Mua bò giống lở mồm long móng, tỉnh Bắc Kạn rước dịch về nhà

Thứ Sáu, 05/05/2006, 08:21

Ngày 2/3, 18 con bò được đưa về Bắc Kạn và giao cho 7/8 huyện, thị trong dự án "Mở rộng mô hình chăn nuôi bán thâm canh bò thịt tại tỉnh Bắc Kạn" của tỉnh. Sau đó, ngành Thú y đã lấy mẫu 18 con để tiến hành xét nghiệm và xác định có 17/18 con bị mắc bệnh lở mồm, long móng.

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (TTƯDKH&CN) thuộc Sở Công nghiệp Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn được UBND tỉnh Bắc Kạn giao thực hiện dự án "Mở rộng mô hình chăn nuôi bán thâm canh bò thịt tại tỉnh Bắc Kạn" với kinh phí gần 3 tỷ đồng nhằm giúp cho nông dân xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn 8 huyện của tỉnh. Đây là chủ trương đúng đắn và hợp lòng dân, được hầu hết nông dân trong tỉnh đồng lòng ủng hộ.

Ngày 28/2, TTƯDKH&CN đã ký 2 hợp đồng số 01 và 02 với Công ty TNHH Bò giống miền Bắc có trụ sở tại thôn Đoài, xã Tầm Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội (Công ty Bò giống) do Lê Công Loan là Giám đốc. Theo 2 hợp đồng này thì Công ty Bò giống sẽ cung cấp cho TTƯDKH&CN 18 con bò đực giống lai sind, mỗi con nặng 330kg, chất lượng phẩm giống tốt (có lý lịch rõ ràng), đảm bảo khỏe mạnh (có giấy kiểm tra thú y), đủ điều kiện làm bò đực giống với giá 45 nghìn đồng/kg.

Điều gây bất ngờ với người dân ở thôn Đoài khi vợ chồng ông Loan chỉ là nông dân, nhưng đột nhiên lại đứng lên thành lập công ty, chồng làm Giám đốc, vợ là Phó Giám đốc và thuê một nhân viên làm việc vặt. Bất ngờ hơn nữa là Công ty Bò giống thành lập trước khi ký hợp đồng với TTƯDKH&CN 11 ngày(?). Ông Loan tức tốc tìm mua 18 con bò đực giống của một số hộ nông dân ở xã Tầm Xá, nơi đang có dịch lở mồm long móng và chưa tiêm phòng dịch để cung cấp cho tỉnh Bắc Kạn.

Để hợp thức hóa số bò bị bệnh trên là của Phù Đổng, Gia Lâm, nơi có thương hiệu uy tín về bò giống và là khu vực đã được tiêm phòng, ông Loan đã thỏa thuận với ông Ngô Văn Mỹ, ở thôn Thượng, xã Dương Hà, huyện Gia Lâm viết 2 giấy biên nhận bán bò giống. Qua một số mối quan hệ, ông Loan đã xin được xác nhận số bò trên mua tại xã Dương Hà, đã được tiêm phòng và đang khỏe mạnh.

Không kiểm dịch vẫn có giấy chứng nhận.

Để có giấy kiểm dịch, ông Loan đã điện nhờ ông Trần Văn Ngọc, Trạm trưởng Trạm thú y Gia Lâm (ông Ngọc nguyên là Trạm trưởng Trạm thú y Đông Anh) kiểm dịch và đã được ông Ngọc đồng ý. Ông Ngọc ký và cấp 2 giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển trong nước cho ông Loan. Tại 2 giấy chứng nhận kiểm dịch này ghi rõ 18 con bò đực giống trên đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính với các bệnh, khỏe mạnh, đã được tiêm phòng vaccine từ tháng 10/2005.

Ông Ngọc đã bỏ qua các quy định về việc cấp giấy chứng nhận  kiểm dịch, vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Thú y như: không kiểm tra trực tiếp đàn bò xin kiểm dịch (theo quy định, số bò trên phải được nhốt tập trung, có cán bộ thú y theo dõi trong 7 ngày để xác định về lâm sàng); có giấy chứng nhận đã tiêm phòng trước 2 tuần (tụ huyết trùng, lở mồm, long móng); số bò xin kiểm dịch vận chuyển cho đi phải không nằm trong phạm vi ổ dịch…

Việc làm trái các quy định trên đã dẫn đến hậu quả: ngày 2/3, 18 con bò được đưa về Bắc Kạn và giao cho 7/8 huyện, thị trong dự án của tỉnh thì ngay ngày hôm sau (3/3), tỉnh này đã phát hiện 1/18 con có dấu hiệu mắc bệnh lở mồm, long móng. Ngành Thú y đã lấy mẫu 18 con để tiến hành xét nghiệm và xác định có 17/18 con bị mắc bệnh lở mồm, long móng. Theo Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế - văn hóa Công an tỉnh Bắc Kạn, từ 18 con bò đực giống trên, đến ngày 20/4, đã phát thành trên 40 ổ dịch trong cả 7 huyện triển khai bò của dự án, đã có 859 con trâu, bò; 26 con lợn; 39 con dê mắc bệnh lở mồm, long móng; trong đó có 31 con đã chết (có 1 con bò đực trong số 18 con bò đực giống), gây thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng.

UBND tỉnh Bắc Kạn đang chỉ đạo các ngành chức năng tập trung chống dịch.

Một chủ trương đáng ra sẽ "xóa đói giảm nghèo" cho hàng trăm hộ nông dân ở tỉnh Bắc Kạn, nay đã không xoá được nghèo mà các hộ nông dân này còn đứng trên bờ vực phá sản và đi vào bế tắc khi hàng loạt gia súc của họ bị lây bệnh. Đối với một tỉnh miền núi còn nghèo và khó khăn như Bắc Kạn thì thiệt hại hàng tỷ đồng cho dự án này quả là đau xót.

Được biết, trước khi ký hợp đồng với TTƯDKH&CN Bắc Kạn 4 ngày, ông Loan đã làm tờ khai xin kiểm dịch động vật vận chuyển trong nước. Phải chăng ông Loan đã có "mục đích" sẵn trong việc lừa đảo này? Phòng Bảo vệ An ninh kinh tế, CATP Hà Nội đã tiến hành điều tra, xác minh và thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Bò giống, trực tiếp là Giám đốc Lê Công Loan can tội lừa đảo khách hàng, vi phạm Pháp lệnh Thú y, gây hậu quả nghiêm trọng và Trần Văn Ngọc can tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, vi phạm Pháp lệnh Thú y, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 3/5, Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế đã đề xuất với Ban Giám đốc CATP được phối hợp với Công an tỉnh Bắc Kạn làm rõ những hành vi sai phạm của TTƯDKH&CN tỉnh Bắc Kạn; phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV CATP Hà Nội để tiến hành khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết. Đồng thời cũng cảnh báo người dân và các doanh nghiệp, các trạm thú y thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Thú y, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc như vụ việc trên

An Bình - Trần Hằng
.
.
.