Ngân sách sẽ mất gần 85.000 tỷ đồng nếu giá dầu xuống mức 20 USD/thùng

Thứ Bảy, 05/03/2016, 08:50
Giảm miệt mài và liên tục lập đáy mới, giá dầu đang hướng cái nhìn bi quan của dư luận về các mốc dưới 20 USD/thùng. Nếu thực sự giá dầu xuống mốc 20 USD, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, thu ngân sách Việt Nam có thể sụt giảm tới gần 85.000 tỷ đồng.

Đây là quan ngại được VEPR thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra trong bối cảnh giá dầu thấp do dư thừa nguồn cung. Phân tích về mức dự trữ khả dụng của thế giới và viễn cảnh giá dầu năm 2016, VEPR dẫn số liệu sau 8 quý liên tiếp dư cung, dự trữ nhiên liệu lỏng của thế giới đã tăng thêm 1,03 tỷ thùng.

Riêng OECD đã tăng 19% lượng dự trữ vòng 2 năm gần đây, tương đương với 488 triệu thùng, lên mức 3,06 tỷ thùng (65 ngày tiêu thụ). Đây cũng là lượng dự trữ lớn nhất của OECD trong 5 năm trở lại đây. Đáng kể hơn, lượng dự trữ dầu của Hoa Kỳ cũng ở mức cao chưa từng thấy trong vòng 80 năm trở lại.

Cần thắt chặt chi tiêu NS trong bối cảnh giá dầu giảm. (Ảnh minh họa)

Sự gia tăng liên tục dự trữ nhiên liệu lỏng toàn cầu trong thời gian qua sẽ tạo áp lực lớn lên giá dầu. Trước những dự báo về áp lực trên thị trường dầu mỏ, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính giá dầu Brent và WTI trung bình năm 2016 sẽ xuống mức khoảng 40 USD/thùng. 

Trong trường hợp khả năng giảm tốc sản xuất dầu mỏ của Hoa Kỳ thấp hơn dự báo, dự trữ nhiên liệu lỏng tăng mạnh hơn dự kiến, giá dầu sẽ cần một cú giảm sâu như năm 1998 để lấy lại cân bằng trong dài hạn, có thể xuống mức trung bình 20 USD/thùng vào năm 2016.

Nếu thực sự điều này xảy ra, là một nước xuất khẩu dầu thô, Việt Nam sẽ chịu nhiều thiệt hại. Tuy ngân sách nhà nước (NSNN) từ dầu thô có xu hướng thu hẹp trong cơ cấu thu NS của Việt Nam nhưng đây vẫn đóng vai trò là một nguồn thu quan trọng.

Theo tính toán, trung bình nếu giá dầu thô giảm xuống 1 USD, thu NS từ dầu sẽ giảm tương ứng gần 1.400 tỷ đồng. Tương tự, NS cũng bị ảnh hưởng từ giá xăng nhập khẩu đi xuống. Ước lượng cho thấy, NS sẽ giảm xấp xỉ 760 tỷ đồng tương ứng với mỗi USD giảm xuống của giá dầu thô. Như vậy, nếu giá dầu giảm 1 USD, thu NS từ các nguồn sẽ sụt giảm trung bình khoảng 2.100 tỷ đồng.

Đánh giá tác động của việc giá dầu duy trì ở ngưỡng thấp tới thu NS, VEPR tính toán: “Giá dầu có thể tác động đến ngân sách qua 3 kênh truyền dẫn chính. Thứ nhất là thu từ xuất khẩu dầu thô bao gồm: thuế xuất khẩu; thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Thứ 2 là thu từ nhập khẩu xăng dầu và thứ 3 là thu từ thuế giá trị gia tăng. Về tổng thể, tác động của việc giá dầu thô thế giới lao dốc ảnh hưởng tương đối nặng nề tới nguồn thu NS. So với mức giá dự toán 60 USD/thùng cho năm 2016, nếu giá dầu thô ở mức trung bình 40 USD/thùng như kịch bản dự báo của IEA, NS sẽ bị suy giảm hơn 40.000 tỷ đồng. Mức suy giảm tăng lên gần 60.000 tỷ đồng nếu giá dầu tiếp tục đứng quanh mức hiện tại 32 USD/thùng trong năm 2016. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu xuống mức 20 USD/thùng, NS có thể sụt giảm tới gần 85.000 tỷ đồng”.

Với tình hình hiện tại, VEPR nghiêng về khả năng không có những đột biến theo hướng tích cực xảy ra trên thị trường dầu mỏ, và giá dầu sẽ vẫn ở dưới ngưỡng 40 USD trong năm 2016, nguồn thu NS sẽ bị tác động tương đối nặng nề. Điều này cảnh báo nguy cơ lặp lại những khó khăn của Chính phủ trong việc tạo lập cân bằng tài khóa như đã xảy ra trong năm 2015.

“Chúng tôi khuyến nghị công tác lập dự toán NS cần được thực hiện dựa trên những kịch bản phù hợp, có độ an toàn cao, tránh gây rủi ro cho kỷ luật tài khóa. Xu hướng diễn biến bất lợi của thị trường dầu thô trong năm 2016 đang tạo ra những áp lực lớn lên mục tiêu giữ mức thâm hụt NS dưới mức 5% GDP. Điều này đòi hỏi những biện pháp, quyết tâm chính trị mạnh mẽ cắt giảm chi NS, đặc biệt là chi thường xuyên vốn được mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây”, VEPR khuyến nghị.

Lệ Thúy
.
.
.