Kiểm toán nhà nước lại "điểm danh":

Nhiều tỉnh còn "lỏng" trong quản lý nợ thuế, một số ngân hàng tăng tín dụng vượt hạn mức

Thứ Năm, 22/07/2021, 08:31
Sau hơn 200 cuộc kiểm toán trong năm 2020 tại 16 bộ, cơ quan trung ương và 40 tỉnh, thành phố… Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại đáng lưu ý. Trong đó, công tác quản lý thu, chống thất thu thuế; vấn đề nợ thuế khó thu; thậm chí cả vấn đề tăng tín dụng vượt mức của các ngân hàng cũng đã được nêu rõ.

Công tác quản lý thu, chống thất thu thuế tại nhiều địa phương còn "lỏng"

Báo cáo kiểm toán nêu rõ: Công tác quản lý thu tại một số cơ quan thuế còn tình trạng không hoàn thành kế hoạch. Một số cuộc thanh tra, kiểm tra xử lý kết quả thanh, kiểm tra không phù hợp quy định, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế như TP Cần Thơ; tỉnh Trà Vinh; Yên Bái; Tiền Giang; Gia Lai (Văn phòng Cục Thuế); Kiên Giang (Văn phòng Cục Thuế 1 hồ sơ); Bến Tre (Cục Thuế; Chi cục thuế Thạnh Phú); Thanh Hóa; chậm lập biên bản kiểm tra, thanh tra như Long An; hoặc chậm ký biên bản kiểm tra như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (28 cuộc chậm ký biên bản không có văn bản gia hạn; 10 cuộc chậm nhưng có biên bản gia hạn); chưa phân tích chuyên sâu để lựa chọn các nội dung trọng tâm cần kiểm tra theo quy định như TP  Hồ Chí Minh, Gia Lai; hoàn thuế cho doanh nghiệp khi chưa thực hiện bù trừ các khoản phải nộp ngân sách nhà nước như Công ty cổ phần Đầu tư thuỷ điện miền Trung Việt Nam nợ tiền thuê đất 0,08 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại Tín Thành Hưng chưa phản ánh đúng thời điểm phát sinh doanh thu của dự án.

Một số trường hợp còn miễn, giảm tiền thuê đất cho cả thời gian chậm nộp hồ sơ, thủ tục miễn giảm chưa đúng quy định như tỉnh Lào Cai, Gia Lai, TP Đà Nẵng; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như trà Vinh, Đà Nẵng, Sóc Trăng, miễn tiền thuê đất chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện ưu đãi tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Quảng Ngãi, Đồng Nai, Ninh Bình; miễn tiền thuê đất thuộc lĩnh vực xã hội hóa nhưng cơ quan thuế chưa tham mưu cho tỉnh để tổ chức kiểm tra đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện được ưu đãi; miễn giảm thuế cho hộ kinh doanh chưa phù hợp quy định tỉnh Gia Lai (66 lượt hộ kinh doanh tại địa bàn huyện Chư Pưh); Lào Cai (huyện Bát Xát 83 hộ kinh doanh).

Số nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến 31/12/2019 là 99.705 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

58/63 địa phương có dư nợ thuế khó thu tăng

Chưa dừng lại ở vấn đề trên, báo cáo từ kiểm toán nhà nước cũng kết luận vấn đề quản lý nợ thuế cũng có nhiều điều đáng chú ý. Cụ thể, số nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến 31/12/2019 là 99.705 tỷ đồng, tăng 15% (13.025 tỷ đồng) so với năm 2018 (99.705/86.680 tỷ đồng), trong đó: Nợ có khả năng thu tăng 9,8% (4.205 tỷ đồng); nợ khó thu tăng 16% (6.243 tỷ đồng); nợ đang xử lý tăng 44,4% (2.576 tỷ đồng). Qua kiểm toán cho thấy 58/63 địa phương có dư nợ khó thu tăng, trong đó một số địa phương có mức tăng cao như: Hà Nội tăng 22% (tăng 1.573 tỷ đồng); TP Hồ Chí Minh tăng 16% ( tăng 1.718 tỷ đồng); TP Cần Thơ tăng 55% (tăng 237 tỷ đồng), tỉnh Bình Dương tăng 35% (số tuyệt đối tăng 257 tỷ đồng)... Cùng đó, có 22/40 Cục Thuế được kiểm toán tổng hợp chưa đầy đủ số liệu nợ đọng thuế 1.927,8 tỷ đồng trong đó có Cục Thuế Hà Nội 659 tỷ đồng, Bắc Ninh 373 tỷ đồng, Đà Nẵng 236 tỷ đồng, Yên Bái 194 tỷ đồng, Lạng Sơn 92 tỷ đồng, Phú Yên 83 tỷ đồng, Tuyên Quang 55 tỷ đồng, Lai Châu 46 tỷ đồng, Thái Nguyên 42 tỷ đồng, Hà Tĩnh 38 tỷ đồng, Bình Phước 36 tỷ đồng, Lâm Đồng 36 tỷ đồng, Tiền Giang 4 tỷ đồng, Trà Vinh 3 tỷ đồng, Ninh Bình 0,5 tỷ đồng, Ninh Thuận 24 tỷ đồng, Quảng Trị 0,7 tỷ đồng, Quảng Bình 0,4 tỷ đồng, Cần Thơ 0,3 tỷ đồng, Hà Giang 2,43 tỷ đồng, Cao Bằng 2,4 tỷ đồng, Quảng Ngãi 0,07 tỷ đồng.

Ngoài ra, phần lớn các Cục Thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao về thu nợ thuế trong năm 2019; một số cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế nhưng chưa đầy đủ, kịp thời, triệt để. Liên quan đến nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý, kiểm toán chỉ rõ nợ quá hạn đến 31/12/2019 là 7.047 tỷ đồng, tăng 4,9% (327 tỷ đồng) so với năm 2018, bằng 2,03% số thu ngành Hải quan năm 2019. Ngoài ra, còn 17/36 Cục Hải quan có số nợ đọng thuế chuyên thu quá hạn tăng so với năm 2018, trong đó có một số Cục Hải quan có số nợ tăng cao như Lào Cai tăng 1.967% tương đương 222 tỷ đồng; TP Hồ Chí Minh tăng 2% tương đương 53,7 tỷ đồng, Bắc Ninh tăng 41%, tương đương 43 tỷ đồng, Bình Dương tăng 50% tương đương 30 tỷ đồng, Đồng Nai tăng 80% tương đương 9,9 tỷ đồng và Long An tăng 144% tương đương 5 tỷ đồng...

Nhiều ngân hàng tăng tín dụng vượt hạn mức

Liên quan đến ngân hàng, Kiểm toán nhà nước chỉ ra rằng, số dư nợ tăng trưởng vượt hạn mức tối đa này là gần 26.000 tỷ đồng. Trong số các ngân hàng vượt hạn mức tín dụng được giao năm 2019 thì Ngân hàng Đại Chúng (PVcomBank) đứng đầu danh sách, với số tiền vượt là 13.656 tỷ đồng. Kế đến là Ngân hàng Sài Gòn vượt 8.654 tỷ đồng và Ngân hàng Bảo Việt vượt tín dụng cho phép 3.153 tỷ đồng. Trong danh sách này còn có 4 ngân hàng ngoại, như Ngân hàng Shinhan Bank vượt 132 tỷ đồng, Ngân hàng Mizuho chi nhánh TP Hồ Chí Minh vượt 192 tỷ đồng, Ngân hàng Busan - chi nhánh TP Hồ Chí Minh vượt 83 tỷ đồng, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga là 69 tỷ đồng.

Tại báo cáo gửi tới Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước còn "điểm danh" một số công ty tài chính đầu tư tài chính không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp. Một số ngân hàng như Vietcombank, Bảo Minh hạch toán doanh thu, chi phí chưa chính xác, phù hợp. Đơn cử, VCB ghi nhận lãi dự thu không đúng quy định với các khoản nợ được cơ cấu lại, gần 85,5 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng hạch toán thiếu hơn 29,2 tỷ phí bảo lãnh; hạch toán thừa hơn 19 tỷ đồng lãi dự chi. Bảo Minh hạch toán thiếu doanh thu hơn 7 tỷ đồng với các hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm, cũng như chưa hạch toán thu đòi người thứ ba trên 55 tỷ đồng...

Phạm Huyền
.
.
.