Nhận diện hàng nước ngoài giả xuất xứ Việt

Chủ Nhật, 28/07/2019, 07:15
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 85.892 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 6.165 tỷ đồng, khởi tố 1.311 vụ (tăng trên 47% so với cùng kỳ 2018) với 1.546 đối tượng (tăng trên 56% so với cùng kỳ 2018).


Đặc biệt, tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy, hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Vietnam”, gây ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp (DN) Việt Nam và thiệt hại người tiêu dùng (NTD).

Một trong những mặt hàng dễ tráo nhãn Trung Quốc thành “made in Việt Nam” phổ biến nhất hiện nay là mặt hàng thời trang, quần áo, giày dép, mắt kính... Đặc biệt, hàng may mặc khi NTD ngày càng có xu hướng “săn” hàng Việt Nam xuất khẩu.

Cơ quan Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra hàng giả tại chợ Bến Thành; Hàng may mặc Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt.

Hơn 5 năm buôn bán quần áo trẻ em, chị Nga, chủ shop thời trang S.T (quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết, có một thực tế đáng buồn là trước đây chị chuyên bán quần áo trẻ em sản xuất tại Việt Nam, nhưng sau 2 -3 năm kinh doanh giảm mạnh do khách không thích hàng Việt Nam sản xuất để tiêu thụ thị trường trong nước mà chuộng hàng Việt Nam xuất khẩu. Tuy nhiên, quần áo xuất khẩu thì làm gì có để bán đại trà nên chị nhập thêm hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... để bán.

Hàng Việt thì giá mềm nhưng mẫu mã đơn điệu, hàng Thái, Hàn Quốc thì mẫu mã, chất liệu đẹp nhưng giá cao gấp đôi so với hàng Trung Quốc, nên khách hàng ưu tiên chọn mua hàng Trung Quốc giá vừa rẻ, mà mẫu mã đa dạng. Nhận thấy nhu cầu của khách hàng, nhiều shop đã tráo hàng Trung Quốc, trở thành “hàng Việt Nam xuất khẩu”.

“Hàng Việt Nam xuất khẩu thì thường chỉ có một vài chiếc bị lỗi mới bán ra thị trường. Trong khi đó, trên thị trường có rất nhiều nơi bán để bảng “hàng Việt Nam xuất khẩu” hoặc “hàng xuất khẩu” mà đủ size, đủ cỡ, đủ màu sắc mua số lượng bao nhiêu cũng có thì đó là hàng Trung Quốc “đội lốt” hoặc là hàng Việt Nam nhưng kèm theo cái mác “xuất khẩu” cho dễ bán. Vì quan niệm của NTD là hàng xuất khẩu bao giờ cũng tốt hơn hàng nội địa.

Tuy nhiên, NTD tinh ý nếu nhận thấy sản phẩm có màu sắc lòe loẹt, đường may không tinh xảo, thì đó là hàng Trung Quốc”, chị Nga giải thích. Theo hướng dẫn của chị Nga, chúng tôi thấy rất nhiều tuyến đường bán “quần áo xuất  khẩu, “giày dép xuất khẩu” như đường Hai Bà Trưng (quận 1), Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), Nguyễn Tri Phương (quận 5), Cách mạng Tháng 8 (quận 10), Trường Chinh (quận 12)...

Đến các trung tâm chuyên doanh hàng thời trang Square, TaKa (quận 1), chúng tôi dễ dàng mua được cả hàng sỉ, lẻ có mác “made in Việt Nam”, nhưng khó biết được nguồn gốc xuất xứ thật của sản phẩm. Anh Thanh, chuyên bỏ sỉ quần áo trẻ em ở đây hướng dẫn, “nếu nhãn mác được in trực tiếp lên áo với đường in sắc nét và có một tem phụ bằng vải bên hông áo hay lưng quần thì là hàng “made in Việt Nam” thật, còn tem giấy bắn vào thì khả năng cao là hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam”.

Anh Thanh cũng chia sẻ, đã từng nhận được đề nghị từ một mối cung cấp hàng ở ngoài Bắc, chuyên nhập quần tây nam, nữ từ Trung Quốc về để thay mác thành thương hiệu riêng do họ sản xuất. Họ giao tôi nhận công đoạn thay nhãn mác, phân phối hàng cho họ và tôi được hưởng 50 - 70%, tùy doanh số bán được.

Trong khi đó, phân phối hàng Việt Nam sản xuất thì mức lời cao nhất cũng chỉ 30%. Ngoài mức lời này, tiền công thay mác giá 5.000 đồng/sản phẩm. Công đoạn thay mác khá đơn giản, chỉ là cắt bỏ nhãn cổ áo và tháo bỏ nhãn sườn thông tin thành phần in không đúng.

Thời gian qua, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh bắt giữ hàng chục lô hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng... của DN nhập khẩu từ Trung Quốc gắn mác “made in Việt Nam” của nhiều thương hiệu nổi tiếng. Điển hình, quần áo Việt Tiến giả với hàng ngàn sản phẩm bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ và đối tượng khai nhận số hàng này được nhập từ Trung Quốc về gắn mác “Việt Tiến”.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, hàng Trung Quốc không chỉ bị phát hiện tại cửa khẩu mà một số trường hợp nhập hàng xuất xứ Trung Quốc vào các khu công nghiệp Việt Nam để lắp ráp hoặc chỉ gắn nhãn mác bao bì “made in Việt Nam” để xuất sang nước thứ 3 như các loại bếp gas, lò nướng, lò vi sóng, gạch men... Ngay cả với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc cũng “đội lốt” trái cây Việt Nam như cam, quýt, xoài, mận, đào...

Bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho rằng, sau khi phát hiện khoai tây Trung Quốc “đội lốt” Đà Lạt, tỉnh đã thực hiện đề án nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt nhằm ngăn chặn gian lận thương mại trong việc giả mạo khoai tây Đà Lạt, giúp NTD nhận diện được sản phẩm, góp phần bảo vệ, xử lý vi phạm thương hiệu nông sản Đà Lạt.

Để ngăn chặn tình trạng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu các Cục, Chi cục Hải quan địa phương tăng cường chống hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt nhập về tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Theo đó, phải kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa phải phù hợp với bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu và giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Nếu phát hiện hàng hóa nhập ghi nhãn “Made in Vietnam”, cơ quan hải quan địa phương xác minh làm rõ, nếu có căn cứ hàng có chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa thì tùy theo hành vi vi phạm cụ thể, tính chất, mức độ hành vi vi phạm để xử lý hình sự hoặc xử phạt theo Nghị định 185/2013 của Chính phủ.

Hàng nước ngoài trong đó chủ yếu là của Trung Quốc không chỉ “đội lốt” hàng Việt Nam mà còn “đội lốt” các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài buôn bán đại trà tại thị trường nội địa, gây ảnh hưởng đến quá trình cạnh tranh của các DN Việt. Giữa tháng 7-2019,  6 Đội, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh đã đồng loạt kiểm tra các điểm nghi kinh doanh hàng nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền... tại chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Sài Gòn Square. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ 1.834 sản phẩm là túi xách, đồng hồ, nón, giày dép, quần áo, có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Rolex, Bvlgari, Chopard, Hermes, Franck Muller, Audermars Piguet, Montblanc, MCM, Burberry, Longchamp, Under Armour, Chanel...
T.Hà - N.Cẩm
.
.
.