Những giọt mồ hôi ở xứ bạch dương

Chủ Nhật, 10/01/2010, 11:35
Bán hàng bên Nga, có những buổi sáng, chị Hoa phải dậy từ 4h, 5h sáng nấu cơm rồi chuẩn bị phích cơm, phích nước mang ra chợ vì đồ ăn ở chợ rất mất vệ sinh. Nước Nga, mùa đông, cái lạnh -20 độ C như những mũi dao cứa vào da thịt.

Trong rất nhiều Việt kiều thành đạt ở xứ người, chúng tôi gặp tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài, người phụ nữ ấy thu hút sự chú ý của chúng tôi bởi bài tham luận thuyết phục mang tên "Du lịch Việt Nam- góc nhìn từ nước Nga" với những ý tưởng sáng tạo nhằm phát triển tiềm năng du lịch Việt Nam. Sắc sảo và nhanh nhẹn nhưng ở chị vẫn toát lên vẻ đẹp thanh lịch của người con gái phố cổ Hà thành. Chị là Đoàn Thị Kim Hoa, một doanh nhân thành đạt ở đất nước bạch dương.

Doanh nhân Đoàn Thị Kim Hoa (thứ 2 từ trái sang) cùng đoàn đại biểu của Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch Việt Nam tại Hội thảo hợp tác phát triển du lịch Việt Nam ở Matxcơva, Nga.

Tại cuộc tiếp xúc với chúng tôi bên lề hội nghị, chị bảo rằng, cơ duyên đưa chị đến với nước Nga lại không phải là thành tích học tập mà lại là thành tích trong thể thao. Chuyện là thế này, năm đó, người bạn học cùng trường với chị đăng ký dự thi giải Chạy việt dã Báo Hà Nội Mới gặp sự cố không thể tham dự được. Trong tất cả nhóm học sinh còn lại, chị là người có thể lực tốt nhất và được thầy cô tin tưởng chọn để "đóng thế" với lời dặn dò: "Cứ bám các anh, các chị mà chạy là được". Chưa một ngày được luyện tập môn chạy nhưng thật không ngờ, cô nữ sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ năm ấy lại về nhất trong cuộc đua.

Năm tiếp theo, Hoa lại tiếp tục giành ngôi vị quán quân trong giải Chạy việt dã Báo Hà Nội Mới. Với những thành tích xuất sắc trong thể thao như vậy, năm 1982 chị được tín nhiệm cử đi học môn Điền kinh và Chữa bệnh bằng phương pháp thể thao của Trường Đại học Xanh Pêtécbua, Nga.

Ngày ấy, đặt chân đến xứ sở bạch dương, đoàn lưu sinh viên Việt Nam như lạc vào một thế giới thần tiên. Nước Nga hiện lên với những vườn táo chín căng mọng giống như một thiên đường. Cũng đúng thôi, bởi ngày còn ở Việt Nam, ước mơ của Hoa là có tiền thuê sách tại số 10 Phùng Hưng và ăn một bát phở Hà Nội trong những ngày mùa đông tưởng như cao xa biết nhường nào thì ở nước Nga vào thời điểm này, bánh mỳ không mất tiền mua, trong bát súp nóng hổi có những chiếc cánh gà thật to… Chưa khi nào Hoa lại được ăn nhiều thịt bò đến như vậy.

Chị bồi hồi nhớ lại: "Tình cảm trong cộng đồng người Việt ở Liên Xô (cũ) thời bấy giờ đẹp lắm. Trưởng nhóm đơn vị sinh viên lúc bấy giờ là anh Nguyễn Danh Thái, hiện đang là Thứ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch. Anh Thái giống như người anh cả trong gia đình luôn bảo ban, che chở cho lứa sinh viên sống xa gia đình còn bao bỡ ngỡ như chúng tôi".

Được sống trong cuộc sống đầy đủ, nhưng Hoa không nguôi nhớ đến và thương cảm cho những người thân và bạn bè đang phải sống cuộc sống khó khăn, lam lũ tại quê nhà. Điều đó càng thôi thúc cô mỗi lần viết thư về cho gia đình, bạn bè ở Việt Nam không quên nêu cao quyết tâm học tập để xây dựng đất nước. Nhưng, học tập tại nước Nga lúc đó cũng là một thử thách đối với lứa sinh viên như chị. Bởi, ở Việt Nam, chị không được học gì về thể thao, còn tiếng Nga chị cũng chỉ mới được học một năm. Vượt qua những khó khăn, trở ngại về ngôn ngữ, chị tự nhủ lòng mình phải cố gắng, chăm chỉ học tập, không phụ công mong mỏi của gia đình, thầy cô. 

Năm 1987, sau 5 năm học tập trên đất Nga, chị tốt nghiệp và cầm tấm bằng Đại học Thể dục thể thao. Ngỡ tưởng với tấm bằng ấy, về nước chị sẽ trở thành một vận động viên điền kinh hoặc là một cán bộ giảng dạy thể dục, thể thao ở một trường đại học nào đấy. Nhưng không, thời điểm chị về nước đúng vào lúc kinh tế đất nước đang trong giai đoạn khủng hoảng. Các cơ quan thực hiện tối đa chính sách tinh giảm biên chế.

Loay hoay mãi, cuối cùng chị xin được làm kế toán cho Công ty Vàng bạc đá quý Suđêru của Hội Liên hiệp khoa học Việt Nam. Làm được hơn 1 năm, theo chỉ tiêu của Bộ Tài chính, chị được cử đi học văn bằng 2 Đại học Kinh tế quốc dân. Học xong, đến năm 1991, Hội Liên hiệp khoa học Việt Nam có một công ty liên doanh tại thành phố Vinhítta của Ucraina, chị may mắn được tín nhiệm cử sang làm Phó Giám đốc.

Thời điểm quyết định ấy cũng là lúc cuộc hôn nhân của chị tan vỡ mặc dù kết quả của hôn nhân đã là đứa con trai tròn một năm tuổi. Một mình nhìn đứa con thơ trong những đêm thao thức không ngủ, nghĩ về tương lai phía trước, người phụ nữ ấy nuốt nước mắt vào trong, một mình ôm con trở lại đất nước Xôviết. Nhưng ngặt một nỗi, khi chị trở lại Liên Xô lại đúng vào thời điểm Nhà nước Liên bang sụp đổ. Một bước ngoặt lớn trong lịch sử và cũng là bước thay đổi quá lớn của nước Nga khiến chị choáng váng.

Cuộc sống ở Nga không còn là thiên đường như thời sinh viên với chị. Đời sống nhân dân vất vả, khổ cực. Ký ức của chị về nước Nga thời điểm đó là những buổi tối, từng đoàn người biểu tình, ùn ùn kéo nhau ra phố. Cuộc sống trở nên hỗn loạn. Rồi, hết những cuộc biểu tình nước Nga lại phải trải qua thời kỳ tranh nhau xếp hàng mua đồ chẳng khác nào thời bao cấp ở Việt Nam. Các cửa hàng trống trơn hàng hoá.

Có những ngày mùa đông lạnh giá đến -20 độ C, chị vội vã giật mình thức giấc, nhanh chóng chạy đi xếp hàng từ 5h sáng mới mua được hộp thức ăn cho con trai. Cũng đúng lúc này, Công ty của chị bị giải thể. Không còn con đường nào khác, chị phải trở về Matxcơva tìm kế sinh nhai.

Tuy nhiên, "cái khó ló cái khôn", số phận đã mỉm cười với người phụ nữ thông minh và đầy quyết đoán ấy. Bối cảnh đặc biệt của nước Nga lúc đó lại trở thành cơ hội tốt cho các thương nhân làm ăn. Bởi lẽ, hàng hoá từ nước ngoài nhập về nước Nga đều được miễn thuế. "Phi thương bất phú", với ý nghĩ đó, chị tự nhủ lòng mình chỉ cần cố gắng làm ăn một thời gian rồi chị và con trai sẽ trở về Việt Nam. Để thực hiện quyết tâm của mình, chị dồn toàn bộ tài sản mà chị có là 5 chỉ vàng để đánh hàng quần áo, giày dép từ phố Khâm Thiên, Cổ Nhuế chuyển qua đường máy bay sang tiêu thụ tại Nga.

Lúc đầu, hàng Việt Nam chưa tự sản xuất được, chị và bạn bè phải gom hàng Thái Lan nhỏ lẻ bán tại phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Sau đó, khi đã có các mối buôn bán lớn, chị "mạnh tay" đánh cả côngtennơ hàng từ miền Nam Việt Nam qua đường biển sang nước Nga. Có lẽ, đây là khoảng thời gian vất vả nhất trong "chặng đường nước Nga" của chị.

Chị nhớ lại, có những buổi sáng, chị phải dậy từ 4h, 5h sáng nấu cơm rồi chuẩn bị phích cơm, phích nước mang ra chợ vì đồ ăn ở chợ rất mất vệ sinh. Nước Nga, mùa đông, cái lạnh -20 độ C như những mũi dao cứa vào da thịt. Đôi chân lạnh tê đến mức bị tấy đỏ đã bao lần làm chị chỉ chực quỵ ngã. Những lúc quá lạnh vì phải đứng tại chợ giao hàng, không thể chịu được cái lạnh khắc nghiệt, chị phải vờ vào mua đồ tại một cửa hàng nào đó để sưởi ấm cho đôi chân đã tê cứng rồi lại tiếp tục công việc. Có những thời điểm, 2 ngày, 3 ngày chị không về nhà vì hàng hoá chuyển sang liên tục, bán hết hàng rồi, hàng lại tiếp tục về trong đêm, lại dỡ hàng, lại giao hàng cả đêm đông buốt lạnh khiến đôi tay tưởng như mất hết cảm giác.

Chị bảo: "Thời kỳ đó, buôn bán chỉ theo chữ tín, không mánh lới, không thủ đoạn nên làm ăn dễ dàng. Có khi chỉ cần thoả thuận giao hàng bằng miệng chứ không cần giấy tờ như bây giờ. Người bán và người mua tin nhau là chính. Hàng hoá buôn bán cũng khá thuận lợi. Có những ngày, doanh thu bán hàng có thể đạt vài trăm ngàn đôla là chuyện hết sức bình thường. Nhưng, môi trường kinh doanh buôn bán cũng cực kỳ vất vả. Điều trở ngại nhất trong kinh doanh lúc này ở Nga chính là đòi tiền. Bởi, con nợ là những người thuộc nhiều thành phần trong xã hội. Cuộc sống ở xứ sở bạch dương đầy những cơ hội cho những ai biết chăm chỉ làm ăn nhưng cũng đầy cám dỗ cho những ai dễ sa ngã. Nếu không đủ bản lĩnh suy nghĩ bằng cái đầu của mình, đứng vững bằng chính đôi chân của mình, ai cũng có thể bị cuộc sống xô đẩy vào con đường cờ bạc dẫn đến nợ nần. Đòi nợ nhiều chỉ sợ con nợ sẽ "bùng". Đòi nợ mà phải giống như xin sỏ, nịnh nọt con nợ. Chính vì vậy mà có chuyện người Việt sang Nga buôn bán phải "tránh con nợ" hay tạo công ăn việc làm cho con nợ để con nợ có điều kiện trả tiền".

Cũng từ những năm tháng lăn lộn, kiếm sống bên Nga chị quen và yêu anh Tuấn, chồng chị bây giờ. Anh Tuấn vốn là một người bạn học cùng phổ thông với chị. Anh cũng được cử sang Nga du học về chuyên ngành sửa chữa rađa, vô tuyến điện nhưng cuối cùng lại trở thành một thương nhân kinh doanh buôn bán. Cuộc sống của anh cũng như hầu hết những người Việt Nam sang Nga học tập và làm việc bị cuốn theo những biến cố thăng trầm của nước Nga. 

Năm 1997, anh chị về nước tổ chức đám cưới ấm cúng theo phong tục cổ truyền của người Việt Nam. Năm 1998, chị có thêm một cậu con trai kháu khỉnh. Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng đã 19 năm trôi qua chị sống ở Nga.

"Có những lúc tôi đã từng mơ ước nhỏ nhoi như thế này. Chỉ cần trong tay có 100 tờ (loại 100 USD) là tôi sẽ về Việt Nam. Rồi, đến lúc có 500 tờ chứ không phải 100 tờ như mơ ước, tôi lại nghĩ phải có 5.000 tờ mới về Việt Nam. Hết ước mơ cho mình lại ước mơ cho con”. Vậy mà, đến bây giờ, gia đình chị vẫn đang định cư ở Nga. Nhiều người bạn khi gặp lại chị quá bất ngờ vì những thay đổi của chị cả về cuộc sống cũng như điều kiện kinh tế. Bởi, mọi người vẫn thường trực cái suy nghĩ về chị, một cô lớp trưởng rất Bônsêvích, gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động nay lại từng "đi hai lần đò" trong cuộc sống hôn nhân; lăn lộn, trải qua những ngày tháng khó khăn, vất vả và trở thành một doanh nhân trên đất Nga.

Năm 1996, khi công việc kinh doanh đã tạo cho chị một số vốn kha khá, chị dành nhiều thời gian đi du lịch, chăm sóc tổ ấm của mình với hai cậu con trai. Thế nhưng, cũng trong thời gian đi du lịch các nước trên thế giới, nỗi niềm thương nhớ quê hương và quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp vẫn đau đáu trong người phụ nữ ấy. Chị chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ thật nhất tự đáy lòng mình khi nghĩ về quê hương, đất nước: "Đi nhiều mới thấy hình ảnh người Việt Nam, đất nước Việt Nam còn nhiều người chưa biết đến".

Nung nấu ý tưởng đó trong đầu một thời gian, chị đã quyết tâm thực hiện ước vọng của mình là quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam hoà bình, thân thiện mến khách và đặc biệt là đang từng ngày thay da đổi thịt đến với bạn bè nước ngoài bằng cách mua lại Công ty Indochina travel Moscow là Công ty Du lịch và Tổ chức sự kiện tại Nga.

Ngoài hoạt động tổ chức các chuyến du lịch từ Nga về Việt Nam và từ Việt Nam sang Nga, công ty còn chuyên tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, xúc tiến thương mại, tham gia các sự kiện quốc tế…với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, tận tình, chu đáo. Theo chị thì rất nhiều đoàn Việt Nam khi sang Nga không biết liên hệ với ai để tổ chức sự kiện hội nghị, hội thảo cũng như nơi ăn chốn ở, đi lại. Chính vì vậy, chị đứng ra tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam vừa không tốn kém đặt chỗ, vừa quảng bá rộng rãi các sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với người tiêu dùng. Không phụ công sức và niềm mong mỏi của chị, công ty đã đặt được niềm tin trong lòng bạn bè ở xứ sở bạch dương trong thời hội nhập

Lưu Vinh - Nguyễn Hương
.
.
.