Nỗ lực tái tạo nguồn lợi thủy sản sau sự cố môi trường biển
- Cơ bản hoàn thành đền bù, hỗ trợ người dân bị sự cố môi trường biển
- Du lịch biển miền Trung khởi sắc trở lại sau sự cố môi trường biển1
- Quyết liệt giải quyết sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn với diện tích hơn 22.000ha trải dài qua địa phận 5 huyện, thị xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế, gồm: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc, với vô số loài thủy sản sinh sống. Nhiều năm qua, do sự đánh bắt theo kiểu tận diệt của người dân, cộng với ảnh hưởng của sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4-2016 đã khiến nguồn lợi thủy sản trên khu vực đầm phá bị suy giảm rõ rệt.
Thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang. |
Cụ thể, tại vùng đầm phá huyện Quảng Điền, trước đây tình trạng khai thác thủy sản tận diệt bằng giã cào, lưới quét hoặc xung điện của các đối tượng “ngư tặc” làm giảm hiệu quả nuôi trồng và nguồn lợi thủy sản trên đầm phá khiến ngư dân địa phương hết sức búc xúc, lo lắng.
Trước thực trạng này, UBND huyện Quảng Điền đã giao 2.500ha mặt nước cho 14 chi hội nghề cá thuộc các xã nằm ven phá Tam Giang bảo vệ và khai thác. Đến nay, huyện còn hình thành được 3 khu BVTS, gồm: khu Vũng Mệ (xã Quảng Lợi), khu Cồn Máy Bay (xã Quảng Ngạn) và khu Cồn Doi (thị trấn Sịa) với tổng diện tích gần 100ha nhằm bảo vệ, nghiêm cấm nạn đánh bắt thủy sản tận diệt.
Trưởng Công an xã Quảng Ngạn, anh Dương Bá Tuyn cho biết: “Do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên nguồn lợi thủy sản trên địa bàn giảm đáng kể. Vì thế, sau khi được Chi cục Thủy sản bổ sung, tái tạo nguồn lợi ở khu vực Cồn Máy Bay, lực lượng Công an xã đã thường xuyên phối hợp với Chi hội nghề cá tổ chức tuần tra, kiểm soát, bảo vệ khu vực này để ngăn chặn, xử lý các trường hợp xâm phạm, đánh bắt trái phép”.
Đặc biệt, để góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản sau sự cố môi trường biển, vào cuối tháng 8-2017, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành thả hơn 30 vạn tôm sú giống xuống vùng phá Tam Giang. Trước đó, Phòng NN&PTNT Quảng Điền cũng đã thả 8 vạn tôm sú và 6 vạn cua giống tại các khu bảo vệ thủy sản ở vùng đầm phá trên địa bàn huyện.
Tại các khu bảo vệ thủy sản khác trên đầm phá Tam Giang, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đã thả hơn 38.000 cá dìa giống, hơn 5.000 tôm giống và 6.000 cá đối giống cùng hàng trăm rạn nhân tạo và trồng các loại cây tra, sú, đước, tạo nơi trú ẩn an toàn cho các loài thủy sản.
Cùng với đó, công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng như Chi cục Thủy sản, Công an địa phương và ngư dân để tổ chức tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên vùng nước bảo vệ được thực hiện thường xuyên.
Kết quả cơ quan chức năng đã thực hiện hơn 1.600 đợt tuần tra; hướng dẫn và xua đuổi 373 trường hợp vi phạm; lập biên bản 228 trường hợp, xử lý 148 trường hợp; tịch thu, tiêu hủy hơn 1.000 lừ xếp, gần 30 tay lưới rê, 11 tay lưới bén và nhiều tang vật dùng đánh bắt thủy sản khác.
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tính đến nay, tỉnh đã thành lập 23 khu BVTS với tổng diện tích bảo vệ hơn 614ha, chiếm 2,8% diện tích đầm phá.
“Các khu bảo vệ thủy sản được bảo vệ nghiêm ngặt đã tạo điều kiện cho các loài thảm thực vật, rong, cỏ phát triển tốt, trở thành nguồn thức ăn và là nơi trú ẩn của các loài thủy sản. Ngoài trực tiếp tái tạo nguồn lợi thủy sản vùng sông hồ, đầm phá nước lợ, đơn vị còn tái tạo nguồn lợi hải sản ở vùng biển bằng cách thả tôm sú giống trưởng thành. Qua đó góp phần phục hồi nguồn lợi thủy hải sản, giữ tính đa dạng sinh học của tài nguyên thủy sản, đặc biệt là ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai”, ông Bình khẳng định.