Ngư dân gặp khó vì nguồn tiêu thụ, giá bán hải sản tụt giảm

Chủ Nhật, 30/05/2021, 00:34
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ hải sản giảm mạnh kéo theo giá cả mặt hàng các loại tôm, cá tụt giảm, gây ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt của ngư dân. Tuy nhiên, nhiều ngư dân ở tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển bảo vệ ngư trường.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế nên từ trung tuần tháng 5/2021, hầu hết các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống ở TP Huế và các địa phương trên địa bàn tỉnh đều tạm đóng cửa kinh doanh hoặc mở cửa phục vụ không quá 10 người. Nguồn cầu các mặt hàng giảm, trong đó có hải sản đã đẩy giá cả các loại tôm, cá đánh bắt từ biển đưa vào bờ giảm theo.

Tại cảng cá Thuận An (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế), do đang là thời điểm đánh bắt cá vụ Nam thuận lợi nên có rất nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân trên địa bàn vừa cập cảng để bán hải sản cho thương lái. Tuy nhiên, giá thu mua hải sản có phần giảm hơn trước khiến ngư dân không khỏi lo lắng. Trò chuyện cùng chúng tôi, ngư dân Nguyễn Văn Bảy (55 tuổi, ở thị trấn Thuận An), chủ tàu cá công suất gần 400 CV chia sẻ.

Ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến nguồn tiêu thụ hải sản của ngư dân tỉnh Thừa Thiên-Huế giảm mạnh.

“Sau khi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5, tôi và các bạn thuyền tiếp tục nổ máy cho tàu ra khơi để đánh bắt hải sản dù nhiều tàu khác nghỉ chuyến trăng. Việc đánh bắt ở vùng gần bờ ngày càng khó khăn do nguồn lợi hải sản ngày mỗi cạn kiệt. Song điều khiến ngư dân chúng tôi lo lắng nhất vẫn là giá cả hải sản bán ra. Dịch bệnh COVID-19 khiến các quán ăn, nhà hàng đóng cửa, nguồn tiêu thụ giảm khiến giá tôm, cá các loại giảm hơn so với trước”.

Vừa chất các loại cá nục, bánh lái, cá hố, cá ngừ từ khoang thuyền cho vào khay để đưa lên bờ, ngư dân Lê Văn Hoàng (37 tuổi, chủ tàu xa bờ ở xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang) cũng không giấu được sự lo âu. Anh Hoàng cho biết, nếu như dịp đầu năm 2021, tàu cá xa bờ công suất 400 CV của anh đánh bắt mỗi chuyến biển thu được hàng chục triệu đồng thì nay nguồn thu bán hải sản giảm từ 30 đến 40%.

“Giá các mặt hàng tôm, mực, các loại cá đều giảm so với trước nên trừ chi phí, mỗi bạn thuyền chỉ được nhận vài triệu đồng sau chuyến đi biển. Nếu dịch bệnh COVID-19 kéo dài, lo sợ mức tiêu thụ hải sản tiếp tục tụt giảm trong thời gian đến nên tôi đã động viên, an ủi bạn thuyền để tiếp tục ra khơi”, anh Hoàng bày tỏ.

Qua tìm hiểu được biết, giá hải sản giảm không chỉ ảnh hưởng đến các tàu cá hoạt động đánh bắt gần và xa bờ mà còn ảnh hưởng đến các cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản. Ngoài hàng chục thương lái thu mua hải sản của ngư dân mỗi khi tàu cá cập cảng, hiện ở cảng cá Thuận An còn có các cơ sở cấp đông hải sản.

Ông Trương Văn Chính, chủ cơ sở đông lạnh hải sản ở cảng Thuận An cho biết, doanh nghiệp thường liên kết với một số tàu cá để thu mua hải sản, giá cả các mặt hàng hải sản được thỏa thuận từ trước nên ngoài sản lượng, chất lượng hải sản phải đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp. “Giá cả hải sản tụt giảm làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc mua bán và thị trường tiêu thụ. Vì thế, nếu chủ tàu cá không đảm bảo chất lượng nguồn hàng thì việc thu mua hải sản sẽ ngày càng khó khăn hơn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp”, ông Chính nói.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay vụ cá Nam ngư dân đánh bắt thuận lợi hơn nhưng vì tình hình dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng hải sản. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ hải sản không ổn định khiến bà con ngư dân địa phương gặp khó khăn. “Ngoài công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho các chủ tàu cá, ngư dân, chính quyền địa phương còn tích cực vận động bà con ngư dân nỗ lực vươn khơi bám biển để vừa tăng sản lượng đánh bắt, vừa góp phần bảo vệ ngư trường”, ông Giàu bày tỏ.

Nhiều ngư dân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang còn cho biết, việc hải sản thiếu đầu ra, giá cả liên tục giảm trong khi giá nhiên liệu xăng, dầu tăng làm đội chi phí mỗi chuyến biển lên gấp nhiều lần. Vì thế bà con ngư dân cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền bằng những giải pháp thiết thực. Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, trong điều kiện nguồn lợi hải sản gần bờ ngày càng khan hiếm thì ngư dân cần mạnh dạn đầu tư vay vốn cải hoán máy móc, đóng tàu mới công suất lớn để hoạt động đánh bắt xa bờ, nhất là ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Bởi những ngư trường này mới có lượng hải sản dồi dào, có giá trị kinh tế lớn.

Bên cạnh đó, đơn vị sẽ có kế hoạch phối hợp với các địa phương tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân mua sắm thêm các loại máy móc, trang thiết bị dò cá hiện đại, đầu tư thêm ngư lưới cụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ, góp phần nâng cao sản lượng và kinh tế do nguồn lợi hải sản mang lại.

Anh Khoa
.
.
.