Ngăn chặn giá cả rục rịch tăng theo giá xăng

Thứ Sáu, 15/05/2015, 10:07
Đợt tăng giá bán lẻ ngày 5/5 vừa qua chỉ có giá xăng tăng ở mức 14%, giá dầu diezen và dầu hỏa được giữ nguyên hoặc giảm. Như vậy chỉ hoạt động vận tải sử dụng xăng mới bị ảnh hưởng.
>> Không để hàng hóa đội giá theo điện, xăng

Tại bến xe Miền Đông, ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc bến khẳng định đợt tăng giá này không ảnh hưởng đến vận tải hành khách đường dài do xe khách chủ yếu chạy dầu nên đến nay chưa có DN vận tải, nhà xe nào tăng giá cước.

Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa đường bộ, ông Thái Văn Chung, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM cũng khẳng định rằng, chỉ khi giá dầu tăng 5% trở lên, giá cước vận chuyển mới được các DN tính toán điều chỉnh. Do đó khi giá dầu chưa tăng chắc chắn cũng sẽ không có chuyện tăng giá cước. Điều kiện ràng buộc trên của các DN vận tải và chủ hàng lớn đã góp phần điều tiết, giữ ổn định cước vận tải trên thị trường, buộc các DN nhỏ phải theo.

Nhưng trong khi các DN hoạt động vận tải taxi tại TP HCM – đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp còn đang cân nhắc mức điều chỉnh giá cước tăng quanh mức 500 đồng/km, thì một loạt các loại hàng hóa dịch vụ khác ít chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng đã rậm rịch đòi tăng giá. Từ đầu tháng 5 đến nay, giá bán lẻ sắt, thép, xi măng và một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu tại TP HCM cũng như giá bán một số loại phân bón… đã được các đại lý bán lẻ tăng giá bán thêm một vài ngàn đồng/bao hoặc kg với lý do cước vận chuyển hoặc giá bán từ nhà máy tăng lên.

Với khối lượng cung ứng lớn, các mặt hàng bình ổn giá tại TP HCM sẽ kiềm chế giá cả tăng.

Theo ông Ngọc Huy, chủ một DN xây dựng ở quận Thủ Đức, chỉ cách nhau mấy ngày, nhưng các đợt xi măng, sắt thép DN nhập kho đầu tháng 5 giá đã thay đổi so với cuối tháng 4. Đại diện một DN xây dựng lớn tại TP Hồ Chí Minh cũng thông tin giá cung ứng một số loại vật tư xây dựng cho các tòa nhà cao tầng cũng được nhà cung cấp thông báo tăng nhẹ kể từ tháng 5. Trong khi đó, đại diện các Hiệp hội thép, phân bón, xi măng… đều cho rằng cước vận tải chỉ chiếm một phần nhỏ trong chi phí giá thành. Giá xăng tăng vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến chi phí sản xuất các mặt hàng này do chủ yếu sử dụng dầu hoặc điện để sản xuất và sử dụng hình thức vận chuyển chạy dầu khối lượng lớn.

Để ngăn chặn tình trạng giá cả rục rịch ăn theo giá nhiên liệu, ngày 7/5 vừa qua Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành tăng cường quản lý bình ổn giá trên địa bàn; không để việc tăng giá xăng, điện ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung... 

Các địa phương cũng cần giám sát, rà soát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá. Nhất là đối với các mặt hàng chịu tác động trực tiếp của giá điện, giá xăng và giá các yếu tố đầu vào khác. Kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố nhiên liệu đầu vào.

Tại TP HCM, sau nhiều nỗ lực vận động xã hội hóa việc bình ổn thị trường, năm nay thành phố huy động được 86 DN cung ứng và ngân hàng tham gia bán hàng bình ổn giá. Tổng số vốn tín dụng dành cho các DN thực hiện bình ổn đạt khoảng 10.850 tỷ đồng, tăng 2.550 tỷ đồng so với năm trước. Từ số tiền này, TP HCM đã có kế hoạch thực hiện 4 chương trình bình ổn thị trường với các mặt hàng dược phẩm thiết yếu, các mặt hàng sữa, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học mới; thời gian thực hiện kể từ ngày 1/4, kéo dài đến hết tháng 3/2016. 

Những mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá bán trên sẽ được đưa ra thị trường với số lượng lớn, chiếm ít nhất là 30%, nhiều nhất lên tới 55% nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố. Do đó, cùng với việc thực hiện bình ổn trên diện rộng, TP HCM cần kiểm soát chặt chẽ tình trạng đẩy giá cả hàng hóa theo giá xăng, điện để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. 

Đ.Thắng
.
.
.