Ngành mía đường liêu xiêu vì đường nhập lậu
Trước vấn nạn này, vào tháng 6, Chính phủ đã phải có văn bản yêu cầu Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan “đánh giá kỹ, đúng thực tế” việc quản lý hoạt động tạm nhập tái xuất, thực trạng vi phạm và sự ảnh hưởng của hoạt động này đối với sản xuất trong nước. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu vẫn chưa hề thuyên giảm.
Hiện tại, không ai có thể thống kê chính xác lượng đường nhập lậu vào Việt Nam là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, dựa trên những con số chính thức về sản lượng và lượng tiêu thụ của nước bạn Thái Lan và Campuchia, khoảng 700.000 tấn đường “mất tích” một cách khó hiểu, mà các DN đường trong nước cho rằng phần lớn đã thẩm lậu vào Việt Nam qua biên giới Tây Nam và khu vực miền Trung.
Một số đánh giá cho rằng, đường lậu vào Việt Nam khoảng 400.000 tấn. Để minh chứng cho sự thật này, Hiệp hội Mía đường đã cho phát hình ảnh rất nhiều sà lan chở đường lớn đậu sẵn ở bên kia sông Bình Di (An Giang), biên giới giữa Campuchia và Việt Nam, đợi các lực lượng chức năng sơ hở là chuyển sang các thuyền nhỏ 10 – 20 tấn để sang bờ bên này, thẩm lậu vào nước ta. Thậm chí, các đối tượng buôn lậu còn cho xây dựng các băng chuyền để chuyển đường từ bên này sang bên kia sông. Hiệp hội Mía đường còn chỉ đích danh cửa hàng Tư Hậu ở Cái Răng (Cần Thơ), đêm nào cũng có 5, 6 xe đường lậu chạy về tập kết từ lúc 3, 4h sáng. Do đặc điểm con sông là biên giới chung, thuyền bè đi lại như mắc cửi, việc chống buôn lậu ở khu vực này cực kỳ khó khăn.
Dễ dàng thấy ghe thuyền chở đường lậu hoạt động tấp nập trên sông Bình Di - biên giới Việt Nam và Campuchia. |
Vào mùa gặt, thậm chí thuyền chở lúa cũng giấu đường phía dưới - như ông Nguyễn Đỗ Kim, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, rất khó phát hiện, bắt giữ. Đáng nói hơn, sau khi thẩm lậu vào, số đường này được “hợp thức hóa” một cách rất dễ dàng. Theo lực lượng Hải quan, trước kia đường nhập lậu còn sử dụng bao bì của các DN trong nước để hợp thức hóa, tuy nhiên chiêu này trở nên dễ bị phát hiện nên các đối tượng buôn lậu đã lách bằng cách đóng bao trắng, không ghi nguồn gốc xuất xứ. Sau khi đưa vào trong nước, chỉ cần dập thêm vào góc bao một miếng giấy nhỏ ghi tên một cơ sở sản xuất nào đó là nghiễm nhiên thành đường sản xuất trong nước.
Việc thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, cộng với những kẽ hở của luật pháp cũng như hạn chế về phương tiện và lực lượng đã khiến buôn lậu ngày càng diễn biến phức tạp. Thậm chí, một số DN còn đặt dấu hỏi về việc bảo kê cho đường nhập lậu, hay chính sách cho DN xây dựng các kho, lán dọc bờ sông tiếp giáp với Campuchia, nhất là tại xã khu vực biên giới xã Khánh An và Khánh Bình (huyện An Phú, An Giang) đã tạo điều kiện làm nơi tập kết đường nhập lậu.
Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết: Trên tuyến biên giới cửa khẩu An Giang, rất nhiều DN kinh doanh xuất nhập khẩu có kho chứa hàng, trong đó tại xã Khánh An và Khánh Bình có 5 DN đăng ký kinh doanh mặt hàng đường có kho chứa hàng. Theo ông Lợi, các kho này thường xuyên được kiểm tra. Trong quá trình đó, lực lượng chống buôn lậu xác định có dấu hiệu của hành vi mua bán hàng lậu, nhưng rất khó xác định. “Họ cân đối được từng ký khi bị kiểm tra. Khi xuất trình chứng từ buôn bán, họ chứng minh được nguồn gốc thu mua, đối chiếu hợp lệ, không thể buộc tội họ kinh doanh nhập lậu được”.
Đáng ngại hơn nữa, có biểu hiện chính một số DN mía đường trong nước cũng tiếp tay cho nhập lậu. Mặc dù hiệp hội cũng như các DN mía đường đều thấy rõ tác hại của đường nhập lậu, nhưng một số DN vẫn “tiếp tay” cho đường buôn lậu qua việc bán hóa đơn cho các công ty biên giới lợi dụng quay vòng hóa đơn, quay vòng bao đường để chở đường lậu vào nội địa