Nguy cơ xóa sổ quần thể thông đỏ lớn nhất Việt Nam

Thứ Hai, 28/01/2008, 15:15
Thông đỏ là một loại cây quý hiếm, một trong những loại cây có mặt trong Sách Đỏ cần được bảo vệ, nhưng quần thể thông đỏ lớn nhất còn lại ở Việt Nam thuộc tiểu khu 277, khu vực Núi Voi, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng những ngày này lại đang kêu cứu vì bị lâm tặc săn lùng, chặt hạ vô tội vạ.

Đứng trên đường cao tốc Liên Khương nhìn lên khu vực Núi Voi, nơi còn lại số lượng thông đỏ sống tập trung lớn nhất nước, những cánh rừng như lùi xa, co rúm. Những triền đồi bị cày nát, lớp trồng cà phê, lớp trồng hồng.

Đi sâu vào phía trong núi, cái hùng vĩ ngày nào của đại ngàn "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" giờ chỉ còn lại những dấu tích. Những chiếc hầm trú ẩn trên khu căn cứ cách mạng xưa giờ nằm trơ trơ bên những gốc cổ thụ ngước mặt nhìn trời. Lán trại, bãi cưa mọc khắp nơi, dấu tích của lâm tặc đang làm mưa làm gió khắp vùng rừng núi đầu nguồn này.

Chặt thông đỏ làm tượng và quan tài

Bắt đầu từ xã Hiệp Thạnh, men theo những khe suối, hẻm núi về hướng Đông lên núi Voi, tới độ cao khoảng 1.400m chúng tôi bắt gặp những cây thông đỏ cổ thụ đầu tiên thuộc tiểu khu 277.

Nơi đây vẫn được các nhà khoa học nhắc tới là nơi còn nhiều thông đỏ cổ thụ mọc tập trung nhiều nhất Việt Nam, một quần thể thông đỏ lớn duy nhất còn lại đã và đang được nhắc đến như một bảo vật của các nhà khoa học nhưng việc bảo vệ những cây thông này có vẻ như bị buông lỏng, những cây thông cổ thụ to khoảng hai, ba người ôm hầu như đều đã bị lâm tặc hỏi thăm và đánh dấu bằng những nhát búa khoét sâu vào thân cây không thương tiếc.

Những dấu sơn đỏ mới được quét lên như lời nhắc nhở, đây là loại cây quý, không được xâm phạm có lẽ cũng chẳng còn bảo toàn được "mạng sống" cho chúng.

Lội bộ khoảng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi vào được giữa khu rừng. Một bãi đất trống hoác trống huơ để lộ một khoảng trời rộng. Dưới đất là la liệt những cây cổ thụ, chủ yếu là thông đỏ, đã bị chặt hạ chỉ còn trơ những gốc cây khô khốc như ngước mặt nhìn trời cầu cứu.

Nhiều khúc gỗ to chừng 2 người ôm bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Lội tiếp lên phía trên khoảng 100m, lại bắt gặp một bãi đất trống, hàng trăm tấm gỗ đã bị "xẻ thịt" nằm la liệt vẫn chưa kịp chuyển đi. Và cứ thế, bãi cưa nối tiếp bãi cưa.

Theo điều tra khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu lâm sinh (TTNCLS) thuộc Viện Nghiên cứu lâm sinh Việt Nam số liệu từ năm 1996 - 2000, khu vực Núi Voi là nơi sinh sống của khoảng 100 cây thông đỏ, trong đó có khoảng 50 cây cổ thụ.

Tuy nhiên, theo những gì chúng tôi nhìn thấy thì số lượng thông đỏ lớn hiện đã bị chặt hạ khá nhiều. Phía sâu trong rừng thuộc tiểu khu 277A, chỉ đi khoảng 100m là lại gặp một bãi cưa. Những gốc thông đỏ với cành lá bị chặt hạ vẫn chưa kịp khô trong đó có một số cây rất lớn, ước tính phải hơn 100 tuổi.

Một số cây còn lại ít ỏi, chủ yếu ở ven đường mòn dẫn lên đỉnh núi chưa bị chặt nhưng cũng đã bị cưa hoặc đốn nửa chừng. Theo các nhà khoa học thuộc TTNCLS thì những cây đó cũng sẽ bị đổ hoặc chết trong nay mai vì loại cây này khi bị xâm tới thân sẽ chết từ từ.

Quần thể thông đỏ bao giờ mất?

Ông Nguyễn Hồng Tam, Phó ban Quản lý rừng Hiệp Thạnh giải thích rằng: "Do lực lượng mỏng, kinh phí lại không được bao nhiêu nên việc quản lý không tốt. Thêm nữa, rừng giờ đã được giao cho các hộ dân quản lý theo Chương trình 304 nên Trạm cũng chỉ có nhiệm vụ là đi kiểm tra, nhắc nhở chủ rừng nếu thấy cây bị chặt hạ thôi".

Ông cũng cho biết thêm: "Mới đây trạm đã bắt được 2 đối tượng tên Đông và Thành cưa thông đỏ tại khu vực rừng Hiệp Thạnh và Núi Voi, thu được khoảng 5m3 gỗ và đã chuyển lên cơ quan chức năng xử lý".

Với thời gian một tuần một lần tuần tra bảo vệ rừng như lịch mà ông Tam cung cấp cho chúng tôi thì quả thật, việc chặt hạ những cây gỗ quý, to hai ba người ôm là khá dễ dàng với bọn lâm tặc.

Anh Lê Xuân Tùng - một nhà khoa học nghiên cứu về cây thông đỏ của TTNCLS - tỏ ra khá bức xúc sau một chuyến công tác vào khu vực Núi Voi cách đây 2 tháng. Anh nói: "Nhìn cảnh tan hoang ấy thấy bức xúc và đau lòng quá. Tôi đang lo việc nghiên cứu của mình chưa xong thì những cây ấy đã biến mất hết".

Vì vậy, việc bảo vệ những khu vực thông đỏ tập trung như Núi Voi là rất cần thiết để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và duy trì nòi giống cho loài cây này.

Cũng theo anh Tùng, khả năng tái sinh tự nhiên của thông đỏ rất kém nếu việc khai thác rừng bừa bãi sẽ làm biến đổi sinh thái đột ngột và cản trở sự sinh trưởng của thông đỏ, ảnh hưởng xấu tới tái sinh tự nhiên và dẫn đến sự lấn chiếm dần của một số loài cây khác, từ đó sẽ có nguy cơ làm biến mất thông đỏ ở khu vực này.

Ông Nguyễn Hồng Tam tỏ ra rất thiếu trách nhiệm khi cho rằng: "Chúng tôi cũng chỉ biết nó là loại cây quý thôi chứ vẫn chưa có cơ quan, đơn vị nào cho Ban Quản lý bảo vệ rừng Hiệp Thạnh biết rằng cây thông đỏ quý như thế nào, có nguy cơ bị tuyệt chủng ra sao và hiện có bao nhiêu cây ở khu vực này cần phải được bảo vệ nên tôi và nhân viên ở đây không biết".

Ông Tam khắng định: "Ngay cả Nhà nước hiện cũng chưa biết xếp gỗ của nó vào loại nào. Bằng chứng là khi bắt được, đưa gỗ ra đấu giá thì Hạt kiểm lâm Đức Trọng cũng chỉ xếp thông đỏ vào nhóm "gỗ tạp" với giá bán 800 ngàn/khối".

Rời Núi Voi với quần thể thông đỏ đang bị tàn phá, tôi cứ băn khoăn với lời của một nhà thực vật học: "Với tốc độ phá rừng và cách quản lý bảo vệ như hiện nay, chắc cũng chỉ nay mai là quần thể này sẽ biến mất"

Nguyên Thi
.
.
.