Làng rau má Phước Yên thoát nghèo

Thứ Tư, 12/08/2009, 11:33
Nhắc đến rau Huế người ta nhớ đến rau má Phước Yên. Cây rau má đang mang lại cho miền quê nghèo một khởi sắc mới. "Dân vùng này mấy năm ni phất giàu lên, lũ trẻ được đến trường nhờ cây rau má cả" - ông Nguyễn Đình Lúa, 73 tuổi nói.

Thoát nghèo nhờ cây "rau nhà nghèo"

Dọc theo con đường bê tông nhỏ vào thôn Phước Yên (Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), hai bên đường là những ruộng rau má xanh mơn mởn đang bước vào mùa thu hoạch. Khi được hỏi về cây rau má, anh Nguyễn Đình Thanh, Đội 6, Phước Yên hồ hởi: "Đây là loại rau dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây khác".

Ông Trương Quang Thiện, người đầu tiên đưa cây rau má về với Phước Yên, được xem là "cha đẻ" của rau má Phước Yên cho biết: "Lúc đầu tui cũng chỉ làm vài luống ăn chơi thôi, sau thấy lợi thì cứ nhân giống lên. 3000m2 đất trồng lúa sau vườn thành ruộng rau má lúc mô không hay". Mô hình trồng rau má của ông Thiện được nhiều người trong thôn học hỏi và làm theo. "Thu nhập từ cây rau má ổn định, dù cơ cực nhưng bà con mình cũng đỡ chật vật kiếm ăn như mọi năm nữa" - ông Trần Phụ Phú, trưởng thôn vui vẻ nói.

Những cánh đồng lúa ở Phước Yên nay được thay thế bằng những ruộng rau má xanh mát mắt.

Hiện hợp tác xã nông nghiệp Quảng Thọ 2 trồng gần 25ha, trong đó thôn Phước Yên 12ha. Những cánh đồng rau má rộng mênh mông. Ở Phước Yên, gia đình nào cũng trồng rau má, nhà nhiều cũng từ 2.000 đến 3.000m2 , nhà ít cũng từ 1.000 đến 1.500m2. Như gia đình anh: Cao Văn Lâm, Trần Phụ Tùng, Nguyễn Đình Chính… cây rau má đã trở thành nguồn thu nhập chính.

"Nhờ trồng rau má mà 4 đứa con tui được học hành tử tế, đứa nào cũng hết 12 và tiếp tục vào học cao đẳng, đại học, nếu cứ trồng lúa như trước đây thì lấy tiền mô mà nuôi con ăn học" - anh Chính tâm sự.

Thương hiệu "Rau má Phước Yên"

Gia đình anh Nguyễn Đình Thanh chuyển đổi 5 sào đất từ ruộng lúa sang trồng rau má, việc chăm bón cho cây rau cũng khá đơn giản, sau mỗi lứa thu hoạch người nông dân sẽ có hai lần nhổ cỏ, bón phân, cây rau làm ra đến đâu là tiêu thụ ngay đến đó. Thu nhập từ cây rau má ổn định, kinh tế của người dân trong thôn khởi sắc hơn. "Một năm hơn 5 sào rau má cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Năm năm qua nhờ trồng rau má mà gia đình tui mới có một cơ ngơi thế này. Tất cả mọi thứ đều nhờ cây rau má cả" - anh Thanh phấn khởi.

Ông Trương Quang Kỳ, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ là người đi tiên phong trong việc ủng hộ nông dân phá thế độc canh cây lúa ở địa phương. "Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau má của bà con thôn Phước Yên là một thành công lớn. Đây là mô hình cần nhân rộng ra các đơn vị khác" - ông Kỳ nói.

Không chỉ có mặt ở thị trường trong tỉnh, thương hiệu rau má Phước Yên còn đi xa hơn đến các tỉnh vùng lân cận như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đà Nẵng… Ngoài công dụng chính là làm rau nấu canh, ăn sống thì nước rau má được xem như là thứ nước uống bổ dưỡng trong những ngày hè.

 Màu xanh từ những ruộng rau đã phủ lên vùng đất Phước Yên một màu xanh mới. Màu xanh của những ngôi nhà khang trang, của trẻ em nơi đây được học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng rau má Phước Yên cần có một định hướng xa hơn trong tương lai.

"Nghe nói trồng rau người ta phun thuốc sâu nhiều lắm?" - tôi hỏi. "Thì phun hai lần nhưng đều phun ngay sau khi thu hoạch, còn khi rau bắt đầu ra lá non thì chỉ phun thuốc kích thích để rau phát triển thôi. Nhưng nếu có đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm thì có thể tất cả chúng tôi sẽ làm rau an toàn, biến vùng rau này thành vùng hàng hóa, để xây dựng rau má Phước Yên thành một thương hiệu" - ông Phú mong muốn.

Ông Nguyễn Xuân Thiều, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Hiện nay, mô hình trồng một loại rau duy nhất số lượng nhiều như ở Phước Yên trên địa bàn tỉnh là rất ít. "Việc làm kinh tế của người dân hiện nay là theo phong trào, địa phương cần quy hoạch vùng chuyên canh rau sạch để rau má Phước Yên có một thương hiệu cho riêng mình" - ông Thiều nói

Dung Quất - Nguyễn Đông
.
.
.