần chuyển sang đánh bắt bằng ánh sáng cực mạnh. Và đến nay, hầu như nghề vây rút cá cơm truyền thống không còn. Ngư trường đánh bắt ngày một xa hơn. Hôm chúng tôi đến Phú Quốc, đang vào mùa vụ cá cơm nhưng dân đánh bắt cho biết nguồn lợi cá cơm năm nay suy giảm thấy rõ.

Ông Trực tính toán, để cho ra sản lượng 30 triệu lít nước mắm 30 độ đạm/năm, các cơ sở ở Phú Quốc cần 30.000 tấn cá cơm nguyên liệu. Trong khi đó sản lượng cá cơm đánh bắt hiện nay đáp ứng chỉ khoảng 70% công suất. Sự thiếu hụt cá cơm nguyên liệu đã khiến nhiều cơ sở phải “treo thùng” hoặc tạm ngưng hoạt động để nghe ngóng tình hình, chờ giá cá dịu lại. Để cầm cự qua ngày, không ít cơ sở đã phải tự tổ chức đội tàu đánh bắt cá cơm, hoặc cho tàu sang thu gom của ngư dân Campuchia, Thái Lan… mới đủ nguồn nguyên liệu.

Khách du lịch đến Phú Quốc tranh thủ mua nước mắm mang về đất liền.

Chuyện con cá cơm nguyên liệu là thế. Dân làm nước mắm Phú Quốc còn đang quan tâm đến câu chuyện khác.

Bà Hồ Kim Liên – DN có sản phẩm nước mắm mang tên Khải Hoàn – một trong những Nhà thùng “có số” ở Phú Quốc cho biết 80% sản lượng nước mắm của DN xuất đi dạng thành phẩm thô – tức bán qua trung gian, sau đó các DN trung gian sẽ tự pha chế thêm phụ liệu rồi đóng chai. “Đây chính là khâu dễ làm suy giảm chất lượng và ảnh hưởng nhiều đến thương hiệu nước mắm Phú Quốc” – bà Liên lo lắng.

Theo bà Liên, tới đây, nếu thực hiện theo quy định chỉ dẫn địa lý, thì việc đóng chai phải được thực hiện tại Phú Quốc có thể sẽ khiến chi phí vận chuyển đội lên thay vì vận chuyển bằng can nhựa như hiện nay và mất một số khách hàng lớn. Thế nhưng với tư cách là nhà sản xuất, bà Liên cho biết bà vẫn rất đồng tình và ủng hộ bởi nếu không giữ được thương hiệu Phú Quốc cho nước mắm, thì thiệt hại còn lớn hơn nhiều.

Bà Nguyễn Thị Tịnh - Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc cho biết, từ khi chỉ dẫn địa lý “Nước mắm Phú Quốc” được đăng bạ, hoạt động sản xuất, kinh doanh nước mắm ở Phú Quốc sôi động hẳn lên. Không chỉ các cơ sở tại chỗ phát triển đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, mà một số DN kinh doanh nước mắm từ TP.HCM cũng chuyển về Phú Quốc để vừa sản xuất, vừa kinh doanh. Một tập đoàn đa quốc gia cũng đầu tư dây chuyền đóng chai khá hiện đại tại Phú Quốc.

Ông Lương Thanh Hải – Giám đốc Sở KH – CN tỉnh Kiên Giang cho biết nhãn chỉ dẫn địa lý là một loại chứng nhận dán riêng cho từng lô hàng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Cùng một thương hiệu nhưng lô hàng không đạt tiêu chuẩn cũng sẽ không được dán nhãn này. Việc dán nhãn chỉ dẫn địa lý hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến thương hiệu riêng của từng DN.

Thái Bình
.
.
.