Ngân hàng "khởi động" lại cho vay tiêu dùng
Nếu như trong năm 2010, lãi suất cho vay tiêu dùng như mua nhà, mua ôtô đều được các NHTMCP niêm yết ở mức không dưới 22%. Đối tượng vay bị thu hẹp, điều kiện vay cũng rất "ngặt nghèo" bởi theo chủ trương của NHNN, đây là lĩnh vực tạm thời phải "siết lại", để dành tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên khác thì đến đầu năm 2012, do khả năng thanh khoản được cải thiện nên xu hướng vay tiêu dùng được các NHTMCP "khởi động" lại.
Trong tháng 2/2012, Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đã có ngay chương trình cho vay mua nhà dự án với lãi suất xuống tới 19%/năm. OceanBank cho vay tối đa 80% giá trị căn nhà trong thời hạn lên tới 120 tháng. Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank) cũng đang triển khai chương trình "Dễ dàng vay vốn - Sở hữu căn nhà mơ ước", hỗ trợ cho các khách hàng cá nhân có nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công vay vốn để sửa chữa, mua nhà/đất để ở.
Khách hàng có thể vay tối đa 90% tổng nhu cầu vốn và không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo. Đồng thời, ABBank còn cho vay mua ôtô với chương trình "Vi vu cùng chiếc xe như ý" với thời gian vay tối đa là 60 tháng, tối đa là 75% giá trị xe mua.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng có chương trình cho vay mua nhà trả góp lên đến mười năm. NH Á Châu (ACB) cũng cho vay trả góp để mua nhà, nền nhà lên đến 10-15 năm. Cho vay để xây dựng, sửa chữa nhà là bảy năm, gốc và lãi trả dần theo hằng tháng, mức cho vay tùy vào khả năng trả nợ của khách hàng.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, mặc dù chủ trương của không ít nhà băng trong năm 2012 là tập trung đẩy mạnh các sản phẩm cho vay, đặc biệt là hình thức cho vay tiêu dùng với những điều kiện ưu đãi hơn trước, hạn mức vay cũng không ngừng tăng cao. Tuy nhiên, sự dè dặt, chưa dám chi tiêu "mạnh tay" của các "thượng đế" đã khiến cho kế hoạch của nhà băng chưa đạt được như kỳ vọng.
Lý giải vấn đề này, chị Phan Thảo, nhân viên tín dụng của OceanBank cho biết: Mức lãi suất mà NH áp dụng cho vay mua nhà trong tháng 2/2012 là 19%, thấp hơn rất nhiều so với năm 2011. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số khách hàng vay tiêu dùng không nhiều.
Theo chị Thảo, cho vay tiêu dùng là sản phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, nhà băng phải áp dụng những điều kiện ràng buộc và cân nhắc mức lãi suất sao cho có thể bù đắp chi phí, hạn chế một phần rủi ro. Đây cũng chính là lý do vì sao một bộ phận khách hàng dù có nhu cầu vay thực sự nhưng lại không đáp ứng được với những điều kiện mà NH đưa ra.
Trong khi đó, một bộ phận khách hàng khác, dù đủ điều kiện vay nhưng họ lại cân nhắc theo hướng chờ lãi suất dự kiến sẽ giảm trong những tháng tới. Thậm chí, một số khách hàng có nhu cầu mua ôtô còn ngập ngừng vay vì phải chờ đợi chính sách từ các nhà quản lý. Bởi theo họ, nếu sắp tới, các loại phí mới như phí lưu hành nội đô, phí bảo trì đường bộ với mức dự kiến từ 20-50 triệu đồng/xe/năm được thông qua thì kế hoạch mua xe của họ cũng phải cân nhắc lại