Nỗi lo thị trường hóa chất bị thả nổi

Thứ Hai, 30/05/2011, 09:01
Trong thời gian qua, người tiêu dùng (NTD) hết sức lo lắng trước những thông tin có một số loại hoá chất độc hại được phát hiện có trong thành phần của các loại thực phẩm, đồ uống. Mới đây, một số loại nước giải khát được phát hiện có chứa chất độc hại nguyên nhân là do chất tạo đục, hay việc người kinh doanh sử dụng chất tạo màu công nghiệp để "biến" thịt heo trở thành thịt bò để thu lợi…

Trước những bức xúc của NTD, khảo sát thị trường hóa chất tại TP HCM, chúng tôi nhận thấy thị trường này gần như bị… thả nổi.

Tại TP HCM, hoá chất các loại bán tập trung và sầm uất nhất là ở khu vực chợ Kim Biên (phường 13, quận 5). Riêng trong chợ, hiện có 17 hộ đang kinh doanh và ở các tuyến đường quanh chợ như: Kim Biên, Dã Tượng, Phan Văn Khỏe, có đến hơn 40 điểm hóa chất các loại.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại mặt tiền của chợ Kim Biên, các hộ kinh doanh hóa chất trưng bày trên các quầy, kệ, hàng trăm loại hóa chất khác nhau từ hoá chất phụ gia thực phẩm đến các loại hoá mỹ phẩm. Các loại hoá chất dạng bột như: bột chống ẩm, chống mốc, bột dừa, bột béo… hầu hết được đựng trong bao nilon.

Khi khách hàng mua bao nhiêu thì tiểu thương sang chiết ra cân theo yêu cầu của khách. Còn với các loại hóa chất dạng nước thì được đựng trong các can nhựa. Tên các loại hóa chất này được viết trực tiếp lên can nhựa bằng bút lông, hoặc viết trên một miếng giấy rồi dán lên.

Các loại hoá chất không nhãn mác bày bán công lan tràn ở khu vực chợ Kim Biên.

Có vô số chủng loại hoá chất dạng nước như: hương lài, hương sen… dùng để ướp trà; pha chế nước giải khát có hương đào, dâu, chanh, bưởi, nho…; cà phê thì có hương chồn, môka…, hương cacao, trà sữa trân châu… Ngoài ra, còn có các loại hương dùng để chế biến thực phẩm như hương trứng, hương thịt gà, hương hành, tỏi…

Nếu tại chợ Kim Biên, các tiểu thương chỉ trưng bày hoá chất với số lượng nhỏ, lẻ thì tại các tuyến đường quanh khu vực chợ, việc kinh doanh hoá chất có quy mô lớn hơn gấp nhiều lần với chủng loại hóa chất cũng rất đa dạng từ hóa chất thực phẩm đến hóa chất công nghiệp và việc mua bán ở đây cũng diễn ra khá sôi động.

Khi tôi thắc mắc các loại hóa chất đóng trong các bịch nilon hay đựng trong can nhựa không được đóng bao bì của nhà sản xuất, không có các thông tin về các nội dung của nhãn phụ đối với hàng nhập khẩu như: NSX-HSD, xuất xứ, thành phần… như theo quy định; và quan trọng là hóa chất đựng bên trong liệu có đúng với sản phẩm ghi bên ngoài hay không, thì ông Nguyễn Văn Cường - cán bộ phụ trách kinh doanh chợ Kim Biên cho biết: Ban quản lý chợ chỉ quản lý các hộ kinh doanh trong chợ, còn các điểm kinh doanh ở khu vực xung quanh chợ thì không quản lý.

Còn với các lô hàng hương liệu thực phẩm khi nhập về Việt Nam cũng đã được chứng nhận bởi cơ quan y tế. Đối với các tiểu thương kinh doanh hương liệu thực phẩm trong chợ, do mặt bằng quầy sạp nhỏ hẹp nên hầu hết các tiểu thương chỉ sử dụng để trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Các loại hoá chất hương liệu thực phẩm đựng trong các can nhựa là được sang chiết từ những thùng, phuy lớn nên không có nhãn gốc.

Cũng theo Ban quản lý chợ Kim Biên, trong giấy phép đăng ký kinh doanh của 17 hộ kinh doanh mặt hàng hoá chất tại chợ thì ngành hàng kinh doanh là hương liệu, phụ gia thực phẩm (các loại hương liệu, phụ gia thực phẩm dùng trong chế biến thực phẩm).

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, xen lẫn các loại hoá chất là hương liệu thực phẩm cũng có không ít loại hương liệu là các loại hoá mỹ phẩm như: Hương hoa hồng, hương lài, hương thạch thảo, nước hoa… xịt phòng; hương xá xị, hương hoa hồng… dùng tẩm khăn lạnh…; nước rửa chén hương chanh, nước tẩy rửa lau kính, nước xả vải… và có cả dầu gội các loại như Clear, Dove, Sunsil…

Bà Lưu Thị Kim Nhung - Trưởng ban Quản lý chợ Kim Biên cho biết, việc kinh doanh của các tiểu thương như vậy là sai. Ban Quản lý sẽ tăng cường kiểm tra vấn đề này cùng với việc ghi nhãn phụ của các loại hóa chất của các tiểu thương bày bán ở chợ. Cũng theo bà Nhung, Ban quản lý chợ Kim Biên cũng đã nhiều lần kiến nghị TP nên thành lập một trung tâm chuyên về hóa chất và đưa những cán bộ có chuyên môn quản lý để kiểm soát các loại hóa chất. Tuy nhiên, vấn đề này đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.

Thực tế cho thấy, cứ mỗi lần các phương tiện truyền thông đăng tải một thông tin mới phát hiện một loại thực phẩm, sản phẩm nào đó có hóa chất cấm, hóa chất độc hại thì ngay sau đó các lực lượng kiểm tra mới triển khai tổ chức các đoàn kiểm tra tại các điểm kinh doanh hóa chất xem có kinh doanh loại hóa chất độc hại hay không.

Mong rằng, công tác kiểm tra này được các lực lượng kiểm tra duy trì thường xuyên, kiểm tra đột xuất không chỉ với các loại hóa chất cấm, hóa chất độc hại mà cũng kiểm tra cả việc sắp xếp các loại hóa chất. Vì nếu các loại hóa chất công nghiệp để lẫn lộn với hóa chất dùng trong chế biến thực phẩm thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe NTD rất cao. Đồng thời việc trưng bày, sắp xếp các loại hóa chất không hợp lý cũng sẽ rất dễ gây cháy nổ 

T.Hà
.
.
.