Nguy cơ mất thương hiệu bưởi Năm Roi Mỹ Hoà (Vĩnh Long)

Thứ Hai, 07/06/2010, 08:53

Đó là thông tin đáng lo ngại mà ông Trần Văn Sang - Chủ nhiệm HTX sản xuất - Tiêu thụ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, đơn vị đầu tiên của Việt Nam tại ĐBSCL về sản xuất, tiêu thụ trái cây được chứng nhận Global GAP, nói với PV Báo CAND chiều 4/6.

Theo Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp - Bộ NN&PTNT, toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 13.000 ha bưởi các loại. Vĩnh Long là địa phương có diện tích bưởi lớn nhất vùng với khoảng 7.700ha, chủ yếu là bưởi năm roi. Và Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) được xem là xã có diện tích bưởi Năm Roi tập trung nhất nước với khoảng 1.375ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn trái/năm. Và nguyên nhân chính khiến bưởi năm roi nơi đây tồn tại ở diện tích như thế là do chất lượng ngon nhất so với chủng loại này được trồng nơi khác…

Tự hào mình là một trong số ít người có kinh nghiệm phân biệt, thẩm định chất lượng bưởi Năm Roi khi nó được trồng tại nhiều vùng khác nhau của ĐBSCL, ông Sang kể, cách nay chưa lâu, khi chào hàng cho đối tác, người của một doanh nghiệp nọ hùng hồn tuyên bố rằng họ có đủ lượng bưởi sạch thu mua tại Tiền Giang để cung cấp cho đối tác. "Tôi cầm và xẻ bưởi ra xem thử thì phát hiện đó là bưởi của Mỹ Hòa với đặc điểm gai bên ngoài không quá mịn; bên trong, múi tróc, không dính bã, vỏ xốp… hoàn toàn khác với bưởi cùng loại trồng ở Tiền Giang hay bị hạt, vỏ mỏng hơn. Tôi tìm hiểu thêm thì được biết, doanh nghiệp này lúc đó dù chưa có chứng nhận Global Gap nhưng lại xuất hiện ở Mỹ Hòa, tuyên bố với nông dân thực hiện chương trình tương tự. Đáng ngại là họ lấy số lượng nông dân để thực hiện chương trình cũng trùng khớp với số lượng mà HTX chúng tôi đã làm; mỗi nông dân cũng có mã số tương tự bên chúng tôi…".

Đặc sản bưởi Năm Roi đã gắn bó bao đời nay với nông dân Mỹ Hoà, tỉnh Vĩnh Long.

Theo hướng dẫn của một cán bộ UBND xã, chúng tôi tìm đến ấp Mỹ Phước 2, xã Mỹ Hòa để tìm hiểu điều anh Sang nói thì đúng như thế. Không chỉ có vậy, một người từng là thành viên chủ chốt phụ trách khâu kỹ thuật đóng gói của HTX đã bỏ sang làm việc cho đơn vị này. Chủ nhiệm HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa cho biết thêm: "HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa tuy đạt chuẩn Global Gap nhưng mới đăng ký nhãn hiệu độc quyền, chưa có thương hiệu độc quyền và chỉ dẫn địa lý nên nguy cơ mất thương hiệu là rất lớn. Những khó khăn này đã được chúng tôi phản ánh lên cấp huyện, tỉnh từ cuối năm 2009 nhưng chẳng nhận được sự hồi âm nào".

Không dừng lại ở đó, theo điều tra của PV Báo CAND, HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa thành lập năm 2006, chính thức hoạt động vào tháng 4/2007 với 47 hộ sáng lập viên và 50ha chuyên canh bưởi Năm Roi. Tháng 5/2007, Bộ Thương mại, nay là Bộ Công thương đã phối hợp với Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam cùng tổ chức Hợp tác Đức (GTZ) hỗ trợ HTX này sản xuất bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn Eurep.GAP, nay là Global GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu - PV). Sau thời gian thực hiện, qua nhiều lần đánh giá nghiêm ngặt, ngày 19/9/2008, Tổ chức đánh giá thẩm định tiêu chuẩn quốc tế (SGS) tại Việt Nam chính thức cấp cho HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP đối với 26 hộ tham gia với diện tích 23,49ha. Đây là niềm vui lớn nhất của nông dân trồng bưởi năm roi ở Mỹ Hoà, cũng là niềm tự hào của nông dân ĐBSCL bởi có chứng nhận này, chẳng khác nào có giấy thông hành cho đặc sản bưởi năm roi thâm nhập vào thị trường thế giới, nhất là các thị trường khó tính như châu Âu và Hoa Kỳ.

Theo lời trình bày của ông Sang, chứng nhận Global Gap chỉ có giá trị trong thời hạn 1 năm. Sang năm thứ hai, tổ chức kể trên phải kiểm tra, đánh giá, xác nhận lại. Và chi phí cho việc này là 7.700 USD. Do không có tiền, nên HTX đã xin gia hạn được duy trì giá trị của chứng nhận thêm 6 tháng. Hết thời hạn kể trên, SGS cho phép chúng tôi được gia hạn lần cuối thêm 3 tháng. "Hiện chỉ còn hơn 1 tháng nữa là chứng nhận hết giá trị. Tỉnh có hứa sẽ hỗ trợ cho chúng tôi 50% chi phí kể trên nhưng đến nay, đó vẫn chỉ là lời hứa miệng. Nguy cơ bằng chứng nhận của HTX chúng tôi bị treo là hoàn toàn có thể xảy ra…" - ông Sang lo lắng, bức xúc.

Tại một cuộc họp gần cuối năm 2009, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các ngành hỗ trợ nhà vườn và HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa tháo gỡ tình trạng bưởi Năm Roi trúng mùa rớt giá, trong đó có việc tạo thuận lợi cho HTX vay vốn để xây kho lạnh. "Sau cuộc họp này, tôi tìm đến ngân hàng làm thủ tục vay thì thật là chua. Cụ thể, họ đòi chủ quyền đất... nên không vay được tiền ngân hàng. Vốn chúng tôi hiện đã dính vào các hợp đồng xuất khẩu (phía doanh nghiệp xuất khẩu thường chỉ trả cho HTX 50% giá trị hợp đồng; khoản còn lại phải chờ khi nhà nhập khẩu trả, họ mới trả - PV). Không có vốn, vậy là dự án kho lạnh có năng suất trữ 120 tấn bưởi trong 9 tháng mà chúng tôi ấp ủ từ lâu nay coi như đã… chết yểu. Kho lạnh vẫn chỉ là ước mơ của HTX chúng tôi và nhiều bà con nông dân…".       

Theo dân trồng bưởi lâu năm, giống bưởi Năm Roi do ông Trần Văn Bưởi (1918 - 1990) người làng Mái Dầm, nay thuộc xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) tìm thấy. Ông Bưởi vốn là dân thương hồ. Một tối, ông ngủ lại trên ghe bầu ở khu vực biên giới Tân Châu (An Giang) thì tình cờ phát hiện một trái cây có vỏ màu xanh ngả vàng đang trôi trên sông. Ông lượm lên và lấy dao xẻ ra thì thấy trái có nhiều múi, ruột màu đỏ vàng; nếm thử thì thấy vị ngon, mọng nước. Ông Bưởi lấy làm thích thú nên lấy hột mang về trồng. Mới đầu trồng được cây trái lạ, ông Bưởi rất quý và luôn chăm sóc ở chế độ đặc biệt. Sợ con cháu trong nhà hái trái làm mất giống cây quí nên ông Bưởi dọa: "Đứa nào mà hái trái cây của ông Bưởi là ông đánh năm roi nghe chưa". Thế là từ câu nói của ông, giống bưởi có tên gọi là "Năm Roi"...

Thái Bình
.
.
.