Hà Nội:

Nỗ lực kiểm soát hàng tiêu dùng phục vụ Tết Nguyên đán

Thứ Hai, 06/12/2004, 17:21
Theo dự báo, các hoạt động thương mại trong dịp cuối năm sẽ tăng mạnh, nhất là tại siêu thị và trung tâm thương mại, dù giá cả một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết biến động theo hướng tăng giá. Các hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm tiếp tục diễn biến phức tạp.

Từ ngày 19/11, giá thịt lợn đã tăng 5%. Giá thịt bò, thịt gà vẫn giữ ở mức cao. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do lượng hàng từ mọi nguồn chuyển về chợ giảm hẳn, các hộ nông dân tích luỹ gia súc, gia cầm để bán vào dịp Tết.

Các loại rau sạch vẫn thiếu hụt trầm trọng. Lượng rau từ các khu vực đưa về Hà Nội chỉ đáp ứng được một phần đối với nhu cầu của người tiêu dùng. Năm nay, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày có thể sẽ tăng khoảng 20% so với năm ngoái.

Theo Sở Thương mại Hà Nội, hiện nay, mức tiêu thụ trung bình mỗi ngày của người dân Thủ đô vào khoảng hơn 250 tấn thịt gia súc, gia cầm, 120 tấn thủy, hải sản và 60 tấn rau quả, trong đó 60% lượng hàng này được nhập về từ các tỉnh ngoài và hầu như không được kiểm tra chất lượng trước khi tung ra một số chợ đầu mối.

Bà Đinh Thị Nga - Trưởng phòng Kinh tế tổng hợp, Trung tâm Thương mại Intimex tiết lộ, lượng hàng Intimex dự kiến nhập năm nay có thể tăng từ 35% -50% so với năm trước. Tiêu chuẩn số một của Intimex là hàng phải đảm bảo chất lượng, có tem nhãn sở hữu độc quyền, có nguồn gốc đúng với sản phẩm. Đối với thực phẩm, đồ ăn uống phải có xác nhận kiểm định của cơ quan chức năng... Ví dụ: Rau quả phải nhập từ các khu vực có uy tín như Đông Anh (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sa Pa (Lào Cai) và có xác nhận chất lượng của Sở NN&PTNT; gà tươi sống, thịt lợn, bò phải có tem kiểm định của ngành Thú y.

Mặt hàng này chủ yếu nhập từ các trang trại miền Bắc đã đăng ký nuôi theo công nghệ sạch và được Intimex hợp đồng trước đó. Các loại hàng nhập khẩu phải có hóa đơn tài chính (đầu vào) đảm bảo đúng pháp luật.

Bà Nga nói, vào dịp Tết hàng năm, lượng khách vào Intimex mua sắm dao động từ 3.500- 4.000 lượt giao dịch/ngày, nếu hàng hóa không đảm bảo chất lượng thì thiệt thòi khách hàng phải chịu và Intimex sẽ mất uy tín.

Còn bà Nguyễn Thuý Nga - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (Siêu thị Fivimart) cho biết, hàng của Fivimart đảm bảo chất lượng vì đã ký hợp đồng dài hạn với đối tác cung cấp. Song theo quy định, trước khi nhập hàng, Fivimart vẫn yêu cầu đơn vị cung cấp phải có đầy đủ thông tin về sản phẩm, nguồn gốc hàng hóa, xác nhận của cơ quan chức năng đối với sản phẩm đó. Trước khi đưa hàng vào đóng túi bày bán, bộ phận tiếp nhận sẽ loại bỏ phần không đạt tiêu chuẩn.

Về phía cơ quan Nhà nước, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã lập kế hoạch kiểm tra tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, đầu mối buôn bán. Trong đó, vấn đề đo lường chất lượng được đặc biệt quan tâm.

Ngoài ra, Chi cục QLTT sẽ tập trung kiểm tra những mặt hàng đắt tiền, có khả năng sẽ bị trà trộn như rượu ngoại, đồ điện tử, điện lạnh, đồ chơi ảnh hưởng tới sức khoẻ và tính cách trẻ em... Nơi tập trung kiểm tra là kho tàng, bến bãi, các tuyến phố thương mại, cửa hàng kinh doanh lớn, địa điểm tập kết hàng lậu trên địa bàn.

Để tăng cường vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Thương mại Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2005, thành phố sẽ cấm việc chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trong khu vực nội thành. Đối với sản phẩm rau quả, sẽ bắt buộc phải đóng bao gói, ghi địa chỉ cụ thể để người sản xuất và kinh doanh chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm

Nguyễn Hưng
.
.
.