Một GĐ doanh nghiệp giả mạo hồ sơ “vay” ngân hàng số tiền “khủng”
Càng không thể ngờ khi vị giám đốc này đã không từ thủ đoạn nào để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước, nghiêm trọng hơn là cùng lúc sập bẫy lừa đối với nhiều ngân hàng…
Theo cơ quan điều tra cho biết, Công ty TNHH Mai Sao được thành lập đầu năm 2005 với ngành nghề kinh doanh là chế biến, bảo quản, buôn bán, xuất khẩu thủy sản. Cho đến hết năm 2009, DN này làm ăn có lãi, nộp thuế đầy đủ. Sang 2010, DN này rơi vào thế thua lỗ trầm trọng, mất cân đối về vốn. Và đó cũng là lúc Giám đốc Thiên bắt đầu đi từ sai phạm này đến sai phạm khác.
Việc đầu tiên là ông Thiên chỉ đạo cho thuộc cấp lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính với số liệu khác nhau. Đối với cơ quan thuế, các báo cáo thể hiện đúng thực tế tình hình kinh doanh thua lỗ; còn đối với ngân hàng, hệ thống sổ sách, chứng từ lại thể hiện DN làm ăn có lãi, thậm chí lãi rất cao nhằm duy trì lòng tin cho các ngân hàng để được các ngân hàng tiếp tục cho vay theo hạn mức tín dụng hàng năm.
Một góc nhà máy của Công ty TNHH Mai Sao tại KCN Cảng cá Tắc Cậu, Kiên Giang và bị can Cao Hương Thiên. |
Trong hợp đồng tín dụng đều có điều khoản cam kết, cụ thể phía ngân hàng chỉ cho DN của ông Thiên vay để mua nguyên liệu hải sản phục vụ cho sản xuất kinh doanh, sau khi rút vốn, Công ty phải nộp lại chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn đúng mục đích. Thực tế, ông Thiên đã chỉ dùng 1 phần vốn vay theo như đúng cam kết. Để đối phó, ông Thiên chỉ đạo lập chứng từ khống để hợp thức hóa, nộp cho ngân hàng ứng với mỗi đợt xin được giải ngân vốn vay.
Cơ quan điều tra cho biết, năm 2011, hạn mức tín dụng của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (VietcomBank) – Chi nhánh Kiên Giang đối với Công ty TNHH Mai Sao là 40 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) mỗi ngân hàng 15 tỷ đồng.
Kết luận giám định của Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang cho biết quá trình kinh doanh, Công ty TNHH Mai Sao thực hiện hạch toán chứng từ, sổ sách sai với Luật tài chính kế toán. Cụ thể: Năm 2009, DN báo với cơ quan thuế lãi trên 504 triệu đồng nhưng báo với ngân hàng lãi trên 2,281 tỷ đồng (chênh lệch trên 1,777 tỷ đồng); năm 2010 báo cáo với thuế lỗ gần 1,063 tỷ đồng nhưng báo với ngân hàng lãi trên 8,034 tỷ đồng (chênh lệch trên 9,098 tỷ đồng); quý III-2011 báo với thuế lỗ gần 5,753 tỷ đồng nhưng báo với ngân hàng lãi trên 800 triệu đồng (chênh lệch trên 6,554 tỷ đồng).
Đối với việc dùng vốn vay sai mục đích, kết quả điều tra cho thấy tại VietcomBank, từ tháng 8 đến 11/2011, Giám đốc Thiên đã ký nhiều hợp đồng vay vốn theo hạn mức với ngân hàng này với tổng số tiền trên 34,342 tỷ đồng nhưng chi đúng mục đích là mua nguyên liệu chỉ trên 7,757 tỷ đồng, khoản gần 26,585 tỷ đồng còn lại, Giám đốc Thiên dùng để trả nợ vay nóng bên ngoài (trên 21 tỷ đồng), chi lương công nhân, điện, nước…
Tại BIDV Kiên Giang, từ tháng 8 đến 11/2011, Thiên ký 12 hợp đồng vay với tổng số tiền trên 15,926 tỷ đồng nhưng chi đúng mục đích chỉ hơn 1,950 tỷ đồng, khoản còn lại cũng chủ yếu chi trả nợ vay nóng. Tại SHB Kiên Giang, sau khi vay vốn, Giám đốc Công ty TNHH Mai Sao chỉ nộp bảng kê cho ngân hàng nên Cơ quan điều tra không tiến hành đối chiếu được.
Cơ quan điều tra cho biết tổng giá trị hàng tồn kho của Công ty vào cuối năm 2011 chỉ là 20,1 tỷ đồng. Thế nhưng, Giám đốc Cao Hương Thiên đã cùng lúc mang tài sản này đem thế chấp cho 3 ngân hàng kể trên, nhằm đảm bảo cho các khoản vay theo hạn mức tín dụng, với tổng khoản tiền được phát vay lên đến 41,348 tỷ đồng, chênh lệch giữa tài sản thế chấp và tài sản đảm bảo đến 21,248 tỷ đồng.
Kết cuộc các chi nhánh tại Kiên Giang của VietcomBank bị sập bẫy 18 tỷ đồng, BIDV 10,52 tỷ đồng và SHB trên 12,828 tỷ đồng. Lãnh đạo các ngân hàng cho biết họ không hề được phía ông Thiên thông tin về việc tài sản (HTK) được thế chấp cùng lúc nhiều nơi như thế nên đã ký hợp đồng tín dụng với ông Thiên. Vào cuối hàng tháng, Công ty Mai Sao có gởi báo cáo HTK đầy đủ nhưng luôn kê khống giá trị lên cao (lúc nào cũng đạt giá trị từ 30 – 40 tỷ đồng) nên phía ngân hàng chẳng nghi ngờ gì.
Cơ quan điều tra cho biết tính tới khi Giám đốc Thiên bị khởi tố, bắt tạm giam, Công ty TNHH Mai Sao còn nợ tiền thuế 133 triệu đồng, nợ tiền lương công nhân, nợ bảo hiểm trên 100 triệu đồng. Với các khoản vay nóng, Thiên còn khai nhận nợ của hai cá nhân bên ngoài trên 31,5 tỷ đồng với lãi suất 5%/tháng. Trước khi bị bắt, Thiên từng 2 lần tạm ứng tiền bán hàng của Công ty TNHH Tài Phát (Bà Rịa – Vũng Tàu) với số tiền gần 1 tỷ đồng nhưng để chi xài cá nhân, không nhập quỹ Công ty TNHH Mai Sao. Và sau đó, Thiên đã giải vây khoản tiền này qua các hợp đồng mua bán hàng hóa với DN trên