Người dân cần tỉnh táo, nói không với “đầu tư siêu lợi nhuận” trên mạng

Chủ Nhật, 02/05/2021, 06:32
Thời gian vừa qua, trên mạng internet xuất hiện khá nhiều ứng dụng kinh doanh, đầu tư với nhiều tên gọi khác nhau nhưng đều có chung một điểm là đầu tư ít, lợi nhuận cao để thu hút người dân tham gia. Tin vào những lời hứa “ảo” siêu lợi nhuận như số tiền đầu tư càng lớn, tiền thu được càng nhiều, không ít người đã đổ vốn vào để đầu tư.


Những trò đầu tư trực tuyến như: nuôi heo đất, nuôi bò online, trả thưởng Bouny..., thậm chí là đa cấp tâm linh đã mê hoặc được người chơi với kỳ vọng thu được món hời lớn. Tuy nhiên, nhiều người tham gia đã mất trắng khi ứng dụng "sập sàn". Danh sách nạn nhân của những ứng dụng này ngày một tăng, số tiền mà các nạn nhân đổ vào 1 ứng dụng cũng đã lên tới vài trăm tỷ.

Trước thực trạng này, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD - Bộ Công Thương) về vấn đề đa cấp biến tướng lợi dụng không gian mạng để lừa đảo.

Ông Trịnh Anh Tuấn.

PV: Hiện nay, trên internet xuất hiện hàng loạt ứng dụng kinh doanh được cho là đa cấp biến tướng. Những ứng dụng này đã lôi kéo được nhiều người tham gia và đổ một lượng tiền lớn vào đây. Tuy nhiên, mới đây ứng dụng “nuôi bò online” bị sập, các nạn nhân mới biết mình bị lừa và gửi đơn kêu cứu. Ông đánh giá như thế nào về các ứng dụng kinh doanh này?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, kinh doanh theo phương thức đa cấp: là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.

Theo thông tin phản ánh của các cơ quan truyền thông, báo chí gần đây về các hoạt động như: nuôi heo đất, nuôi bò online, kiếm tiền từ ứng dụng điện thoại, mua các gói bảo hiểm các “khoản đầu tư”…, các hoạt động này được mô tả chủ yếu là các hình thức trả hoa hồng trực tiếp, huy động vốn để hưởng lãi suất và lợi nhuận cao.

Trong một số nội dung có phản ánh các biểu hiện tuyển dụng người vào sau để hưởng thêm hoa hồng giống với mô hình kinh doanh đa cấp, Cục CT&BVNTD đã nắm được các thông tin này và đang thu thập thêm chứng cứ để đánh giá đầy đủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP trước khi có biện pháp xử lý hoặc chuyển cơ quan Công an xử lý theo thẩm quyền.

PV: Vậy, ông có thể nói cụ thể hơn về những thủ đoạn của các ứng dụng kinh doanh đa cấp biến tướng trong thời gian qua? Theo ông, tác hại của những loại hình kinh doanh đa cấp biến tướng này sẽ ảnh hưởng, tác động như thế nào tới người dân và xã hội khi các ứng dụng bị sập?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Trong một vài năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép có dấu hiệu nở rộ và gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Có những vụ việc có người tham gia rất lớn, lên tới hàng chục ngàn người và các đối tượng chủ mưu thì kịp thời rút lui và không để lại dấu vết, các nạn nhân thậm chí không cung cấp được bằng chứng về thiệt hại khi các cơ quan quản lý nhà nước chính thức vào cuộc.

Qua quá trình theo dõi và giám sát, có thể thấy thủ đoạn của các dự án và các đối tượng này được lặp đi lặp lại như là một công thức hay một kịch bản được dàn dựng sẵn, nhưng lại vô cùng hiệu quả trong thu hút người tham gia:

Thứ nhất là những lời quảng cáo về dự án:

Đây là cách những đối tượng này giới thiệu ngắn gọn nhất về “ứng dụng” hay “dự án” này với những thông tin cô đọng nhưng gợi sự tò mò cho người tiếp nhận, ví dụ như: “thu nhập thụ động 500-700k/ngày”, “Đối tác của triệu phú Đô la”, “chơi game mà có tiền”... Những nội dung quảng cáo này được đăng tải và chia sẻ rất nhanh thông qua các phương tiện Internet.

Thành công của những đoạn giới thiệu này là đánh trúng vào nhu cầu của người nghe, người đọc như: “thu nhập thụ động”, “giải pháp tài chính”, “không thể thua lỗ”, “đầu tư ngắn hạn lợi nhuận cao”… Và sau đó người tiếp nhận các thông tin này sẽ bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu và có thể “tham gia thử”.

Thứ 2 là người dẫn dắt và người bảo chứng giả:

Đây là nhân vật không thể thiếu của “dự án” này. “Người dẫn dắt” là những người có khả năng thuyết trình, dẫn dắt nội dung chuyên nghiệp. Có rất nhiều danh hiệu của những nhân vật “người dẫn dắt” này, kể cả danh hiệu tự phong như: Coach, Leader, Dimond, Upline, Master trainer, Vua truyền lửa, Diễn giả…

Sau đó kết hợp với nhiều thủ thuật khác của người dẫn dắt: như mời người tham gia dự sự kiện tại những nơi rất sang trọng (nơi mà người tham gia chưa bao giờ tới để người tham gia bị bỡ ngỡ và mất tính chủ động), hay mời nạn nhân tham gia các hoạt động với nhiều trò chơi, hô hào tập thể …  “những diễn giả” này sẽ biến những người tò mò ở trên từ những người có tâm lý “đề phòng”, “dè dặt” chuyển sang trạng thái hưng phấn, nhiệt tình tham gia “dự án” và thậm chí sau này còn sẵn sàng chống lại những người ngăn cản mình.

Tiếp đó, “người bảo chứng giả” hay chính là “chim mồi” sẽ xuất hiện dưới dạng là một tấm gương “đầu tư” đi từ nghèo đói để trở thành người có thu nhập “khủng”, hay một người mẹ có người con thành đạt nhờ đầu tư, một người bệnh đã khỏi bệnh nan y nhờ dùng sản phẩm… và kèm theo đó là những “minh chứng” thêm phần thuyết phục như: ảnh chụp sao kê tài khoản với số tiền lớn, những chiếc ôtô sang trọng (thậm chí đi mượn hoặc thuê), những tài liệu y khoa giả…

Sự kết hợp tài tình giữa các nhân vật này sẽ phát tán FOMO (Fear Of Missing Out, một hội chứng tâm lý làm cho ai đó sợ bị bỏ rơi, bỏ lỡ một thứ gì đó) vào đám đông người tham gia làm họ thật sự sợ bị bỏ lỡ cơ hội “hiếm có” này.

Tiếp đó là người tham gia – nạn nhân

Đây là “vai diễn” bị động nhưng lại có số lượng đông nhất trong màn kịch trên. Ban đầu chỉ là những người xem, người ngoài lề, họ bị những nội dung quảng cáo đầu tiên kích thích sự tò mò, họ bị chính người thân quen, người mình tin tưởng lôi kéo để nghe chia sẻ cơ hội “đầu tư làm giàu” từ những người dẫn dắt kia. Họ trải qua đầy đủ các giai đoạn từ những người “có tâm lý đề phòng”, rồi thử thành người tham gia và nhận được một ít tiền thưởng ban đầu để kích thích sự “tự tin” đi giới thiệu cho người khác về “dự án”, thậm chí sau này họ phản bác quyết liệt đối với những lời cảnh báo về “dự án”.

Người tham gia có thể là mọi thành phần, mọi đối tượng: người già, sinh viên, phụ nữ, nam giới, từ những người có sẵn tiền tiết kiệm, đến những người nghèo đi vay lãi để tham gia… Nhưng những người này đều có những điểm chung đó là “lòng tham” lớn hơn “sự sợ hãi”, họ quyết định bỏ số tiền rất lớn đầu tư vào một thứ mà chính họ chỉ hiểu “mù mờ”, tất cả để đổi lấy một “cơ hội phù phiếm” về sự “giàu có và an nhàn mà không cần phải làm gì”.

Cuối cùng cái kết luôn được dự báo trước

Bằng cách này hay cách khác, thực chất của những màn kịch này là lấy tiền của người tham gia sau trả cho người trước, đến khi không có người nộp tiền tiếp theo thì hệ thống người tham gia sẽ bị vỡ. Và cái kết chắc chắn sẽ đến đó là phần lớn những người tham gia trên kia sẽ không thể thu hồi được “khoản đầu tư” ban đầu của mình: không hợp đồng, nếu có hợp đồng thì cũng chỉ tượng trưng không có nội dung gì rõ ràng, không có hóa đơn, chứng từ nhận tiền, nạp tiền vào “hệ thống” thì hệ thống bây giờ không hoạt động, tìm “tuyến trên”, người bảo trợ thì những người này cũng đi tìm những tuyến trên cao hơn để đòi tiền cho mình.

Và thậm chí những nạn nhân này cũng không khiếu nại, khiếu kiện tới các cơ quan chức năng vì họ không có bằng chứng gì liên quan đến các giao dịch nộp tiền. Một phần bản thân họ cũng đã đi dụ dỗ người khác tham gia nên có thể coi là người tiếp tay cho hành vi trái pháp luật.

PV: Không gian mạng đang trở thành nền tảng tiện lợi cho những ứng dụng đa cấp huy động tiền, đầu tư với lãi suất cao nhằm lôi kéo khách hàng tham gia. Thậm chí những ứng dụng này được quảng cáo tràn ngập trên mạng, hướng dẫn tham gia với các thao tác đơn giản chỉ cần người dùng có điện thoại Smartphone. Tuy nhiên, để tăng tính hấp dẫn và qua mặt các lực lượng chức năng các ứng dụng này đã thành lập các hội, nhóm kín để điều hành. Cục đã quản lý và xử lý kinh doanh đa cấp biến tướng ra sao, thưa ông?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Hiện nay, trên cả nước có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thep quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Trong năm 2020, thực hiện chức năng thanh, kiểm tra hoạt động hàng đa cấp của các doanh nghiệp này, Cục và Sở Công Thương các địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là gần 2 tỷ đồng.

Cụ thể: Cục CT&BVNTD đã xử phạt 3 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt 1 tỷ 460 triệu đồng về các vi phạm hành chính trong hoạt động bán hàng đa cấp. Các Sở Công Thương địa phương cũng tiến hành xử phạt 412.5 triệu đồng đối với hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại địa phương.

Thời gian gần đây, với việc các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp được cấp Giấy chứng nhận theo quy định bị kiểm soát chặt chẽ, các hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để trục lợi để lừa đảo có xu hướng gia tăng rất nhanh, phức tạp và đa dạng về hình thức hoạt động: từ kêu gọi đầu tư thông qua việc mua cổ phần, mua phân quyền kinh doanh, rồi huy động đầu tư tài chính, tiền ảo, ngoại hối, quyền chọn nhị phân, đầu tư dự án vùng nguyên liệu… đến những hình thức lợi dụng thương mại điện tử như mua sắm hoàn tiền, mạng xã hội, bán khóa học online…

Hầu hết các vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp không phép khi phát hiện đều thuộc quy mô xử lý hình sự (thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; quy mô mạng lưới 100 người trở lên).

Đối với việc xử lý các hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, thời gian vừa qua, Cục đã tích cực phối hợp với cơ quan Công an các cấp trong việc cung cấp thông tin trên cơ sở yêu cầu của các cơ quan Công an để xác định mô hình kinh doanh có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (trên 30 trường hợp từ 2019 đến nay).

Tháng 8 năm 2020, trên cơ sở phối hợp và trao đổi thông tin, tài liệu với Bộ Công Thương, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến hoạt động Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Đầu tư Thời gian vàng (Goldtime) với Tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Điểm d Khoản 1 về Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp).

PV: Vậy, trước thực trạng trên Cục đã có những cảnh báo gì đối với người dân?

Ông Trịnh Anh Tuấn: Trong thời gian vừa qua Cục CT&BVNTD và các cơ quan quản lý liên quan khác đã tích cực theo dõi, thu thập thông tin và phối hợp với các đơn vị báo chí, truyền thông liên tục cảnh báo về các hành vi có dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép để hạn chế rủi ro người dân. Nội dung cảnh báo của Cục luôn bao gồm thông điệp quan trọng sau:

Thứ nhất, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được đăng ký theo quy định, các doanh nghiệp được giấy chứng nhận luôn được đăng công khai trên trang thông tin điện tử của Cục: vcca.gov.vn.

Thứ hai, hoạt động kinh doanh đa cấp không phép là trái pháp luật, thường có xu hướng lừa đảo rất cao và hoạt động kinh doanh đa cấp không phép có thể bị xử lý hình sự 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ Luật hình sự).

Do đó cách an toàn nhất là người dân KHÔNG nên đầu tư và kêu gọi người khác đầu tư vào những mô hình này vì có rất nhiều rủi ro cả về mặt tài chính và pháp lý khi tham gia các hoạt động kinh doanh đa cấp không phép.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp
.
.
.