Lo thực phẩm lậu thiếu an toàn

Thứ Ba, 02/12/2008, 15:14
Phó Trạm trưởng Trạm kiểm dịch thực vật Tân Thanh (Lạng Sơn) giải thích hoa quả "là mặt hàng truyền thống từ xưa, trên mặt hàng đó không có đối tượng (tức các loại sâu hại) của mình nên qui trình về thời gian rất nhanh". Hiện nay, các trạm kiểm dịch duy trì việc gửi mẫu về phòng kiểm dịch để kiểm tra kỹ hơn; nhưng các lô hàng đã cho thông quan, nên khi “cấp trên” phát hiện ra chất gây hại thì bao nhiêu người đã ăn phải?
Càng gần những tháng giáp Tết, nhu cầu về thực phẩm càng tăng cao. Thời điểm này trong năm là hàng lậu tràn vào trong nước nhiều nhất. Đặc biệt trong năm nay, tình hình thực phẩm căng thẳng hơn các năm trước rất nhiều do rau củ vụ đông phần lớn đã bị tàn phá sau mưa lụt; ngành chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhân cơ hội này, lượng rau củ, gà lậu từ Trung Quốc tràn vào các cửa khẩu tăng đột biến, trong khi việc kiểm soát chất lượng của những loại hàng hóa này gần như vẫn chưa thể thực hiện được.

Thực phẩm không an toàn vẫn có thể tràn qua biên giới

Theo báo cáo của Trạm Kiểm dịch thực vật Tân Thanh, trong tháng 10, lượng rau, củ, quả qua cửa khẩu này được kiểm dịch đã lên tới gần 80.000 tấn. Đây là lượng hàng hóa chính ngạch đi qua cửa khẩu, chưa tính đến những loại hàng được đưa vào nội địa trái phép. Theo ước lượng của Trạm kiểm dịch thực vật Tân Thanh, trong tháng 11, mỗi ngày có hàng chục tấn rau qua biên giới để vào Việt Nam. Tại khu vực cửa khẩu Đồng Đăng, Tân Thanh, rất dễ dàng thấy hàng đoàn xe tải loại lớn chở rau, quả đi lại nườm nượp trên đường.

Mặt hàng rau nhập từ Trung Quốc được bày bán ngay vệ đường.

Theo kết quả kiểm tra được công bố vào ngày 25/11 của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN & PTNT), trong 22 mẫu rau quả được phân tích dựa trên 51 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (39 loại được dùng và 12 loại cấm dùng) chỉ có 8 mẫu có dư lượng thuốc và vẫn ở dưới ngưỡng cho phép. Tuy vậy, chưa ai dám khẳng định rau Trung Quốc là an toàn, bởi ngoài số 51 hoạt chất bảo vệ thực vật được đem ra so sánh thì không ai có thể biết được người trồng rau còn dùng loại thuốc gì khác hay không.

Hiện nay, đa số rau nhập vào Việt Nam đều không có nguồn gốc xuất xứ từ những vùng sản xuất hàng hoá được trồng, chăm sóc theo một quy trình quản lý chất lượng gắt gao; mà chủ yếu là ở các vùng sản xuất rau quả nhỏ lẻ thuộc các tỉnh Trung Quốc có biên giới chung với Việt Nam, được các thương lái tranh thủ thị trường khan hiếm nhập vào một cách tự phát.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Bình - Phó Trạm trưởng Trạm kiểm dịch thực vật Tân Thanh cho biết: chưa bao giờ rau, củ đi qua cửa khẩu Tân Thanh nhiều như thời gian vừa qua. Riêng vấn nạn nhập lậu gia cầm (chủ yếu là gà) thì đã trở nên nhức nhối từ vài năm nay. Thượng tá Nguyễn Trung Thực, Trưởng Công an huyện Cao Lộc (nơi cửa khẩu Đồng Đăng, giáp cửa khẩu Tân Thanh và các điểm nóng về chuyên chở hàng lậu như Hang Dơi, Cổng Trắng) cho biết: Từ đầu năm đến nay, riêng Công an huyện Cao Lộc đã bắt được hơn 20 tấn gà nhập lậu từ Trung Quốc.

Gần đây, lực lượng Công an cũng bắt được khá nhiều, bởi càng gần Tết, bọn buôn lậu hoạt động càng ráo riết. Từ ngày 30/10 đến 24/11, Công an huyện đã bắt được hơn 2,5 tấn gà lậu được tập kết chuẩn bị đưa về Hà Nội.

Dân buôn lậu thường gánh gà qua đường mòn Co Sâu, Kéo Lặc Vài (thuộc xã Bảo Lâm) đi xuống xã Thụy Hùng, vào TP rồi mới vận chuyển sâu vào nội địa. Thượng tá Nguyễn Trung Thực cho biết, tại Bảo Lâm luôn có mấy trăm chiếc xe Minsk đỗ sẵn, mỗi xe chất 3 lồng, chỉ chờ cơ quan chức năng sơ hở một chút là phóng vọt đi. Những kẻ chở thuê thường đi theo tốp chừng 5 đến 7 xe, có bộ đàm liên hệ và đi với tốc độ rất cao, sẵn sàng liều mạng nếu bị truy đuổi. Trung bình mỗi chuyến xe chở khoảng 1 tạ, trị giá 3 triệu, trót lọt thì được 10%, nếu mất hoặc bị bắt thì phải đền 70%, nên những kẻ chở thuê thường rất quyết liệt đối phó với cơ quan chức năng. Nếu bị bắt, chúng sẵn sàng lao vào xâu xé, cướp hàng.

Khoảng 8h tối, trên đường từ Đồng Đăng về TP Lạng Sơn, xẹt một cái là đã có 5, 6 chiếc xe chở gà nhập lậu lao qua trước mặt chúng tôi, mà cơ quan chức năng không thể truy bắt nổi.

Thắt chặt kiểm tra tại cửa khẩu - vẫn khó thực hiện

Gần đây, do nhiều lo ngại về độ an toàn của rau Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thành lập tổ công tác lên 3 tỉnh biên giới Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh để kiểm tra. Tuy nhiên, xem tận mắt tại biên giới thì hiểu rằng quyết định này không phải dễ thực hiện.

Tại Trạm kiểm dịch thực vật Tân Thanh, ông Bình cho biết Trạm chỉ có chức năng kiểm tra các sinh vật gây hại (tức các loại sâu bệnh), còn việc kiểm tra độ an toàn, dư lượng thuốc... lại thuộc kiểm dịch y tế. Hiện trạm cũng có một trung tâm kiểm định thuốc nhưng không kiểm tra dư lượng thuốc trên rau nhập?

Rau quả "ngoại" như thế này liệu có an toàn?.

Cũng theo ông Bình, qui trình kiểm tra một lô hàng thường mất ít thì 15 phút, nhiều thì nửa tiếng. Bằng một phép tính đơn giản có thể thấy: với 4.684 lô hàng được kiểm dịch trong tháng 10, mỗi ngày phải có 39 tiếng mới có thể làm hết. Trong khi, trạm chỉ làm việc giờ hành chính với nhân lực 8 người.

Về qui trình kiểm dịch, ông Bình giải thích hoa quả "là mặt hàng truyền thống từ xưa, trên mặt hàng đó không có đối tượng (tức các loại sâu hại) của mình nên qui trình về thời gian rất nhanh". Ví dụ rau có sâu bệnh có thể nhìn thấy bằng mắt thường, củ quả thì bổ ra mà không thấy sâu hại thì cho đi(?)

Mặc dù hiện nay, các trạm kiểm dịch đều duy trì việc gửi mẫu về phòng kiểm dịch của Chi cục để kiểm tra kỹ hơn; nhưng các lô hàng đều đã cho thông quan, nên không biết khi phát hiện ra chất gây hại thì bao nhiêu người đã ăn phải?

Hiện nay, tất cả rau, củ, quả được nhập vào Việt Nam đều bằng con đường chính ngạch, không phải nhập lậu. Do chính sách hỗ trợ các hộ dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, mỗi người qua lại biên giới sẽ được mang một lượng hàng có giá trị dưới 2 triệu đồng. Với mặt hàng giá rẻ như rau, mỗi người có thể nhập hàng tấn/ lần một cách đường đường chính ngạch. Đấy là chưa kể một ngày họ có thể qua lại nhiều lần. Bởi vậy, thị trường trong nước khan hiếm là lập tức hàng từ Trung Quốc có thể tràn vào khó có thể kiểm soát nổi

Vũ Hân - Nguyễn Hương
.
.
.