Nhiều thủ tục còn "vòng vo" gây khó cho doanh nghiệp
Sáng 7/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị "Phát triển doanh nghiệp dân doanh 2007". Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cùng với trên 400 đại biểu là lãnh đạo của các Bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố, Hiệp hội và lãnh đạo các doanh nghiệp.
Đơn vị chủ trì Hội nghị là Văn phòng Chính phủ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Nhân tố thúc đẩy trong cuộc đổi mới
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, doanh nghiệp dân doanh gồm nhiều thành phần kinh tế: hợp tác xã, trang trại, bệnh viện, trường học tư… cùng với trên 3 triệu hộ kinh doanh cá thể khác.
Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp dân doanh Việt Nam hiện nay gặp không ít khó khăn trước thời kỳ cạnh tranh khốc liệt của WTO.
Vì thế Hội nghị là cơ hội để các Bộ, ban, ngành, Hiệp hội đánh giá lại và tôn vinh hơn nữa thành phần kinh tế này, giúp doanh nghiệp nâng cao trình độ quản trị, mở rộng thị phần trong nước và quốc tế đồng thời tiếp cận tốt những khía cạnh về tài chính, dịch vụ, nguồn nhân lực.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI tại Hội nghị đã nhận định, việc thu hút đầu tư nước ngoài liên tục tăng thời gian gần đây, Việt Nam được nhắc tới như một nền kinh tế đang lên là có sự đóng góp rất lớn của Chính phủ và các Bộ, ngành.
Trong đó có hình ảnh Thủ tướng Chính phủ trực tiếp xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, Diễn đàn các Nhà doanh nghiệp ASEAN, trực tiếp đối thoại với lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế, các cơ quan truyền thông hàng đầu thế giới… là những thông điệp rất thuyết phục.
Ngoài ra, những chỉ đạo, điều hành các chính sách nói chung và các chính sách gần đây của Chính phủ rất cụ thể, quyết liệt đã đáp ứng những mong muốn của người dân và doanh nghiệp.
Vướng ở khâu thủ tục hành chính là chủ yếu
Ông Vũ Tiến Lộc bức xúc rằng, dù đã có nhiều cải thiện song thủ tục hành chính hiện nay vẫn được xem là khá phiền hà, cản trở đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng chi phí kinh doanh, điển hình là các thủ tục liên quan tới gia nhập thị trường, đất đai và giấy phép con.
Cụ thể để gia nhập thị trường, 25% doanh nghiệp phải mất tới 30 ngày để nhận được các giấy tờ cần thiết. Thủ tục về đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường... còn chồng chéo, nhiều điểm chưa rõ ràng, gây khó cho doanh nghiệp.
Đặc biệt là, hiện tượng giấy phép mẹ đẻ giấy phép con không ngừng ra đời trong thời gian qua. Sự ra đời của các loại giấy phép là do không có cơ chế, quy chuẩn hay cơ quan để kiểm soát đánh giá khiến cho 100% số giấy phép được đánh giá là có điều kiện cấp phép không hợp lý, 89% số giấy phép được rà soát có vấn đề về thủ tục cấp phép.
Thủ tục hành chính khó khăn đã khiến cho 68,8% số doanh nghiệp thường xuyên phải trả các khoản chi phí không chính thức trong các hoạt động kinh doanh.
Một khó khăn tiếp theo đối với doanh nghiệp là vấn đề tiếp cận đất đai. 22,4% số doanh nghiệp đánh giá tính ổn định của mặt bằng kinh doanh là thấp hoặc rất thấp. Cơ chế định giá đất hiện nay chưa phù hợp, thủ tục còn phiền hà và tốn kém.
Thời gian bình quân để các doanh nghiệp nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên tới 131,8 ngày. Cùng với VCCI, đại diện của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Hiệp hội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã cùng nhau nêu ra những khó khăn và và phương hướng giải quyết tại Hội nghị