Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19
Và trong 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 388,73 tỷ USD; trong đó tổng trị giá XK ước đạt 202,86 tỷ USD và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 185,87 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 ước tính thặng dư 16,99 tỷ USD.
Theo đó, số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan trong tháng 9 đạt 27.026 tỷ đồng. Kết quả thu trong tháng 9 nâng mức lũy kế thu ngân sách từ đầu năm đến hết tháng 9 đạt 227.933 tỷ đồng bằng 67,4% dự toán, đạt 64,2% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 13,15% so với cùng kỳ năm 2019.
Tình hình vi phạm trong lĩnh vực hải quan tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. |
Thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Tổng cục Hải quan cho biết, để hỗ trợ DN và người dân, cơ quan hải quan đã nghiên cứu, cải tiến theo hướng tìm kiếm những giải pháp thiết thực, phù hợp để tạo thuận lợi tối đa cho DN, cụ thể như: Không yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan theo quy định là bản chụp; không yêu cầu phải ký tên, đóng dấu trên các chứng từ này khi gửi qua hệ thống; Đối với Hiệp định CPTPP, không yêu cầu phải nộp chứng từ chứng minh đối với trường hợp hàng hóa được vận chuyển nguyên container, nguyên chì từ nước XK đến khi đến Việt Nam; chấp nhận vận đơn chủ cho từng chặng, vận đơn thứ cấp nếu trên vận đơn thứ cấp thể hiện hàng hóa được vận chuyển từ nước XK đến nước nhập khẩu.
Không xử phạt vi phạm hành chính đối với phương tiện vận tải quá thời hạn tái nhập, tái xuất theo quy định nếu có tài liệu xác định thuộc trường hợp bất khả kháng do Chính phủ Lào áp dụng biện pháp tạm dừng xuất nhập cảnh hoặc người điều khiển phương tiện vận tải bị áp dụng biện pháp cách ly tập trung tại thời điểm phương tiện vận tải phải tái xuất, tái nhập.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có sân bay quốc tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu trong việc giải quyết nhanh chóng thủ tục, tạo điều kiện cho khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua vùng có dịch COVID-19, phân luồng kiểm tra hành lý của khách nhập cảnh (bao gồm cả hành lý gửi cùng chuyến, hành lý xách tay), bảo đảm an toàn, nhanh chóng.
Triển khai thực hiện Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27-5-2020, theo đó gia hạn thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; chấp nhận C/O sử dụng chữ ký, con dấu điện tử hoặc bản chụp/bản scan C/O để nộp cơ quan hải quan.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh các DN gặp khó khăn không XK được hàng hóa loại hình gửi kho ngoại quan, hàng kinh doanh miễn thuế; trong thời hạn lưu giữ hàng hóa lại hạn chế bởi quy định của pháp luật, cơ quan hải quan và các DN chưa có giải pháp để xử lý hàng hóa ách tắc tại cửa khẩu do nước ngoài đóng biên, đối tác không tiếp nhận hàng hóa. Tổng cục Hải quan đã có báo cáo Bộ Tài chính giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN theo hướng cho phép DN được gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa gửi kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế đến khi công bố hết dịch COVID-19.
Ngoài ra, một số giải pháp được các Cục Hải quan tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ DN có hiệu quả như: Thực hiện thủ tục hải quan, thông quan nhanh chóng hàng hóa XNK, giúp DN có nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị kịp thời phục vụ cho hoạt động sản xuất. Cụ thể, tại các địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, áp dụng kiểm tra hàng hóa (soi chiếu container) xuyên suốt 24/7 theo nhu cầu của DN. Tại các Chi cục Hải quan thường xuyên bố trí công chức trực ngoài giờ hành chính để giải quyết thủ tục hải quan cho DN.
Vi phạm trong lĩnh vực hải quan tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp
Trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan cho biết, sau khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp kích thích phát triển kinh tế, cho phép mở lại các cửa khẩu phụ biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có dấu hiệu gia tăng.
Theo đó, tình hình vi phạm trong lĩnh vực hải quan tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt liên quan đến ma túy và các loại hàng hóa như đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, gia cầm, sản phẩm gia cầm, sừng động vật…
Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: Đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, gia cầm, sản phẩm gia cầm, sừng động vật… được các đối tượng vận chuyển qua các tuyến: Hàng không, cảng biển, bưu điện, đường mòn, lối mở biên giới đường bộ. Đáng chú ý, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp có chiều hướng tăng hơn so với tháng trước. Trong tháng, tuyến hàng không bưu điện đã phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển ma túy.
Thống kê cho thấy, trong tháng 9 (kỳ báo cáo từ 16-8 đến 15-9), toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 1.011 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 641,126 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt 66,201 tỷ đồng, cơ quan Hải quan khởi tố 5 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 7 vụ. Trong quý III năm 2020, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 3.338 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm 915,216 tỷ đồng; Số thu ngân sách đạt 204,884 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan khởi tố 12 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 27 vụ.