Mua bán vàng trái phép có thể bị tịch thu tiền, vàng và phạt nặng

Thứ Bảy, 12/01/2013, 14:15
Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính, mua bán vàng không đúng với quy định của pháp luật, cụ thể là mua bán vàng không đúng nơi quy định, người dân có thể bị tịch thu vàng nếu đem bán, tịch thu tiền nếu đi mua, và còn bị phạt thêm 50-100 triệu đồng.
>> Lách luật trong ngày đầu "mua bán vàng miếng có điều kiện"

Ngày thứ 2 (11/1) thực hiện mua bán vàng miếng có điều kiện, dù giao dịch trầm lắng, nhưng thị trường đã ghi nhận khoảng cách giữa giá vàng miếng trong nước và giá thế giới được thu hẹp xuống còn khoảng 4 triệu đồng/lượng. Song, thị trường có hiện tượng “loạn giá”.

Cùng là vàng SJC, nhưng lúc mở cửa phiên giao dịch buổi sáng, giá vàng tại Hà Nội của Công ty CP SJC Hà Nội niêm yết giao dịch giữ nguyên so với chốt phiên chiều hôm trước, ở mức 45,95 triệu đồng/lượng (mua vào) - 46,05 triệu đồng/lượng (bán ra), trong khi đó, giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Phú Quý niêm yết giao dịch ở mức 46 triệu đồng/lượng - 46,15 triệu đồng/lượng, điều chỉnh tăng 50.000 đồng/lượng và 120.000 đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Ngược lại, tại TP HCM, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn lại điều chỉnh giá vàng SJC giảm 120.000 đồng/lượng, ở mức 45,85 triệu đồng/lượng - 46,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Như vậy, thị trường đã có sự phân hóa, việc niêm yết giá mua bán trái chiều này thể hiện xu hướng cạnh tranh kinh doanh.

Vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vàng sẽ bị xử phạt rất nặng. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Ghi nhận về phản ứng của thị trường về ngày đầu tiên chính thức triển khai hoạt động mua, bán vàng miếng tại các đơn vị được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, NHNN cho biết thị trường vàng tiếp tục ổn định, khách hàng bán nhiều hơn mua khiến cho giá vàng có xu hướng giảm. Thông tin về quy định của Nhà nước về hoạt động mua, bán vàng miếng đã được tuyên truyền, phổ biến đến người dân, vì vậy tâm lý thị trường ổn định.

Đặc biệt, hiện nay, danh sách các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng cũng như các địa điểm giao dịch của từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã được thông báo công khai trên trang tin điện tử của NHNN. Cụ thể, có 2.486 điểm được kinh doanh vàng miếng, trong đó Hà Nội có 429 điểm, Vĩnh Phúc 7 điểm, Bắc Ninh 17 điểm, Quảng Ninh 42 điểm, Hải Dương 14 điểm, Hải Phòng 68 điểm, Hưng Yên 14 điểm, Thái Bình 9 điểm, Hà Nam 4 điểm, Nam Định 12 điểm…

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, PGĐ NHNN chi nhánh TP HCM, mua bán vàng tại các đơn vị cấp phép sẽ an toàn cho người mua. Còn nếu người tiêu dùng cố tình mua bán tại các tiệm vàng không được cấp phép sẽ gặp rủi ro, vì nếu bị các cơ quan chức năng phát hiện, sẽ xử phạt cả người mua và người bán với mức cao. Hiện mua bán vàng miếng được xem như mua bán ngoại tệ.

Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính, mua bán vàng không đúng với quy định của pháp luật, cụ thể là mua bán vàng không đúng nơi quy định, người dân có thể bị tịch thu vàng nếu đem bán, tịch thu tiền nếu đi mua, và còn bị phạt thêm 50-100 triệu đồng. Đại diện NHNN cũng khuyến cáo: để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, khi giao dịch vàng, người mua nên yêu cầu nơi bán xuất hóa đơn, trong đó ghi rõ số seri, để có thể khiếu nại nếu phát sinh sự cố

Hà An
.
.
.