Nông nghiệp "sạch" thu lợi gấp 10 lần

Thứ Sáu, 19/12/2008, 11:48
Ông Trương Văn Bảy - Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành, xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy, Tiền Giang) phấn khởi nói: "Làm ruộng kiểu quốc tế thu lợi tối thiểu 10 triệu đồng/ha, gấp 10 lần bình thường". Để có được tiêu chuẩn toàn cầu, HTX đã phải trải qua hai lần sát hạch, đánh giá. Có đến 238 điều kiện để ra hạt lúa GAP, trong đó nông dân phải thỏa mãn hơn 140 điều…

Global G.A.P (sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế) là một khái niệm bắt nguồn từ châu Âu từ năm 1997, sau này phổ biến trên toàn thế giới. Chứng nhận đạt chuẩn Global G.A.P (gọi tắt là GAP) được coi là một tấm vé thông hành đưa nông sản thâm nhập vào mọi thị trường. Tại Việt Nam, đã có những mô hình nông sản đầu tiên được chứng nhận đạt chuẩn GAP và tìm được chỗ đứng trên thế giới.

Cuối năm, HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) vào cao vụ. HTX vừa đầu tư dây chuyền sản xuất bao bì đóng gói trái vú sữa để xuất khẩu. Vú sữa Lò Rèn là một đặc sản nổi tiếng, tuy nhiên chỉ có vú sữa của HTX Vĩnh Kim là được đăng ký thương hiệu, có nhãn mác đẹp mắt cùng dòng chữ "Nguồn sữa quê hương" đầy tự hào.

Ông Lê Văn Sơn - Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: HTX Vĩnh Kim có 139 hộ, 19 hộ đã được cấp nông sản chuẩn GAP vào tháng 6/2008, 120 hộ còn lại đã xây dựng mô hình thành công, chỉ chờ được cấp chuẩn vào đầu năm sau. Khi đó, tất cả các công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất, vú sữa Vĩnh Kim tiêu chuẩn quốc tế sẽ có mặt rộng rãi trên khắp các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu…

Ông Sơn cho biết, phải mất hai năm HTX mới xây dựng thành công sản phẩm vú sữa theo tiêu chuẩn GAP. HTX bắt đầu thử nghiệm năm 2006 với sự giúp sức của Sở KH-CN tỉnh. Ngoài kỹ thuật, nông dân còn được tỉnh hỗ trợ 100% vốn đầu tư canh tác (15 triệu đồng/ha).

"Đó là lần đầu tiên HTX được tiếp cận với hình thức canh tác rất mới. Các hộ quen làm ăn kiểu nhỏ lẻ, thiếu khoa học nên rất ngỡ ngàng. Phải học lại từ đầu, từ cách bón phân, tỉa lá đến thu hoạch… cho đến việc lập nhật ký sản xuất. Cán bộ Sở phải hướng dẫn từng ly từng tí". Ông Sơn kể lại, sau này mới biết việc canh tác tỉ mỉ như thế quả là chuyên nghiệp: từ việc canh tác khoa học, nông dân giảm đến gần 50% chi phí và sản phẩm thu hoạch cao hơn đến 30%.

Để được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP trên trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, Hợp tác xã Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim phải đáp ứng 141 yêu cầu và nông dân phải thỏa mãn 236 yêu cầu về kỹ thuật canh tác rất khắt khe của GAP. Vú sữa HTX sau khi được cấp chuẩn lập tức được nâng tầm, có giá 25.000 đồng/kg, cao hơn 10 ngàn đồng. Riêng ông Phó Chủ nhiệm HTX có 0,5 ha vú sữa GAP, cho thu nhập 150 triệu đồng/năm, một ước mơ của tất cả nông dân miệt vườn.

Từ thành công của HTX Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây vú sữa Lò Rèn lên 5.000 ha đến năm 2015 và mở rộng diện tích canh tác chuẩn GAP.

Tháng 8/2008, 11,4 ha lúa của 15 xã viên HTX Mỹ Thành, xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy, Tiền Giang) chính thức được công nhận đạt chuẩn GAP. Ngay lập tức, toàn bộ lúa thành phẩm của các xã viên được Công ty TNHH ADC mua với giá 6.000 đồng/kg. Vào thời điểm đó, lúa gạo tại ĐBSCL đang ế ẩm, nông dân khắp nơi bán lúa với giá chưa đến 4.000 đồng/kg.

Ông Trương Văn Bảy - Chủ nhiệm HTX phấn khởi nói: "Làm ruộng kiểu quốc tế thu lợi tối thiểu 10 triệu đồng/ha, gấp 10 lần bình thường". Để có được tiêu chuẩn toàn cầu, HTX đã phải trải qua hai lần sát hạch, đánh giá. Có đến 238 điều kiện để ra hạt lúa GAP, trong đó nông dân phải thỏa mãn hơn 140 điều. Trước khi sản xuất thử nghiệm, Ban chủ nhiệm HTX phải theo học một khóa ngắn hạn về sản xuất lúa sạch.

"Có đi mới biết quốc tế họ nâng niu hạt lúa hơn nông dân mình nhiều"- ông Bảy cho biết, làm ruộng chuẩn quốc tế khác hẳn với bình thường. Hạt lúa từ khi gieo sạ đến thu hoạch đều được theo dõi kỹ càng, bón phân, phun thuốc đều phải ghi vào nhật ký, vỏ chai thuốc sử dụng không được vứt đi mà phải lưu lại, không phun thuốc trừ sâu trước thu hoạch quá ngắn ngày... Khi nhận chủ trương về, nông dân HTX rất lạ lẫm nhưng dần rồi đã quen và thành thục.

Đến nay, hợp đồng tiêu thụ lúa GAP của HTX với Công ty ADC quy định rõ: Lúa sẽ được mua trong vòng 10 ngày sau thu hoạch, giá cao hơn 20% thị trường để đưa "Gạo chất lượng cao, an toàn Mỹ Thành được sản xuất theo quy trình an toàn" tiếp cận các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Singapore và các siêu thị trong nước với giá cao.

Hiện, tỉnh đã có chủ trương mở rộng diện tích lúa chuẩn GAP tại HTX này thêm 10 ha. Nông dân khắp miệt Tiền Giang rất hào hứng với việc sản xuất lúa chuẩn quốc tế.

Tháng 10/2008, sau 18 tháng tổ chức sản xuất, HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long) được tổ chức đánh giá thẩm định tiêu chuẩn quốc tế (SGS) tại Việt Nam và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP cho 26 hộ tham gia với diện tích 23,49ha, tạo thuận lợi cho thương hiệu bưởi Năm Roi Mỹ Hòa trong việc xuất khẩu trực tiếp.

Cùng thời điểm, Trung tâm Khuyến ngư và Giống thủy sản An Giang tiến hành xây dựng tiêu chuẩn GAP trên con cá tra. Hiệu ứng về một nền nông nghiệp "sạch" lan rộng trên khắp ĐBSCL làm nên một trào lưu hội nhập mạnh mẽ.

Nam Thơ
.
.
.