Mùa nước nổi… mùa khai thác thủy sản

Thứ Sáu, 05/10/2012, 23:54

Lũ về, cá tôm đầy đồng, bà con sống ven kênh Vĩnh Tế (thị xã Châu Đốc, An Giang) và những người dân từ các nơi khác xuôi ghe, xuồng đến đây để khai thác thủy sản mưu sinh….

Qua tỉnh lộ 955A (cặp bờ kênh Vĩnh Tế), chúng tôi thấy hàng chục chiếc ghe neo đậu san sát nhau dưới hàng cây bạch đàn. Thường ngày, vào sáng sớm họ dong ghe lên cánh đồng thu hoạch cá rồi ra chợ bán, sau đó trở về bến cũ nghỉ ngơi cơm nước.

Bán xong mớ cá ngoài chợ Châu Đốc, anh Trần Văn Nam (quê ở thị xã Tân Châu, An Giang) kể: “Cha sanh mẹ đẻ ở xã Vĩnh Xương (Tân Châu), năm nào cũng vậy, hễ lũ tràn đồng là tôi cùng gia đình xuôi ghe theo kênh Vĩnh Tế, bắt đầu cuộc mưu sinh dài ngày trên đồng lũ.  Năm nay lũ nhỏ, cá mú cũng ít hơn năm ngoái nên có bữa thu hoạch bán chỉ đủ đong gạo ăn. Còn hôm nào trời mưa to, gió lớn thì coi như thất thu”.

Người dân khai thác thủy sản trên cánh đồng Vĩnh Tế (thị xã Châu Đốc, An Giang).

Lấy ghe làm nhà, lấy nước lũ làm kế mưu sinh, đó là những hình ảnh thường thấy ở các huyện đầu nguồn tỉnh An Giang vào mùa nước nổi. Thông thường khai thác cá, tôm trên đồng, ông Nam cùng những hộ trong xóm đem đồ nghề, bếp núc và cả gia đình theo. Chiếc ghe như căn nhà di động, không gian nhỏ hẹp chật chội ấy vừa sinh hoạt gia đình, vừa là tổ ấm khi màn đêm xuống. Ông Nam cho biết, do các con còn nhỏ, không dám gửi lại cho ông bà nội trông, nên đành phải đem theo. Chừng nào, tụi nhỏ đủ tuổi đi học thì gửi lại nhà.

Mưu sinh mùa lũ nay đây mai đó, nghe anh em nói chỗ nào có cá nhiều thì dời ghe đến đánh bắt. Hằng năm, mùa đánh bắt thủy sản bắt đầu vào tháng 8 kéo dài cho đến gần Tết Nguyên đán mới lui ghe về nhà chung vui bên gia đình. Mùa khô thì đi cắt lúa mướn hoặc bốc vác thuê. “Mấy hôm nay, đặt chà rào ven kênh Vĩnh Tế, mỗi ngày thu hoạch được khoảng 10 cân cá vụn, bán được trên 200.000 đồng. Nói chung là cũng đủ chi tiêu” - ông Nam cho biết. 

Chỉ tay về cánh đồng, ông Đặng Văn Le (ngụ xã Vĩnh Tế) cho biết, vào thời điểm này cá linh trên đồng to bằng ngón tay. Hiện thương lái chạy ghe vào tận nơi thu mua cá linh với giá 15.000đ/kg. Mấy năm nay, nhờ cánh đồng giáp biên giới Campuchia mà bà con có nơi để thu hoạch thủy sản.

“Vào đầu mùa lũ, bà con ở các huyện, thị đầu nguồn, như: Tân Châu, An Phú, có hộ ở tận Đồng Tháp còn chạy xuồng sang cánh đồng Vĩnh Tế khai thác thủy sản. Khoảng tháng nữa, họ rời cánh đồng Vĩnh Tế xuôi ghe về Lương An Trà (huyện Tri Tôn) để đặt lọp, lờ. Họ đi từng nhóm nên nếu có gặp bất trắc trên đồng thì hỗ trợ lẫn nhau. Không phân biệt người ở xa hay dân địa phương, chúng tôi đều đối xử tình nghĩa như anh em xóm giềng, không hề giành luồng khai thác trên đồng. Ai đến trước thì đặt trước…” - ông Le tâm sự.

Nhà không có ruộng, mùa nước nổi vợ chồng ông Quang (ngụ xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú) cũng chạy ghe sang ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế để đặt lọp cua đồng. Ông Quang nói: “Mùa lũ là mùa làm ăn, phải tranh thủ mấy tháng nước về để đặt lọp cua kiếm tiền ăn Tết cho đề huề. Năm nay, tôi đầu tư 200 cái lọp cua đặt men theo kênh Vĩnh Tế và giáp cánh đồng biên giới. Mỗi ngày thu được khoảng 50-60kg cua, bán xô với giá 5.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lời trên 100.000 đ/ngày. Cua đồng được thương lái thu mua mạnh, nhất là càng cua có giá trên 100.000 đ/kg”.

Nhờ có mùa nước nổi, những người dân nghèo và ngư dân khai thác thủy sản ở các nơi có thu nhập, tích lũy cho những tháng nhàn rỗi

V.Đức - T.C.
.
.
.