Luật Thuế xuất nhập khẩu còn nhiều bất cập cần sửa đổi

Thứ Tư, 02/09/2015, 09:47
Ông Vũ Ngọc Anh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết tự do thương mại (AFTA), theo đó, từ năm 2018, mức thuế suất thuế nhập khẩu (NK) cơ bản sẽ được xoá bỏ. Để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, cần thiết phải bổ sung, nâng cấp cơ sở pháp lý một số nội dung quan trọng về các biện pháp phòng vệ về thuế trong Luật thuế XNK.
Theo đó, có 4 nhóm vấn đề chính trong dự án Luật Thuế XNK (sửa đổi) đang được Tổng cục Hải quan lấy ý kiến các bên liên quan. Trong đó có nhóm vấn đề về khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết. Trong nhóm này, sẽ bổ sung một số nội dung quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ trên cơ sở kế thừa, nâng cấp một số quy định của các Pháp lệnh liên quan (Chương III, Điều 12-15 dự thảo Luật).

Tuy nhiên, trước những “nút thắt” dự kiến được tháo gỡ khi dự thảo Luật thuế XNK sửa đổi được hoàn thiện, thì vấn đề quản lý NK luôn được các cơ quan quản lý quan tâm. Bởi, hiện đã có nhiều biện pháp quản lý NK được đề ra, nhưng những biện pháp này dường như vẫn chưa được sử dụng hiệu quả. Thực tế, từ năm 1989 đến 2011, cán cân thương mại của nước ta vẫn ở trạng thái nhập siêu.

Tình trạng này dẫn đến tăng phụ thuộc vào bên ngoài, làm cho một số lĩnh vực của nền kinh tế có khả năng bị tác động mất an toàn. Nhập siêu cũng làm giảm hiệu quả XK, giảm nguồn thu từ XK cho dự trữ của Nhà nước. Bên cạnh đó, sự NK ồ ạt các mặt hàng không đủ tiêu chuẩn chất lượng, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, sức khỏe của nhân dân và các mục tiêu kinh tế - xã hội khác.

Trước cán cân thương mại liên tục nhập siêu, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm kiểm soát NK, như: Các biện pháp về thuế, hình thức cấm NK, hạn ngạch NK, giấy phép NK, hạn ngạch thuế quan. Tuy nhiên, việc NK tăng nhanh bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất thì những hệ quả mang lại cho nền kinh tế cũng không nhỏ. Bộ Công Thương thừa nhận, công tác quản lý Nhà nước về NK tuy đã có nhiều đổi mới nhưng hiệu lụy chưa được như mong đợi.

Công tác quản lý, giám sát hàng hóa NK bằng mọi phương thức (nhất là phương thức NK qua biên giới) còn nhiều bất cập, hạn chế. Đây là lý do dẫn đến hiện tượng còn một lượng không ít hàng hóa kém chất lượng hoặc những mặt hàng trong nước đã sản xuất được vẫn thâm nhập sâu thị trường nội địa.

Do vậy, với xu hướng chung tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải cách, giảm thủ tục hành chính nên quy mô, phạm vi và đối tượng áp dụng thêm các biện pháp hành chính để kiểm soát NK cũng có những giới hạn nhất định. Biện pháp kỹ thuật được coi như một giải pháp hữu hiệu để hạn chế NK.

Tuy nhiên, với trình độ sản xuất, công nghệ chưa cao, mặt bằng tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá sản xuất trong nước, khả năng tài chính của người tiêu dùng, doanh nghiệp Việt hiện nay cũng cần có thời gian mới đảm bảo những tính khả thi. Trong thời gian tới, sẽ có nhiều biện pháp quản lý hàng NK được triển khai nhằm bảo đảm tính ổn định, thống nhất, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế về kinh tế.

Lưu Hiệp
.
.
.