Ngành dệt may ứng phó với biến động thị trường Mỹ, EU
Trước những thông tin này, chiều 20/3, Bộ Công Thương đã tổ chức họp với các đơn vị trong ngành để đánh giá tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và EU ảnh hưởng như thế nào sau tuyên bố đóng cửa biên giới.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, chỉ trong hai ngày từ 16 và 18-3, một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ đều có thông báo tiêu cực đối với các DN sản xuất dệt may trong nước. Số lượng đơn hàng bị hủy tương đương với năng lực sản xuất của nhiều đơn vị, tương ứng từ 3-3,5% sản lượng của cả năm 2020.
Doanh nghiệp dệt may nỗ lực tìm kiếm đơn hàng thay thế. |
Các DN có đơn hàng đi Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng sớm hơn. Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ cho biết, từ ngày 16 đến 18-3, tổng số hàng bị hủy của DN là 350.000 sản phẩm. Tổng số đơn hàng yêu cầu lùi thời gian sản xuất 100.000 sản phẩm. Tổng số đơn hàng có nguy cơ bị dừng sản xuất hoặc hủy 150.000 sản phẩm.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cũng cho rằng, việc Mỹ và EU quyết định tạm thời ngừng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu của May 10 vào hai thị trường này. Khách hủy toàn bộ các lô hàng đi bằng đường hàng không tới Mỹ. Các lô hàng đường biển trong tháng 3 lùi sang tháng 4 và 5-2020. Đồng thời khách hàng điều chỉnh giảm số lượng mua hàng các tháng kế tiếp. Khách hàng Hàn Quốc chưa chịu nhận 40.000 sản phẩm sơ-mi đã sản xuất xong và hoãn luôn đơn hàng 39.000 sản phẩm sản xuất trong tháng 4 theo kế hoạch.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex, do dịch COVID-19, có hiện tượng đẩy lùi thời gian giao hàng, đặc biệt là hủy hẳn đơn hàng khiến các nhà quản lý DN dệt may hết sức trăn trở để tìm cách khắc phục. Với tình trạng ngành dệt may chủ yếu làm hàng xuất khẩu thì vẫn phải trông chờ vào việc xử lý dập dịch của thế giới, kết thúc cuộc khủng hoảng toàn cầu. Theo báo cáo đưa ra tại cuộc họp, ngành dệt may chịu tác động khá lớn do tác động của COVID-19 khi 2 tháng chỉ tăng 0,2%, trong khi cùng kỳ tăng 10,6%.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin: “Đầu tuần tới, Cục Xuất nhập khẩu sẽ làm việc với hiệp hội, DN dệt may, da giày, tìm hiểu thực tế những khó khăn của họ. Đối với những DN đã đưa hàng ra cảng rồi nhưng chưa xuất được, phải chịu chi phí về vấn đề lưu công, lưu bãi, chúng tôi đã có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải tháo gỡ khó khăn về chi phí cho các DN này.
Đồng thời, Cục Xuất nhập khẩu cũng sẽ rà soát các thị trường trọng điểm, nhất là các thị trường chưa chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, để mở rộng thị trường mới cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xuất khẩu trở lại sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khi việc kiểm soát dịch bệnh đang dần khả quan hơn”.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ châu Âu - châu Mỹ cho biết, ngay khi có nắm được thông tin một số đối tác ở khu vực EU, Mỹ thông báo dừng nhập hàng dệt may, Vụ đã có cuộc làm việc với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ.
“Châu Âu đóng cửa biên giới, DN lo ngại, chúng tôi đã trao đổi với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, họ nói rằng các hàng hoá, dịch vụ tới EU vẫn tiếp tục lưu thông, nhất là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men… những chính sách này của châu Âu không tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam và EU vì quy định này chỉ áp dụng đến hành trình di chuyển của các cá nhân. Các hoạt động vận chuyển và thông thương hàng hoá thì không bị hạn chế. Đây chỉ là các biện pháp kiểm dịch để đảm bảo sức khoẻ của người châu Âu”, ông Linh nói.
Còn đối với thị trường Mỹ, Phòng Kinh tế Đại sứ quán Hoa Kỳ đã khẳng định họ cũng không áp dụng biện pháp nào để ngăn chặn việc tiếp cận thị trường với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.