Ngành chè trước thách thức hội nhập

Thứ Năm, 22/02/2007, 13:37

Bước vào năm 2007, năm đầu tiên chính thức hội nhập, mức thuế nhập khẩu chè có thể lên đến 150% theo quy định của WTO (mức trước đây là 100%), cộng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cây chè dần phải cắt giảm.

Cũng giống như cà phê, từ việc chỉ xuất khẩu mang tính chất nhỏ lẻ, ngành chè cả nước đã vươn lên đứng hàng thứ 6 trên thế giới trong các nước xuất khẩu. Cả nước hiện có gần 650 doanh nghiệp hoạt động trong ngành chè, trong đó số doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu chiếm 40%, cùng với hàng chục ngàn hộ gia đình chế biến kiểu thủ công.

Từ tiềm năng sản xuất, chế biến và xuất khẩu...

Cây chè (có mặt tại 34 tỉnh, diện tích 125 ngàn ha) đã thực sự trở thành cây hàng hóa chủ lực, cây xóa đói, giảm nghèo và được trồng tập trung thành vùng nguyên liệu lên đến hàng chục ngàn hécta tại một số địa phương như Lâm Đồng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái. Tổng sản lượng sản xuất, chế biến năm vừa qua đạt khoảng 630 ngàn tấn chè tươi, 130 ngàn tấn chè đen.

Nếu như năm 2005 ngành chè cả nước xuất khẩu được gần 88 ngàn tấn với tổng giá trị đạt 97 triệu USD thì sang năm 2006 ước đạt trên 100 triệu USD, tăng hơn 10%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của chè Việt Nam là Pakistan, Nga, Iraq, Trung Quốc, CHLB Đức… với hơn 90 doanh nghiệp đã xuất khẩu được trên 100 tấn/năm.

Đạt được bước phát triển nhanh như vậy, ngoài sự tự lực của mỗi doanh nghiệp trong ngành, có sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương đối với quy hoạch phát triển cây chè, ngành chè. Đặc biệt là từ Hiệp hội Chè Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu và cấp chứng nhận "che viet" về chất lượng.

Đến những khó khăn, hạn chế...

Giải pháp về nguồn vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp trong ngành chè luôn là bài toán nan giải bởi đặc thù của "vòng quay đồng vốn đầu tư trồng chè" nhanh nhất cũng mất 4 năm sau mới cho thu hồi. Trong khi diện tích cây chè trồng bằng các giống cũ cho năng suất thấp cần thay thế trong ngành là không hề nhỏ (chiếm 1/3 tổng diện tích) chưa kể đến nguồn vốn phục vụ phát triển mở rộng diện tích vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, diện tích trồng các giống chè đặc sản cho giá trị cao như Ô long, Shan tuyết, Chè hữu cơ… của toàn ngành chưa nhiều.

Mặc dù sản phẩm chè các loại của Việt Nam đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 60 quốc gia thành viên của WTO, nhưng nhìn vào "bản đồ xuất khẩu" qua tên doanh nghiệp và "nơi chè đến" thì còn nhiều điều cần tính toán. Bởi trong số ít những thị trường nhập khẩu chè lớn của chúng ta đã kéo rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chè cùng tập trung vào, nơi nhiều nhất là Đài Loan với hơn 70 doanh nghiệp, nơi ít nhất là Liên bang Nga cũng có gần 30 doanh nghiệp.

Thị trường tiêu thụ nội địa cũng là vấn đề đáng quan tâm khi mà cả năm vừa qua lượng sản phẩm tiêu thụ trên cả nước có hơn 30 ngàn tấn, chè đen chỉ khoảng 3 ngàn tấn, trong khi uống trà đã trở thành nét văn hóa ẩm thực truyền thống với rất nhiều lễ hội về chè đã được tổ chức.

Tìm hướng đi bền vững

Cái khó về vốn cho trồng, chế biến chè sẽ được giải quyết tốt nhất bằng cách phát huy nội lực dưới nhiều hình thức như phát hành cổ phiếu, trái phiếu, liên kết, liên doanh, thu hút đầu tư, kêu gọi cổ đông… để huy động vốn. Về thị trường xuất khẩu, ngoài sự hỗ trợ từ phía Hiệp hội thì các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc khai phá thị trường mới. Đối với các doanh nghiệp cùng có chung một thị trường xuất khẩu cần có sự liên kết và hợp tác chặt chẽ, nhất là yếu tố về giá.

Đảm bảo chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, nhất là những loại chè có giá trị kinh tế cao, cũng là việc làm quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp trong toàn ngành trước áp lực cạnh tranh của các cường quốc xuất khẩu chè. Cùng với những giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước, Hiệp hội ở tầm vĩ mô như xây dựng và đưa vào hoạt động các trung tâm giao dịch và sàn đấu giá chè; quy hoạch hợp lý giữa nhà máy và vùng nguyên liệu; tăng cường công tác quảng bá xây dựng thương hiệu cũng như chế tài quản lý chất lượng chè xuất khẩu của doanh nghiệp… ngành chè Việt Nam mới duy trì được nền nông nghiệp - công nghiệp chế biến bền vững và đủ sức cạnh tranh trong những năm tiếp theo

Đ.Thắng
.
.
.