Những khó khăn chưa giải quyết của ngành điều

Thứ Năm, 27/07/2006, 13:45

Thời tiết không thuận lợi, chất lượng hạt thấp, giá thu mua cao, giá xuất khẩu giảm, lao động thiếu trầm trọng, các chi phí đầu vào đều tăng… Những khó khăn này của ngành điều Việt Nam chưa thể giải quyết một sớm một chiều.

Trong những năm gần đây, ngành điều đã có nhiều cố gắng trong sản xuất, chế biến. Theo số liệu của Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2005 xuất khẩu điều đã đạt kim ngạch trên 500 triệu USD chủ yếu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Sáu tháng đầu năm nay, sản lượng điều đạt 250 ngàn tấn khô, xuất khẩu ước đạt 53 ngàn tấn nhân các loại và kim ngạch xuất khẩu ước đạt 214 triệu USD (thấp so với kế hoạch đề ra).

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam - Phạm Văn Biên, hiện nay ngành Điều đang gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết năm nay có nhiều biến động không thuận lợi, chất lượng hạt thấp, giá thu mua cao, giá xuất khẩu giảm trong khi lao động thiếu trầm trọng, các chi phí đầu vào đều tăng. Nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ đang lâm vào tình trạng nợ nần và có nguy cơ bị phá sản.

Bên cạnh đó, ngành Điều Việt Nam vẫn còn "đau đầu" vì tình trạng thu mua hạt điều vẫn khó kiểm soát, tự phát, lộn xộn mà nguyên nhân chính là do các nhà máy chưa xây dựng được vùng nguyên liệu, chưa có mạng lưới đại lý thu mua cho riêng mình, tiêu chuẩn hạt đề ra nhưng rất ít doanh nghiệp thực hiện. Với năng suất thu hoạch và giá mua năm nay người trồng điều không mấy phấn khởi, nhà chế biến xuất khẩu cũng không có lãi.

Ở một số nơi cây điều đang bị đốn hạ. Ngoài ra, tình hình gian lận thương mại (trộn bã trái, ngâm ủ hạt, độn tạp chất vào hạt…) làm ảnh hưởng đến nhân điều vẫn còn khá phổ biến mà theo ông Hồ Văn Hữu - Chủ tịch Hiệp hội xuất nhập khẩu điều Bình Phước, đây là một nguy cơ đối với ngành Điều. Thời gian tới, nếu không chấn chỉnh được tình trạng này, hạt điều Việt Nam sẽ bị mất uy tín trên thị trường thế giới.

Hiện vấn đề đưa công nghệ vào trong quy trình xử lý hạt vẫn chưa có kết luận chính thức của khoa học. Hiện các doanh nghiệp vẫn dùng 2 phương pháp xử lý tách hạt, đó là phương pháp chao dầu (70%) và phương pháp hấp hơi nước (30%) trong khi vẫn chưa biết gì về ưu điểm và nhược điểm của hai phương pháp trên.

Một số khâu như đóng gói, xử lý hạt, sấy hạt… có trình độ cơ giới hóa cao nhưng các khâu cắt, tách hạt, bóc vỏ lụa, phân loại hạt vẫn còn làm thủ công nên năng suất rất thấp. Một số nhà máy bước đầu có đầu tư cơ giới hóa nhưng mức độ thành công còn hạn chế. Các doanh nghiệp vẫn chưa đa dạng hóa sản phẩm, vì vậy, mức độ tiêu thụ còn nhỏ lẻ và rất khó chen chân vào thị trường bên ngoài...

Mới đây, Bộ Thương mại đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giúp đỡ ngành điều trong giai đoạn khó khăn. Trước mắt, cho phép khoanh nợ, dãn nợ đối với một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn và tiếp tục cho các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng để ổn định sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Hiệp hội Điều Việt Nam đang đầu tư công nghệ nhằm nâng cao nâng suất lao động và tiếp tục tái bố trí các nhà máy chế biến ở những nơi có lao động dư thừa

Anh Huy
.
.
.