Ngăn chặn đường dây buôn lậu dầu DO trên biển Tây Nam
* Trong số 7 đối tượng đã bị khởi tố vì hành vi buôn lậu, có Giám đốc Phòng giao dịch Chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần.
Trao đổi với PV Báo CAND chiều 29/4, Thượng tá Nguyễn Văn Luyện - Phó phòng CSĐT tội phạm kinh tế (PC46) Công an Kiên Giang cho biết, để chặt đứt đường dây buôn lậu mang tính chất chuyên nghiệp trên biển Tây Nam này, Giám đốc Công an Kiên Giang đã xác lập chuyên án do Thượng tá Đỗ Minh Dũng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT làm trưởng ban, đơn vị PC46 giữ vai trò chủ công.
Trước đó, qua nguồn tin xác minh, Công an Kiên Giang đã phát hiện từng tồn tại một đường dây có nhiều đối tượng câu kết nhau buôn lậu dầu DO trên biển. Bằng phương thức, thủ đoạn hoạt động khá tinh vi, các đối tượng đã mua bán, vận chuyển lượng dầu lớn, trị giá hàng trăm tỷ đồng qua biên giới (trên biển).
"Mẻ lưới" đầu tiên được Ban chuyên án chỉ đạo "cất" vào ngày 11/3. Ngày hôm đó, các trinh sát đã bất thình lình xuất hiện và bắt khẩn cấp Hoàng Vĩnh Giang (42 tuổi, ngụ phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) khi anh ta đang ở tại một cao ốc thuộc địa bàn phường 12, quận 3, TP Hồ Chí Minh).
Sau "mẻ lưới" này, cơ quan điều tra củng cố hồ sơ, khởi tố các đối tượng, gồm: Võ Hoàng Dũng, tự Dũng “Huế" (41 tuổi), Lữ Văn Cà (49 tuổi), Võ Thanh Phụng (39 tuổi), cùng ngụ TP Rạch Giá, Nguyễn Tuấn Kiệt (25 tuổi, ngụ TP Cà Mau), Tuấn Kiệt (49 tuổi, ngụ thị xã Hà Tiên) và Đoàn Phú Thỉnh (41 tuổi, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Kiên Long, Chi nhánh Kiên Giang).
Theo xác định của Cơ quan CSĐT, Dũng “Huế” được xem là đối tượng cầm đầu trong đường dây buôn lậu chuyên nghiệp này. Sau tống đạt quyết định khởi tố, Cơ quan điều tra đã khám xét khu biệt thự của Dũng “Huế” tại số 2, đường Ba Tháng Hai, TP Rạch Giá, thu giữ được 6,3 tỷ đồng tiền mặt, sổ tiết kiệm có giá trị hai tỷ đồng, cùng nhiều tài liệu quan trọng khác có liên quan đến hành vi buôn lậu của Dũng “Huế” và đồng bọn.
Theo lời khai của Giang, tháng 3/2010, Giang có một người chị bà con tên Ánh, đang định cư tại Thái Lan. Thông qua giới thiệu của Giang, bà Ánh đã đến TP Rạch Giá gặp Dũng “Huế” bàn tính chuyện hợp tác làm ăn lâu dài. Qua những lần trò chuyện, bà Ánh biết Dũng “Huế” là đầu mối chuyên thu mua mặt hàng thủy sản, có mối quan hệ rộng với chủ phương tiện đánh bắt thủy sản trên biển Tây nên đặt vấn đề bà sẽ lấy dầu DO Thái Lan chuyển bán cho Dũng để đem về Việt Nam bán lại hưởng mức chênh lệch từ 1.000 - 2.000 đồng/lít.
Một trong những căn nhà của Dũng “Huế”. |
Phi vụ "làm ăn" giữa bà Ánh và Dũng “Huế” được xác lập và triển khai những chuyến hàng đầu tiên trên vùng biển. Theo đó, mỗi chuyến ngư dân chuẩn bị ra khơi, Dũng dặn các chủ tàu khi cần dầu gọi điện cho y để thông báo giá, địa điểm, số lượng. Tiếp sau đó, Dũng “Huế” gọi điện cho bà Ánh thông báo tọa độ, số hiệu của tàu cá Việt Nam đang cần dầu để bà Ánh cho phương tiện tiếp cận cung cấp dầu. Sau mỗi chuyến đánh cá trở về, các chủ tàu sẽ thanh toán tiền dầu cho Dũng “Huế” để Dũng “Huế” chuyển khoản cho Giang, Giang chuyển cho "bà chị" Ánh.
Để chuyện "làm ăn" với "đối tác" được đảm bảo bí mật, hiệu quả, nhất là khi chuyển số tiền khá lớn, Dũng “Huế” đã nhờ Đoàn Phú Thỉnh - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Kiên Long Chi nhánh Kiên Giang móc nối với một số đối tượng chuyển tiền sang Thái Lan bằng đường biên giới Hà Tiên. Theo lời khai của các đối tượng, Dũng đã tính giá dầu bán lại cho ngư dân từ 10.500 -14.500 đồng/lít. Cơ quan điều tra đến nay cũng đã làm rõ, chỉ một năm hoạt động, Dũng “Huế” đã vận chuyển cho bà Ánh với số tiền dầu lên trên 300 tỷ đồng.
Để mở rộng khách hàng tiêu thụ dầu DO từ Thái Lan, Dũng “Huế” móc nối bán lại cho các "đại lý cấp 1" là Võ Thanh Phụng, Lữ Văn Cà và Tuấn Kiệt. Đây là những đối tượng có mối quan hệ gần gũi với chủ phương tiện đánh bắt và ngư dân. Nếu như Tuấn Kiệt lo "chăm sóc khách hàng" ở địa bàn cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) thì Phụng lo địa bàn thị xã Hà Tiên, còn Cà lo địa bàn TP Rạch Giá.
Sự nhiệt tình của bộ ba "đại lý cấp 1" Phụng, Cà và Tuấn Kiệt, cùng với nhu cầu nhiên liệu để phục vụ đánh bắt của các phương tiện đã góp phần làm giàu cho Dũng “Huế”.
Dũng “Huế” và đồng bọn đã nhắm vào nhu cầu của các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân để buôn lậu dầu DO. |
Theo lời khai của đối tượng Cà và Phụng, cho tới ngày bị bắt, hai đối tượng này đã nhận bán cho Dũng “Huế” trên 9,2 triệu lít dầu DO, trả cho Dũng trên 115 tỷ đồng, thu lợi bất chính mỗi đối tượng khoảng 500 triệu đồng; Kiệt cũng được lợi nhờ hành vi bán dầu lậu cho Dũng giá trị trên 26 tỷ đồng, hưởng lợi trên 200 triệu đồng.
Riêng khoản lợi nhuận bất chính mà Dũng “Huế” có được từ hành vi buôn lậu, cơ quan điều tra đang khẩn trương làm rõ. Con số sẽ không nhỏ bởi số tiền mà Dũng “Huế” đã chuyển cho Giang trên 173 tỷ đồng và Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Kiên Long - Chi nhánh Kiên Giang Đoàn Phú Thỉnh chuyển nhận 174 tỷ đồng.
Nội dung vụ án đang được điều tra, làm rõ