Ngư dân điêu đứng vì tàu giã cào lộng hành
Một ngày nắng gắt giữa tháng 5, chúng tôi tìm về vùng biển xã Phú Diên, huyện Phú Vang và chứng kiến cảnh rất nhiều thuyền, gọ đánh cá của bà con ngư dân ở đây phải... nằm bờ. Dẫn tôi ra phía chiếc thuyền của mình đang nằm phơi trên bờ cát, ngư dân Nguyễn Văn Định (52 tuổi, thôn Phương Diên, Phú Diên) nói trong lo lắng: “Để phục vụ cho hoạt động đánh bắt thủy hải sản gần bờ, đầu năm 2013, vợ chồng tui vay mượn khắp nơi gần 100 triệu đồng để sắm ngư lưới cụ. Tuy nhiên, khi các chuyến biển đang ăn nên, làm ra thì gần đây xuất hiện nhiều tàu giã cào đánh bắt gần bờ làm hỏng hết lưới cụ của gia đình nên tui phải cho thuyền nằm bờ suốt mấy hôm nay...”.
Qua tìm hiểu được biết, không chỉ hộ ông Định mà rất nhiều ngư dân trên địa bàn thôn Phương Diên cũng bị tàu giã cào phá hỏng ngư lưới cụ. Ông Nguyễn Văn Quả, Trưởng thôn Phương Diên cho hay: “Gần 2 tháng nay, bình quân mỗi ngày có khoảng 10 chiếc tàu giã cào ở ngoài tỉnh tập trung ở vùng biển địa phương để đánh bắt hải sản. Nếu họ đánh bắt đàng hoàng thì mình không nói gì chứ đằng này, họ vừa đánh bắt theo kiểu tận diệt, vừa phá hỏng ngư lưới cụ của ngư dân địa phương, dù bà con đã thắp đèn sáng trên các phao lưới để làm tín hiệu cảnh báo...”.
Nhiều thuyền cá của ngư dân xã Phú Diên (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) phải nằm bờ do tàu giã cào phá hỏng ngư lưới cụ. |
Theo Nghị định 33/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản, thì những tàu cá có công suất từ 90CV trở lên bị cấm khai thác thủy hải sản ở vùng biển gần bờ và vùng lộng trong phạm vi 12 hải lý. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí và do thu lợi cao từ việc đánh bắt gần bờ nên nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật khi sử dụng tàu giã cào đánh bắt ở các khu vực cấm, trái với quy định của Nhà nước.
Trước thực trạng tàu giã cào lộng hành, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức nhiều đợt truy đuổi để bảo vệ tài sản trên biển cho ngư dân. Chỉ tính riêng năm 2013, đơn vị này đã bắt giữ và xử lý hàng chục tàu giã cào công suất lớn, trong đó có 24 tàu giã cào mang số hiệu ngoại tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, số tàu giã cào bị bắt giữ chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với số lượng các tàu giã cào đang ngày, đêm hoành hành, đánh bắt trái phép trên vùng biển Thừa Thiên - Huế.
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS tỉnh Thừa Thiên - Huế thừa nhận rằng, do thiếu kinh phí nên mỗi năm, lực lượng của đơn vị chỉ tổ chức khoảng 6 đến 7 chuyến tuần tra trên biển, mỗi chuyến kéo dài khoảng 3 ngày nên chỉ bắt giữ được một số ít tàu giã cào vi phạm... “Mặt khác, mỗi lần lực lượng chức năng tổ chức tuần tra bắt giữ thì các chủ phương tiện tàu giã cào đã thông báo cho nhau qua điện thoại để lái tàu bỏ trốn. Vì thế, việc xử lý vi phạm của các tàu giã cào ngoại tỉnh chưa thể triệt để được”, ông Bình cho biết thêm.
Có thể nói rằng, việc tàu giã cào bất chấp pháp luật, hoành hành trên nhiều vùng biển gần bờ của các tỉnh miền Trung, trong đó có Thừa Thiên-Huế đã để lại hậu quả nghiêm trọng khi thủy hải sản, môi trường biển bị hủy diệt; ngư dân thiệt hại nghiêm trọng khi ngư lưới cụ bị phá hoại... Hơn lúc nào hết, giờ đây bà con ngư dân đang trông đợi sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng để chấn chỉnh nạn tàu giã cào hoành hành...