Nỗi lo hoa màu thiếu nước ở Tây Nguyên
PV Báo CAND đã có mặt tại tỉnh Lâm Đồng, ghi nhận thực trạng đáng ngại này…
Trắng đêm bơm nước chống hạn
Những ngày qua, vợ chồng chị Ka Thuyn, thôn Gia Bắc 1, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, vùng chuyên canh cây cà phê lớn nhất tỉnh Lâm Đồng đang thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Đã nhiều tháng nay, địa phương này không có mưa khiến hơn 2ha cà phê, là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình chị đang đối mặt nguy cơ mất trắng.
Từ trước Tết Nguyên đán, rẫy cà phê của gia đình chị Ka Tuyn đã có dấu hiệu rụng lá, héo cành và rơi quả non do thiếu nước. Không còn kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu, điều mà đôi vợ chồng trẻ này đau đáu bây giờ là tìm cách cứu lấy rẫy cà phê đang trong cơn đại hạn.
“Nó (cà phê) có sống được thì mình mới tính đến chuyện nuôi hi vọng vào các vụ mùa sau!.. Còn vụ này, nếu có cứu được thì cũng xác định mất mùa rồi!...”, chị Ka Tuyn tay chặt tỉa những cành cà phê đã chết khô, buồn bã chia sẻ. Thời điểm này năm trước, trên địa bàn đã có vài trận mưa rào, không còn phải bơm nước tưới và cây trồng đã xanh rì nhưng năm nay, trời vẫn nắng hạn gay gắt, chưa có dấu hiệu của những cơn mưa đầu mùa xuất hiện.
Những ngày qua, vợ chồng bà Đỗ Thị Xuyên, thôn 3, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, phải thay nhau trực để đổ dầu vào máy bơm công suất lớn hút nước từ giếng khoan lên hố chứa để tưới cho 3.000m2 cà phê và 2.000m2 dâu tằm. Không những vậy, gia đình bà Xuyên còn phải chia sẻ nước với các hộ xung quanh để cứu cây trồng trong mùa nắng hạn đang diễn ra gay gắt.
“Bây giờ còn nước thì vẫn cố chống chọi lại với hạn hán trên cây trồng, nhưng nếu không có mưa thì chỉ một hai tuần nữa là giếng khoan cũng cạn nước thôi!..”, bà Xuyên than thở.
Tại các hồ chứa nước công cộng của xã Đinh Lạc, huyện Di Linh,vào thời điểm gần nửa đêm 20-2, PV Báo CAND vẫn nghe tiếng máy nổ hoạt động hết công suất để hút nước đẩy đi xa cả vài cây số qua đường ống cố cứu vãn những rẫy cà phê đang khô héo, rụng quả non vì khát nước.
Nhiều công trình thủy lợi ở Lâm Đồng mực nước đã xuống rất thấp. |
Vào chiều tối cùng ngày, khi trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thư, ngụ thôn Tân Phú 1, xã Đinh Lạc cho biết, đã 6 tháng nay trên địa bàn gần như không có một giọt mưa, hạn hán khốc liệt đã khiến nhiều vườn cà phê của bà con trở nên xơ xác, héo lá và rụng quả non. Ở những vùng gần nguồn nước tưới, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các hộ đã phải bơm nước tưới đợt 3 cho cây cà phê.
uy nhiên, thời gian này số giờ có nắng trong ngày thường kéo dài, chỉ 4 ngày sau khi tưới, cây trồng lại lâm vào cảnh khát nước, héo lá và có dấu hiệu rụng quả. Chi phí tưới chống hạn cho cà phê thường rất cao vì phải thuê người, máy móc, xăng dầu, đó là chưa kể nhiều hộ do cách xa nguồn nước tưới công cộng buộc phải chi tiền mua nước để tưới cho cây trồng với giá trung bình là 200.000 mỗi giờ bơm.
“Mặc dù rất tốn kém nhưng tất cả các hộ trồng cà phê buộc phải chi tiền để chống hạn, nếu không tưới thì thiệt hại lại còn lớn hơn!..”, ông Nguyễn Văn Thư, thôn Tân Phú 1, xã Đinh Lạc cho biết.
Nguy cơ hạn hán kéo dài
Các huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng như Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên cũng đang phải đối mặt với một năm hạn hán khốc liệt kéo dài. Mùa mưa năm 2019 đến trễ nhưng lại kết thúc sớm. Lượng nước không đủ để các hồ thủy lợi, thủy điện, hồ chứa của người dân tích nước đạt cao trình. Hiện nay, trên địa bàn nhiều huyện của tỉnh Lâm Đồng không còn đủ lượng nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tại các xã Đạ Lây, Mỹ Đức, Đạ Pal của huyện Đạ Tẻh, do không có các công trình thủy lợi để tích trữ nước chống hạn vào mùa khô, khoảng hơn 1.000ha cà phê, lúa, chè, cây ăn quả tại các địa phương này đang thiếu nước trầm trọng. Nắng hạn kéo dài đã khiến hoa màu của bà con trở nên xác xơ, khô héo. Hàng nghìn gia đình tại các xã trên giờ chỉ còn biết cầu mong cho trời sớm đổ mưa để giải cứu cây trồng.
“Cứ đà này thì gần 3ha điều của nhà tôi hư hỏng hết. Mấy tháng nay, trời nắng nóng quá mà không có một trận mưa nào. Rẫy điều nhà tôi rụng lá hết rồi!..”, ông Nguyễn Thành Tâm, ngụ xã Mỹ Đức buồn bã cho biết.
Thậm chí, tại một số vùng, nắng hạn kéo dài cũng đã khiến các giếng nước sạch của người dân bị khô cạn. Để có nước phục vụ sinh hoạt, không ít gia đình phải di chuyển cả cây số chở nước về tích trữ sử dụng.
Để đối phó với nguy cơ hạn hán tiếp tục kéo dài, gây ảnh hưởng xấu tới hoa màu và sinh hoạt của người dân, các địa phương của tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực triển khai những giải pháp chống hạn. Ông Trịnh Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết, huyện đã tập trung thực hiện một số biện pháp nhằm đảm bảo nước sinh hoạt, nước tưới cho nhân dân phục vụ sản xuất.
Theo ông Thủy, các đơn vị quản lý, vận hành những công trình thủy lợi hằng ngày có trách nhiệm kiểm tra, bảo trì thiết bị, đảm bảo các máy móc hoạt động tốt. Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn trong huyện đã phối hợp với các đơn vị quản lý khai thác công trình để xác định khả năng cung cấp nước tưới, xây dựng phương án bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, mùa khô năm nay có thể kéo dài nên nguy cơ xảy ra hạn hán trên diện rộng là rất lớn. UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các giải pháp để hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu nước trong mùa khô, đảm bảo nước sinh hoạt người dân.
“Các địa phương cần thực hiện điều tiết nước ở hồ thủy lợi hợp lý, thường xuyên nạo vét kênh mương, lòng suối, chống lãng phí nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, không để người dân thiếu nguồn nước sạch trong mùa khô gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt”, ông Phạm S lưu ý thêm.