Nông dân "cõng" nợ vì... ngao chết hàng loạt

Thứ Năm, 26/06/2008, 11:03
"Ngao chết trắng đồng, đầy bãi biển. Cả chục năm nuôi ngao, chưa bao giờ tôi thấy ngao chết nhiều như vậy. Người dân chúng tôi đang thật sự ngao ngán với nghề nuôi ngao biển" - một người dân xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) nói. Câu chuyện ngao chết đang là thời sự nóng bỏng của người dân địa phương, càng nóng hơn trong cái nắng gay gắt tháng 6 của vùng quê miền Trung này.

Chúng tôi xuống cánh đồng nuôi ngao của xã Hoằng Phụ. Hàng chục nông dân đang cặm cụi dọn ngao chết để cải tạo lại ruộng. Bà Phùng Thị Yến (thôn Hồng Kỳ) không cầm nổi nước mắt khi nghe khách hỏi chuyện ngao chết: "Mấy tấn ngao trong ruộng nhà tôi chết trắng cả rồi. Từ tháng 7 năm ngoái, gia đình tôi nhận thầu gần 1ha bãi để nuôi thả ngao thịt. Chồng tôi mang sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng cộng với vay mượn được tất cả hơn trăm triệu đồng, dồn mua được 8 tấn ngao giống để nuôi thả. Nay ngao chết hết, chúng tôi đang không biết tính toán thế nào nữa đây".

Cũng ở thôn Hồng Kỳ, gia đình anh Trương Thanh Hải không ăn, không ngủ và cũng ngao ngán không muốn bước chân ra bãi ngao. Anh Hải cho biết, anh đã đầu tư gần 300 triệu đồng để mua giống, đấu thầu bãi thả, mua lưới cọc, thuê mượn người làm...

Những tưởng được mùa ngao sẽ đủ để trang trải nợ nần, nuôi 3 con, một đứa sắp thi đại học, một đứa lên lớp 12 và đứa út lên lớp 7 ăn học. Nào ngờ, ngao chết, anh gần như tay trắng và phải cõng một khoản nợ lớn chưa biết tính thế nào để trả.

Tuy thiệt hại thấp hơn gia đình anh Hải, nhưng anh Phạm Ngọc Hùng (thôn Xuân Phụ) cũng rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Tháng 8/2007, gia đình anh cùng một số gia đình trong thôn thuê được gần 1ha đất bãi ngang làm nơi neo đậu thuyền bè.

Với diện tích đó anh thả 4 tấn giống với hi vọng sau khi thu hoạch số tiền thu được sẽ giúp anh cải thiện cuộc sống túng bấn: vợ ốm yếu gần chục năm không làm được việc nặng mà nghề đi biển chỉ cần sức khỏe, đứa con đầu bỏ anh chị mà đi khi còn nhỏ, 3 đứa sau vừa học vừa phải phụ bố mẹ đi biển. Ngao đổ ra chết hàng loạt, lãi đâu chẳng thấy chỉ có số tiền nợ gần 60 triệu đang thúc anh chị vắt hết sức khỏe để trả...

Tại thời điểm hiện tại, giá ngao thịt bán tại ruộng đang dao động trong khoảng 10.000 đồng/kg. Cứ thả 1kg ngao giống (giá 17.000 đồng) thì thu hoạch được khoảng 5kg ngao thịt, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi kilôgam ngao giống nuôi thành ngao thịt sẽ có lãi khoảng 25.000 đồng. Tuy nhiên, các ruộng ngao của người dân Hoằng Phụ vẫn tiếp tục chết hết lớp này đến lớp khác.

Tình trạng ngao chết hàng loạt như vậy đã xảy ra hơn một tháng nay. Có ngày, bà con nuôi ngao phải đi thu tới 15 tấn vỏ. Theo số liệu thống kê ban đầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương, toàn bộ số diện tích 24ha của 34 hộ nuôi ngao, số ngao chết rất nhiều, khoảng 70 - 80%. Ước tính thiệt hại ban đầu về sản lượng khoảng 350 - 400 tấn, về giá trị khoảng 3-3,5 tỷ đồng.

Trước tình trạng ngao chết hại này, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) đã tiến hành kiểm tra, xét nghiệm chất đất, chất nước... để tìm nguyên nhân.

Ông Lê Xuân Thắng, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật của Sở cho biết: "Có ba nguyên nhân khiến ngao nuôi tại Hoằng Phụ chết nhiều như vậy, phần lớn là do bà con chưa chấp hành một cách nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nuôi trồng vốn có kỹ thuật rất khó này. Chúng tôi đã khảo sát, mật độ thả nuôi tại những ruộng ngao có ngao chết thường là quá dày, 250 con/m2, trong khi thực hiện đúng kỹ thuật chỉ khoảng 150 con/m2. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu biến đổi đột ngột, khắc nghiệt trong thời gian qua cũng tác động không nhỏ đến ngao.

Nắng nóng kéo dài, rồi mưa lớn kéo dài khiến độ mặn bị giảm, nước trên các ruộng ngao bị ngọt hóa, khiến ngao chết. Một điều đáng nói nữa, ngao chết chủ yếu là ngao lớn (cỡ 30 - 50 con/kg) mà không phải là ngao nhỏ khiến chúng tôi kết luận rằng, hai nguyên nhân trên tác động đến con ngao đang trong thời kỳ sinh sản, có sức đề kháng kém nên ngao chết nhiều như vậy".

Ông Hải cho biết thêm, Thanh Hoá hiện có nhiều cánh đồng ngao, trong đó có hai cánh đồng ngao lớn là ở Hải Lộc (Hậu Lộc) và Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), nhưng chỉ có ngao ở Hoằng Phụ chết nhiều, cho thấy nguyên nhân chủ quan từ người nuôi là khá lớn, người nông dân cần rút kinh nghiệm để tình trạng này không xảy ra thêm

L.Q.
.
.
.