Nhiều ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi, lãi suất vượt 9%/năm
Từ vài tháng trở lại đây, một số nhà băng đẩy lãi suất huy động kỳ dài hạn lên cao so với mặt bằng chung. Theo đó, có ngân hàng đưa ra lãi suất tiền gửi dài hạn trên 12 tháng lên tới 8,6%/năm với các kỳ hạn 24 - 60 tháng.
Đáng chú ý, theo thống kê của các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tại VietABank, từ tháng 4, lãi suất chứng chỉ tiền gửi ghi danh cho khách hàng cá nhân cao nhất là 9,1%/năm, nhận lãi cuối kỳ và 8,38%/năm với hình thức nhận lãi hàng tháng. Đây là mức lãi suất được ghi nhận cao nhất thị trường cho đến thời điểm này.
Nhiều ngân hàng chịu áp lực rất lớn khi huy động vốn hiện nay. |
Các thống kê cho thấy, việc nâng lãi suất huy động không chỉ khoanh vùng trong nhóm các ngân hàng nhỏ, kém về thương hiệu hay yếu về lợi thế cạnh tranh, mà ngay cả thành viên của nhóm big4 cũng có mặt.
“Nguyên nhân các ngân hàng phát hành chứng chỉ với lãi suất trên 9% là do nhu cầu huy động thêm vốn trung và dài hạn. Với quy định mới về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 45% về 40% sẽ chính thức có hiệu lực trong năm nay và rất có thể sẽ bị rút xuống mức 30% trong thời gian tới. Dự báo trong thời gian tới, lãi suất huy động trung, dài hạn cũng khó có khả năng giảm dù tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp”, các chuyên gia của BVSC nhận định.
Việc lãi suất huy động tăng được nhận định sẽ gây áp lực lên thị trường lãi suất cho vay trong thời gian tới. Thực tế, ngay từ đầu năm, chủ trương giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhất quán và được các NHTM đồng thuận bằng cách tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay.
Song diễn biến của lãi suất huy động tăng như hiện nay, đã có nhiều ý kiến nghi ngại về việc lãi suất cho vay có thể sẽ bị điều chỉnh tăng trong thời gian tới, nhất là các khoản cho vay trung dài hạn, cho vay tiêu dùng cá nhân, vay mua bất động sản…
Thực tế, lãi suất cho vay mua nhà đang dần được đẩy lên tới 11,5 - 13,5%/năm gây áp lực không nhỏ trong việc trả nợ, nhất là với những người vay mua nhà vài năm trước đây. “Mặt bằng lãi suất sẽ đứng ở mức cao và không loại trừ việc nhích tăng nếu xuất hiện áp lực tỷ giá”, Công ty Chứng khoán SSI nhận định.
Lãi suất huy động cao, dĩ nhiên lãi suất cho vay cũng phải tăng theo. Thậm chí theo các chuyên gia, ngay cả khi lãi suất huy động giảm đi chăng nữa thì lãi suất cho vay cũng không thể giảm theo trong bối cảnh cung tiền, tín dụng bị siết lại mà nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn đang rất lớn.“Giảm tăng trưởng tín dụng đồng nghĩa với giảm cung tiền.
Điều đó sẽ đẩy lãi suất tăng lên. Lãi suất tăng lên ở mức độ nào còn phụ thuộc vào cách thức điều hành của Ngân hàng Trung ương và các dòng vốn khác”, TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nói.
Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay cũng đã bị phân hóa rõ rệt giữa hai khối NHTMCP Nhà nước và NHTMCP tư nhân. Điều này đặc biệt đúng với những khoản vay không thuộc đối tượng ưu tiên, nhất là những món vay liên quan đến sửa nhà, cho vay bất động sản.
Theo tìm hiểu, các khoản vay liên quan đến bất động sản như vay mua nhà, đất hay xây, sửa nhà sau thời gian ưu đãi đang được áp dụng tại một số ngân hàng VIB, SCB, Eximbank, BIDV... dao động từ 12,4-12,7%/năm, cao hơn nhiều con số thống kê mức bình quân của cơ quan quản lý.
Đối với cho vay doanh nghiệp, lãi suất cũng đang có sự phân hóa mạnh theo từng đối tượng khách hàng. “Sẽ có những doanh nghiệp được vay với lãi suất chỉ 6%/năm, song cũng có doanh nghiệp sẽ phải vay với lãi suất 11%/năm, thậm chí còn cao hơn”, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho biết.
Thực ra, việc lãi suất tăng trong năm 2019 không phải là quá bất ngờ, vì ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia cũng nhận định về xu hướng này. “Dự báo lãi suất trong năm 2019 có thể sẽ theo xu hướng tăng vì tác động của những cơn biến động trên thị trường tài chính thế giới và sự biến động trong hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nói.