Ngành dệt may đối mặt hàng loạt khó khăn

Thứ Năm, 22/07/2021, 08:33
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: "Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu (XK) dệt may đạt 18,79 tỷ USD, tăng 21,27% so cùng kỳ năm 2020 và tăng 4,23% so năm 2019. Điều đó cho thấy, trong bối cảnh dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn tăng trưởng bứt phá trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, 5 tháng đầu năm XK vào EU đạt 1 tỷ 210 triệu USD, tăng 14,38% so cùng kỳ. Nếu không có Hiệp định EVFTA thì con số này chỉ đạt 700 - 800 triệu USD".

Theo ông Vũ Đức Giang, dịch COVID -19 đã làm thay đổi, đảo lộn cả ngành công nghiệp dệt may. Trong năm 2020, ảnh hưởng dịch COVID-19, sức mua giảm, các đối tác nước ngoài yêu cầu giảm giá 20-30%. Trong khi đó, DN Việt Nam muốn duy trì công ăn việc làm cho người lao động (NLĐ), hơn nữa các DN cũng đã đầu tư thiết bị công nghệ nên vẫn tổ chức sản xuất, vẫn chấp nhận đơn hàng với giá thấp, thậm chí đơn hàng nhận được đến cuối năm 2020. Bước sang đầu 2021 ngành may mặc đã hồi phục, sức mua toàn cầu tăng, đơn hàng nhiều với giá tốt hơn, nhưng DN may mặc đã phải chịu áp lực lớn, đó là giá cũ đã ký - giá thấp, cho năm 2021.

Không chỉ vậy, để có được đơn hàng DN dệt may cũng phải chịu rất nhiều áp lực lớn. Cụ thể, các nhãn hàng đã đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá DN rất khắt khe, nếu DN nào không đáp ứng được thì họ rút đơn hàng. Về việc thanh toán, các nhãn hàng thanh toán bằng phương thức trả chậm 1-3 tháng, thậm chí có những khách hàng yêu cầu thanh toán trả chậm 6 tháng. Điều này nằm ngoài dự tính của DN sản xuất trong nước bởi khả năng rủi ro lớn, nhưng nếu DN không chấp nhận thì họ không đặt hàng nữa. Bên cạnh đó, một số mặt hàng chủ lực có thế mạnh của Việt Nam nhưng ảnh hưởng bởi dịch COVID -19 từ năm 2020, đến nay vẫn chưa khôi phục được, đó là veston cao cấp và sơ mi. Tỷ lệ đặt hàng veston quay trở lại thị trường Việt Nam chỉ đạt khoảng 27%, 73% chưa quay trở lại trong khi giá trị đầu tư công nghệ cho sản xuất veston rất lớn.

Đến cuối tháng 6/2021, các nhà máy sản xuất veston chủ lực của Việt Nam đã chuyển đổi để sản xuất các sản phẩm khác, kể cả sản xuất khẩu trang vải. Tương tự, mặt hàng sơ mi đến tháng 6/2021 cũng chỉ đạt 47%. Với tác động của Hiệp định EVFTA, trong những tháng đầu năm 2021, thị trường EU cũng đã khởi sắc hơn. Theo đó, nhiều đơn hàng, nhãn hàng từ EU quay lại thị trường Việt Nam rất mạnh như: đồ nữ cao cấp, quần áo trẻ em, đồ thể thao, sản phẩm Jean, sản phẩm lông vũ…

Nhận định chung của các DN dệt may, đó là trong 6 tháng đầu năm 2021 nhu cầu nhập khẩu dệt may tại các thị trường lớn trên thế giới phục hồi tốt, do việc tiêm vaccine rộng rãi tại Mỹ và EU cùng các gói kích thích kinh tế của Chính phủ các nước này đã phát huy hiệu quả, nhu cầu tiêu dùng kìm nén suốt năm 2020 quay trở lại tương đối nhanh và mạnh tại các thị trường này. Ngoài yếu tố cầu phục hồi, còn một số yếu tố khác tác động tạo xu hướng dịch chuyển đơn hàng về Việt Nam, như việc Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh đến hết tháng 4/2021, trong khi đó tại các quốc gia XK dệt may lớn dịch bệnh đang vẫn hoành hành. Đó chính là lý do các DN trong ngành dệt may đã ký được nhiều đơn hàng.

Một đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: "Các DN thuộc Tập đoàn đã có đủ đơn hàng đến hết tháng 9 và một phần đến tháng 12. Nhưng đáng lo ngại là trong 6 tháng cuối năm, thị trường dệt may đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và nhiều yếu tố bất định". Đại diện VITAS cũng cho rằng, hầu hết các DN trong ngành đã nhận được đơn hàng đến quý III và hết năm. Về cơ bản, từ nay đến cuối năm, DN sẽ không phải lo thiếu hụt đơn hàng, nhưng nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD. Một DN chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, DN đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, NLĐ mất việc. Vì vậy, tiêm vaccine phòng COVID-19 là giải pháp để giữ NLĐ.

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh khoảng tháng 6-2021, đã khiến các DN dệt may rơi vào tình thế lao đao vì đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động, trong khi nguồn vaccine chưa đáp ứng kịp thời. Tiếp đó, tháng 7/2021, các DN dệt may tiếp tục thực hiện tiêu chuẩn "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm" theo yêu cầu cấp bách trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp ở các tỉnh phía Nam cũng khiến DN gặp không ít khó khăn.

Nói về việc đáp ứng tiêu chuẩn "3 tại chỗ", ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết: "Do lượng công nhân quá lớn, không thể đảm bảo điều kiện an toàn cũng như chi phí hỗ trợ, nên hầu hết các DN dệt may trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phải ngưng hoạt động. Hiện trung bình mỗi DN dệt may có từ một ngàn đến vài chục ngàn công nhân. Nếu phải bố trí chỗ ăn ở cho số lượng công nhân quá lớn như thế thì rất khó. Hơn nữa, biên độ lợi nhuận của DN dệt may rất mỏng. Nếu phải thêm những chi phí như ăn ở, xét nghiệm thì không thể đáp ứng được". 

Có thể thấy, mặc dù trong những tháng đầu năm, XK dệt may tăng trưởng khá ấn tượng vượt cả con số cùng kỳ của năm 2019 (khi chưa có dịch COVID-19). Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, dù đã có nhiều đơn hàng nhưng các DN dệt may đang đứng trước thách thức vô cùng lớn khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở phía Nam, nơi có trung tâm sản xuất lớn.

Thúy Hà
.
.
.