Nhiều DN "tháo chạy" khỏi sàn chứng khoán

Thứ Sáu, 12/10/2012, 10:54
Ngày 12/7, hơn 10 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm MEKOPHAR (MKP) đã chính thức rời sàn HOSE, trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang làm ăn rất tốt, kinh doanh tăng trưởng và giá cổ phiếu ở mức trên 45.000 đồng/cp.

Ngày 8/10, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo về các quyết định của Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường ngày 5/10 của Công ty cổ phần Gò Đàng - Godaco Seafood (AGD) về việc hủy niêm yết tự nguyện toàn bộ cổ phiếu đang niêm yết trên HOSE và ủy quyền cho Hội đồng quản trị (HĐQT) có phương án mua lại toàn bộ số cổ phần của cổ đông nhỏ với giá 50.000 đồng/cp (so với mức giá chốt ngày 8/10 là 46.000 đồng/cp) trước khi hủy niêm yết. Lý do hủy niêm yết tự nguyện không được AGD đưa ra trong thông báo.

Trước đó, ngày 12/7, hơn 10 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm MEKOPHAR (MKP) đã chính thức rời sàn HOSE, trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang làm ăn rất tốt, kinh doanh tăng trưởng và giá cổ phiếu ở mức trên 45.000 đồng/cp.

Câu chuyện rời sàn của các DN được nhiều chuyên gia cho rằng không tác động nhiều đến thị trường và đây là một sự loại bỏ cần thiết các cổ phiếu yếu kém và nâng dần chất lượng hàng hóa trên TTCK. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là việc các cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ khiến cho nhiều nhà đầu tư, nhiều cổ đông nhỏ lẻ bị thiệt thòi như cổ phiếu mất giá, thanh khoản yếu kém...

Trao đổi về vấn đề này, TS Vũ Đinh Ánh, Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng thật ra, khi một DN muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn, hoặc muốn chủ động “tháo chạy”, hay bị động bị hủy niêm yết vì các lý do khác nhau, họ đều phải chịu những điều kiện ràng buộc theo quy định của UBCK.

Cụ thể, một DN hủy niêm yết, để được UBCK “gật đầu”, họ phải trình các phương án sau khi rời sàn, có thể một số DN sẽ mua lại các cổ phiếu đã phát hành, một số khác nếu giải thể, phá sản thì sẽ được xử lý theo luật phá sản. Tuy nhiên, thực tế là khi một DN nào đó bị phá sản, thì cổ phiếu là vấn đề được xử lý sau cùng. Điều này đồng nghĩa với việc có thể DN không còn năng lực để xử lý cổ phiếu, nên chắc chắn trong trường hợp này, các cổ đông sẽ phải chịu thiệt thòi

Hà An
.
.
.