Nỗ lực đưa quả vải Việt Nam vào những thị trường khó tính

Thứ Bảy, 30/05/2015, 09:17
Vải của Việt Nam đáp ứng đầy đủ về các yêu cầu kiểm dịch thực vật an toàn thực phẩm của các nước tiên tiến nhất trên thế giới. Đây là cơ sở để đàm phán với các quốc gia khác dễ dàng hơn, dễ thâm nhập hơn.

Trao đổi với báo giới, ngày 29/5, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: Ngoài các thị trường truyền thống, từ cuối năm 2014 đến tháng 4/2015, các cơ quan chức năng nước sở tại đã cho phép doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu quả vải và nhãn vào thị trường Mỹ và quả vải vào thị trường Australia. 

Để xuất khẩu được 2 loại trái cây này, một nguyên tắc cũng như quy định bắt buộc là chúng ta phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật cũng như các yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với quả vải và quả nhãn.

Ông Trung cho biết, theo yêu cầu của các cơ quan chức năng 2 nước này, Cục BVTV đã hướng dẫn người dân: Một là, việc sản xuất, trồng đối với cây vải và nhãn, quy trình chăm sóc phải theo quy trình VietGAP. Thứ hai, trong quá trình chăm sóc, việc sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt: Những hoạt chất nào được phép sử dụng, phòng trừ sâu bệnh ra sao... 

PV: Giá thu mua vải của dân để xuất khẩu đi Mỹ có được 2USD/kg hay không, thưa ông?

Ông Hoàng Trung: Giá thu mua bao nhiêu, tôi không dám khẳng định vì không thể trả lời chính xác được. Giá cả xuất khẩu thì tùy thuộc vào hợp đồng của từng doanh nghiệp. Nhưng tôi được biết rằng, doanh nghiệp cam kết thu mua của nông dân với giá cao hơn 10% so với giá thực tế tại thị trường.

Vải thiều đã bắt đầu bước vào các thị trường khó tính. Ảnh: Ngọc Thành.

PV: Mùa vải đã đến, dự kiến, chúng ta có thể xuất khẩu bao nhiêu quả vải sang hai thị trường mới mở Australia và Mỹ này?

Ông Hoàng Trung: Đây là hai thị trường mới mở và là hai thị trường khó tính, do vậy chúng tôi cũng không kỳ vọng xuất khẩu với số lượng lớn. Năm nay chỉ hy vọng chúng ta có thể tiếp cận 2 thị trường này chứ khó đạt số lượng xuất khẩu lớn. Nhưng “đầu xuôi thì đuôi lọt”. Xuất khẩu lô đầu tiên vào thị trường khó tính này có ý nghĩa vô cùng quan trọng: Khẳng định quả vải của Việt Nam, sản xuất vải của Việt Nam đáp ứng đầy đủ về các yêu cầu kiểm dịch thực vật an toàn thực phẩm của các nước tiên tiến nhất trên thế giới. Đây là cơ sở để chúng ta đàm phán với các quốc gia khác dễ dàng hơn, dễ thâm nhập hơn. Thêm nữa, việc xuất sang được 2 thị trường này cũng tạo động lực vô cùng to lớn cho người trồng vải tại Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết kế hoạch tiếp theo của Cục thế nào?

Ông Hoàng Trung: Sau khi các lô quả vải đã được xuất đi, Cục BVTV sẽ cùng các cơ quan kiểm dịch thực vật của các nước và các doanh nghiệp sẽ xem xét, đánh giá: Lô hàng đáp ứng được yêu cầu hay chưa, có vấn đề gì còn khúc mắc để tiếp tục khắc phục. Nhưng tôi hy vọng rằng, với sự chuẩn bị kỹ càng thì không có vấn đề gì cả. Chúng tôi cũng cho rằng, cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền cho người trồng vải của các vụ tiếp theo.

Hiện nay, ở Bắc Giang đã cấp được 8 mã số, được hiểu là hơn 80ha. Đó chưa phải là nhiều. Nếu sau này, chúng ta đã thông được rồi và có nhiều doanh nghiệp vào thì chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị của Cục phối hợp các địa phương cùng với nông dân tiếp tục tập huấn để mở rộng thêm các diện tích được cấp mã số vùng trồng trong những năm tiếp theo. Kế hoạch của Cục cũng như chỉ đạo chung của Bộ trưởng là tiếp tục đàm phán để dỡ bỏ rào cản kỹ thuật, mở cửa thêm các thị trường khác, ngoài các thị trường chúng ta đang làm; không những chỉ cho quả vải, nhãn mà nhiều loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu khác của chúng ta.

Cục cũng thực hiện việc cấp mã số vùng trồng - một trong những điều kiện mà phía Mỹ cũng như Australia quy định. Cho tới thời điểm hiện nay, chúng tôi đã cấp được 8 mã vùng vải ở Bắc Giang và 2 mã vùng vải ở Hải Dương. Đối với nhãn, 2 mã ở Hưng Yên, 2 mã ở Hà Nội…

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy rằng, thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng. Ngoài những nỗ lực của Bộ, của các địa phương vừa rồi, ngay bản thân Cục BVTV đã có văn bản chỉ đạo: “Ngoài việc tạo điều kiện thông thoáng, phối hợp với các cơ quan chức năng ngay tại cửa khẩu liên ngành, chúng tôi đã yêu cầu cơ quan kiểm dịch tại các cửa khẩu sang làm việc cụ thể với cơ quan kiểm dịch Trung Quốc làm sao thông thoáng nhanh và nhanh nhất, không gặp cản trở gì”.


Chi Linh
.
.
.