Nhiều biện pháp hỗ trợ khó khăn kinh tế do ảnh hưởng của dịch
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ còn tăng 6,2% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% và 9,2% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Số liệu PMI (chỉ số quản lý sức mua) của Việt Nam trong tháng 2 cũng cho thấy xu hướng suy giảm khi chỉ còn 49 điểm so với mức 50 điểm của tháng trước đó.
Sản xuất trong hầu hết các ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng lũy kế sụt giảm so với các tháng trước đó như: Sản xuất kim loại chỉ còn tăng 6% (trước đó tăng 30-40%); sản xuất trang phục chỉ tăng 0,2% (trước đó tăng 7-8%); sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 5% (trước đó tăng 11%); sản xuất đồ uống giảm 3% (trước đó tăng 10-11%)…
Nền kinh tế bị ảnh hưởng, thị trường chứng khoán (TTCK) phản ứng tiêu cực khi chỉ số VN-Index liên tục sụt giảm. Số liệu thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho thấy, TTCK Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm điểm. Đây cũng là giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài có nhiều phiên bán ròng trên thị trường, đồng thời có dấu hiệu rút ròng của vốn ngoại. Tuy nhiên, dại diện UBCKNN cho rằng các dòng vốn nước ngoài rút khỏi các TTCK là hiện tượng chung ở nhiều thị trường trên thế giới.
“Dịch bệnh có tác động tiêu cực đến TTCK nên việc phòng chống và khống chế dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, dịch bệnh COVID-19 tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nên cần có các giải pháp hỗ trợ, kích thích kinh tế để giảm bớt thiệt hại thông qua chính sách tiền tệ, tài khóa. Cùng với đó, cần phải tăng cường tuyên truyền về các giải pháp và kết quả chống dịch bệnh, chính sách hỗ trợ để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Trong bối cảnh hiện nay, UBCKNN sẽ tiếp tục điều hành TTCK theo các quan điểm tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung – cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết. Cùng với đó, UBCKNN và các đơn vị sẽ tăng cường theo dõi giám sát các diễn biến của thị trường để kịp thời đưa thông tin chính thống, minh bạch cho thị trường; trấn an tâm lý nhà đầu tư; xử lý nghiêm những hành vi thao túng, trục lợi do dịch bệnh hoặc tung tin đồn thất thiệt để trục lợi”, đại diện UBCKNN cho biết.
Gói tín dụng 285 nghìn tỷ đồng giúp giảm lãi suất, giãn, khoanh nợ cho doanh nghiệp gặp khó vì dịch bệnh. |
Đồng quan điểm cần có những giải pháp hỗ trợ về tài khóa, các chuyên gia đến từ BVSC dẫn số liệu trong 2 tháng đầu năm đã có gần 16,2 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.
“Trước tình hình trên, bên cạnh việc khoanh, giãn nợ cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Chính phủ cần hỗ trợ DN thông qua chính sách tài khóa mở rộng. Việc giảm các loại thuế, phí nên được ưu tiên và thực hiện song song với đẩy mạnh đầu tư công. Ngoài ra, các cải cách mang tính cơ cấu như: Cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN tìm các thị trường giao thương mới là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay”, BVSC khuyến nghị.
Trước thực tế trên, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ. Mới đây nhất, ngày 6-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 11 với 7 giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch dịch bệnh COVID-19. Theo đó, sẽ có gói tín dụng để tiếp tục đầu tư cho các DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có tổng giá trị 285.000 tỉ đồng trên toàn hệ thống.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu chưa điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu ít nhất đến quý II/2020. Chính phủ cũng đề nghị Bộ Tài chính đưa ra các gói hỗ trợ liên quan tới thuế và chi ngân sách nhà nước ước tính khoảng 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ những cơ sở, DN sản xuất kinh doanh giảm thiểu tác động từ dịch và ổn định việc kinh doanh…