Ngư dân Đà Nẵng “bội thu” hải sản chuyến biển cuối năm
- Hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ
- Ngư dân được mùa cá trích, ốc gạo gần bờ
Những ngày cận tết, từ 6h sáng chúng tôi đã có mặt tại cầu Cảng số 3 thuộc Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). Những con tàu làm nghề lưới rê, lưới bùng nhùng, chụp mực, thậm chí là tàu giã cào nổ máy chờ đến lượt mình cân hải sản.
Cảng cá Thuận Phước và âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) tấp nập tàu cá ra vào dịp cuối năm. |
Hai tàu cá của “lão ngư” Lê Văn Xin (quận Sơn Trà) vào cảng từ sớm để cân cá cho các thương lái; một phần thì đem lên chợ hải sản để bán kiếm lời. Ông cho biết, hai tàu cá có công suất trên 500CV/tàu hành nghề chụp mực phía Tây Bắc ngư trường Hoàng Sa.
Chuyến đi chừng 10 ngày vừa qua nhưng mỗi lao động cũng kiếm trên 6 triệu đồng. “Ở Hoàng Sa mùa này hải sản nhiều lắm”, ông Xin chia sẻ. Sau khi trở về bán hải sản, ông Xin tổ chức “thết đãi” các lao động và cho nghỉ ngơi vài hôm để tiếp tục ra khơi bám biển.
Trước đó ít hôm, ngư dân Nguyễn Bốn (quận Thanh Khê) cho tàu trở về để nghỉ ngơi sau một hành trình dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa. Là một “lão ngư” có nhiều kinh nghiệm đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, nên mỗi chuyến ra khơi ở ngư trường này tàu ông đều khai thác có hiệu quả. Trở về sau chuyến biển hơn một tuần, mỗi lao động cũng kiếm được bạc triệu. Chính vì khai thác có hiệu quả ở Hoàng Sa nên trong vài ngày tới, tàu ông Bốn sẽ tiếp tục trở lại Hoàng Sa với mong muốn chuyến biển cuối năm này đầy thắng lợi.
Tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), hàng chục tàu công suất lớn của ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng tấp nập vào bờ giao cá cho chủ hàng. Ngoài bến cảng, nhiều tàu đánh bắt “no” cá, mực vào giao hàng nhưng cũng nhiều tàu công suất lớn đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
Với ngư dân, không gì vui bằng ra khơi khi cái Tết đã cận kề, mỗi chuyến ra khơi dịp này tàu về luôn no cá, về cảng tiêu thụ lại nhanh. Hàng trăm cây đá từ các nhà máy đá Văn Thông, Sơn Trà… “chảy” xuống các tàu. Nước uống, lương thực, thực phẩm cũng được các chủ tàu đưa lên tàu một cách khẩn trương để chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày tại các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.
Xuân về, bến cảng lại nhộn nhịp, niềm vui sẽ nối dài với đời ngư phủ. |
Ông Nguyễn Lại, Trưởng phòng Khai thác và Dịch vụ, Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết: Nghề biển và ngư dân miền Trung những năm vừa qua gặp không ít khó khăn, trở ngại do liên tiếp các trận bão lớn, giá xăng dầu liên tục tăng cao, ngư trường cũng không ít lần dậy sóng bởi “tàu lạ” quấy rối, đâm chìm, trộm cướp ngư lưới cụ…
Đối với ngư dân miền Trung, biển cả là Tổ quốc, là chủ quyền thiêng liêng. |
Nhưng nhờ có sự quan tâm của Đảng, nhà nước, sự phối hợp đồng lòng chặt chẽ giữa ngư dân và của các cấp, các ngành chức năng trong công tác bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế nên ngư trường miền Trung đã dần được ổn định, ngư dân đã yên tâm đánh bắt xa bờ. Và nay, khi xuân về, những ngày tết cận kề ngư dân miền Trung lại hướng ra biển. Ở đó không chỉ là nguồn lợi kinh tế mà còn là vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì vậy, những “cơn bão biển” vừa qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng ngư dân miền Trung vẫn đều đặn ra biển xa, tìm nguồn cá sạch, duy trì, phát triển nghề truyền thống.
Còn theo Bản quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, trong những ngày cuối năm và cận tết này, lượng hải sản hàng ngày về từ các vùng biển, trong đó đặc biệt là Hoàng Sa ước đạt khoảng hơn 100 tấn hải sản/ngày.
Hiện tại, đa phẩn ngư dân đã trở lại biển khơi để tiếp tục hành nghề. Trong khi đó, để ngư dân yên tâm hơn trên biển, Hội nghề cá TP Đà Nẵng đã đề nghị các lực lượng chấp pháp của Việt Nam cần phải thường xuyên có mặt trên biển để hỗ trợ ngư dân khi cần thiết. Lực lượng Biên phòng và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn cũng phải sẵn sàng các phương án khi ngư dân có yêu cầu. Có như vậy, ngư dân yên tâm để trở thành “cột mốc sống” và là những con “mắt thần” kịp thời phát hiện các hành vi tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của Việt Nam…
Được biết, đầu năm 2019 này, tuy thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt hải sản. Nhưng không vì vậy mà ngư trường Đà Nẵng và miền Trung bớt sôi động. Trong dịp Tết này, Ban quản lý Khai thác và Dịch vụ, Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cũng đã duy trì thường xuyên lực lượng để tăng cường sắp xếp, hướng dẫn tàu thuyền ra vào cảng để thuận lợi trong việc bốc dỡ.
Cùng phối hợp với Văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá để thanh tra, kiểm soát hoạt động nghề cá về chống khai thác bất hợp pháp không báo cáo, không theo quy định”. Và với giá thu mua hải sản tại chợ đầu mối hải sản Đà Nẵng đều đã tăng cao, cụ thể: cá Thu dao động từ 130.000 đồng đến 140.000 đồng/kg, cá ngừ 60.000/kg, cá nục khoảng 130.000/kg,... cao hơn ngày bình thường 20.000 – 30.000/kg…
Chắc chắn ngư dân Đà Nẵng và ngư dân miền Trung đang thu mua và bán hải sản tại các cảng cá, chợ hải sản ở Đà Nẵng sẽ thu được một khoảng thu nhập không nhỏ, đủ trang trải cho các thuyền viên, thuyền bạn một cái tết no đủ…
Có thể nhận thấy rằng, ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung: “ Lúc khó khăn nhất cũng là lúc ngư dân cho thấy bản lĩnh của mình”. Cùng sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương vẫn tích cực bám biển trong điều kiện khó khăn chồng chất. Ngư dân đã có nhiều phương cách, đồng lòng cùng nhau trong những chuyến biển xa bờ. Đem bội thu, hàng trăm tấn hải sản cập bờ phục vụ cho ngư trường, cung cấp đủ đầy cho người dân miền Trung đón tết.