Các Doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương:

“Nghẽn” thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Thứ Hai, 02/12/2013, 13:05
Kết quả sơ kết mới đây nhất vào ngày 30/11 của Bộ Công thương cho thấy, việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra chậm, gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành - “nhiệm vụ khó khăn nhất giai đoạn hiện nay” như nhận định của Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phùng Đình Thực.

Đã “sa lầy” rút chân lên rất khó, đặc biệt là với điều kiện không được “mất giày, đứt dép”, và trong bối cảnh các tập đoàn, tổng công ty khác cũng đang ồ ạt muốn rút chân ra khỏi những lĩnh vực đang điêu đứng như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán…

Báo cáo của Bộ Công thương trong Hội nghị sơ kết công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ ngày 30/11 cho biết, đến nay tất cả các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước đều đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013- 2015. Là năm đầu tiên thực hiện đề án tái cơ cấu, Bộ Công thương nhận định “đã đạt được những kết quả theo yêu cầu của Thủ tướng” là đã rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính; kiên quyết thoái vốn tại những ngành nghề không thuộc diện ngành nghề kinh doanh chính như ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản.

Tương tự với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, việc chuyển nhượng các dự án đầu tư ngoài ngành như Ngân hàng SHB, Công ty CP SHS, Công ty CP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà đang tiến hành định giá nhưng chưa thể chuyển nhượng do điều kiện thị trường không thuận lợi. Việc thu hồi vốn ở Công ty CP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà được đánh giá là “rủi ro cao”. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng mới dừng ở việc “phê duyệt phương án giảm vốn, thoái vốn 11/13 đơn vị”.

Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn này cho biết: Thoái vốn ra khỏi lĩnh vực kinh doanh chính trong điều kiện thị trường không thuận lợi với nguyên tắc là bảo toàn vốn tối đa, cộng với áp lực tất cả các doanh nghiệp Nhà nước đều phải thoái vốn, khiến nó trở thành nhiệm vụ khó khăn nhất trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là đối với các đơn vị đang gặp khó khăn và thua lỗ.

Tuy nhiên, hiện quá trình tái cơ cấu DN Nhà nước đang diễn ra rất chậm. Trong Hội nghị sơ kết diễn ra vào ngày 30/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận, công tác tái cơ cấu “gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và có một số hạn chế”, thoái vốn còn chậm, công tác cổ phần hóa của các DN còn lại cũng chậm lại. Trong đó, nguyên nhân khách quan là các DN tương đối thuận lợi đều đã CP hóa trước, các DN còn lại gặp khó khăn của tình hình tài chính, kinh doanh thời gian gần đây và vướng do khủng khoảng kinh tế, tài chính thế giới. Văn bản hướng dẫn cũng còn vướng, ví dụ xác định giá trị đất đai…

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, một số cơ chế chính sách đã ban hành không thực sự phù hợp, nhất là trong thoái vốn và sử dụng vốn, như quy định thoái vốn không được thấp hơn giá trị sổ sách hoặc quy định những công ty cổ phần chưa niêm yết thì việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị trên 10 tỷ đồng thì phải thực hiện đấu giá qua sàn giao dịch chứng khoán… “gây tâm lý lo ngại chần chừ, lo về trách nhiệm” nên quá trình giảm vốn, thoái vốn bị chậm. Một nguyên nhân khác cũng được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề cập đến là thời gian qua, có những DN (không nêu tên cụ thể) nội bộ mâu thuẫn, thiếu đoàn kết, ảnh hưởng đến sự phát triển của DN

Vũ Hân
.
.
.