Làm gì để “gỡ” hàng ách tắc ở cửa khẩu Móng Cái

Thứ Tư, 19/10/2011, 16:24
Như đã đưa tin, suốt thời gian qua, tình trạng ách tắc hàng xuất khẩu (XK) tiểu ngạch diễn ra ở khu vực biên giới Móng Cái, Quảng Ninh đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khơi thông. Từ thực tế đáng buồn này, liệu có thể rút ra bài học về quan hệ giao thương khu vực biên giới mang tính bền vững, an toàn, hóa giải vĩnh viễn tình trạng ách tắc hàng hóa như hiện nay?
>>Chưa giải quyết được tình trạng ách tắc hàng hóa XNK ở Móng Cái

Ai cũng thiệt vì... tiểu ngạch

Thiệt hại đầu tiên là các doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam. Chỉ riêng ngành hàng cao su chế biến thô (SVR-10), giá mua nội địa có lúc vượt đỉnh 100.000đ/kg hồi tháng 7/2011, mang ra Móng Cái để "ngâm" chờ cơ hội xuất tiểu ngạch ngày này qua tháng khác, đến giữa tháng 10/2011, giá cao su thô chỉ còn 80.000đ/kg. Công ty TNHH G.P. chỉ có 40 tấn chờ xuất đã không đủ kiên nhẫn phải tống tháo lại cho các doanh nghiệp "to gan" ủ hàng đã lỗ trên 400 triệu đồng. Các công ty cao su lớn hơn, tự mang hàng xuất trực tiếp với số lượng càng nhiều, lỗ càng lớn.

Theo ước tính của Hải quan cửa khẩu, tổng số lượng cao su chờ xuất theo đường tiểu ngạch còn tồn phía Việt Nam khoảng hơn 2.000 tấn. Giả sử có xuất được theo giá thời điểm thì con số lỗ mà các doanh nghiệp phải chịu đã hàng trăm tỷ đồng. Nhưng đâu chỉ cao su mới tắc, loại hàng hóa tạm nhập tái xuất nhóm phế liệu, thực phẩm đông lạnh, nguyên liệu thô, các doanh nghiệp được thương nhân Trung Quốc ủy thác từ lâu rồi đã đứng ngồi không yên, chưa kể nỗi lo hàng hóa bị hỏng hóc, phân hủy lại phải gánh chịu những tổn thất về giải quyết hậu quả.

Đối với cơ quan quản lý, địa phương có cửa khẩu cũng không hơn gì. Hàng bế tắt đã phát sinh hàng loạt vấn đề làm rối loạn hệ thống, quy trình tác nghiệp, nhân lực vốn không nhiều nay lại phải có bộ phận giám sát hàng tồn, không còn kho bãi nào đủ trống để chứa hàng chờ xuất, đường sá trở thành kho bãi dã chiến, quá tải, cản trở giao thông vì xe chở hàng chỉ biết nằm im chiếm chỗ. Móng Cái thời điểm cận cuối năm nhưng  giao thương im lìm... Đó là chưa kể đến hiện tượng kẻ gian lợi dụng trộm cắp hàng hóa làm phức tạp tình hình ANTT.

Quá phụ thuộc một phía

Một cán bộ Chi cục Hải quan Móng Cái (đề nghị giấu tên) cho rằng, sự bế tắc tại các cửa khẩu tiểu ngạch thời gian qua hoàn toàn là do những tác động từ phía bạn. Năm nay Trung Quốc đã bắt đầu triển khai chính sách từng bước hạn chế XNK theo đường tiểu ngạch.

Theo đó, các ngân hàng bảo lãnh tín dụng không cấp vốn vay cho thương nhân Trung Quốc để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Có thể nói đây là nguyên nhân chủ yếu khiến các cửa khẩu tiểu ngạch trầm lắng khác thường. Mặt khác, phía bạn từ trước tới nay vẫn coi cửa khẩu tiểu ngạch chỉ là nơi để trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới hai nước chứ không phải là kênh thương mại chính thức. Vì vậy, dù ta không cấm tiểu ngạch nhưng hàng hóa vẫn không thể thông thương.

Ông Nguyễn Văn Tính, Trưởng Trạm kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tàu Dân Tiến, cho biết, bằng giờ này năm ngoái, hàng hóa xuất nhập đi qua trạm rất nhộn nhịp, nhưng giờ thì khác, thưa thớt, im lìm, công tác phụ thu của đơn vị cũng bị ảnh hưởng. Nhiều CBCC trong ngành Hải quan đều có chung nhận định, trong mối quan hệ giao thương mà chỉ phụ thuộc quyền quyết định của một bên thì khó mà bình đẳng.

Cửa khẩu quốc tế Bắc Luân - Móng Cái (chính ngạch) vẫn vắng teo.

Nếu thương nhân Trung Quốc nhập hàng của Việt Nam thì bao giờ cũng yêu cầu khi nào hàng về lãnh thổ của họ mới thanh toán. Trong trường hợp ách tắc hàng cao su, thực phẩm xuất sang Trung Quốc lần này chẳng hạn, chỉ có doanh nhân Việt Nam là thiệt hại nặng nề vì không thể thanh toán được khi hàng vẫn còn nằm ở Móng Cái.

Hóa giải được không?

Không khó nếu muốn gặp các "khổ chủ" ngay tại Móng Cái. ông Nguyễn Đức Hiển, PGĐ Công ty XK Cao su bức xúc: "Ức không chịu được, họ vào tận nhà máy của chúng tôi kỳ kèo nài ép mua hàng bằng được, giờ cấm tiểu ngạch thì chẳng thấy ai, tội vạ đâu mình chịu, tiền thì chưa lấy được".

Ông Nguyễn Việt H., GĐ một công ty TMDV ở Hải Phòng vốn là đối tác thân tình chuyên cung cấp mặt hàng nông sản thô cho doanh nhân Trung Quốc đã nhiều năm, thường "thoát hiểm" dễ dàng vào các chu kỳ cấm biên trước, nhưng lần này thì đành thúc thủ tại Móng Cái vì việc cấm tiểu ngạch là chính sách Nhà nước Trung Quốc chứ không phải do bộ phận quản lý cửa khẩu. Món vay hơn 10 tỷ đồng cho lô hàng 600 tấn bột sắn đã quá hạn thanh toán nhưng hàng thì còn nguyên... Trong tình cảnh như vậy nhưng ông H. vẫn khá bình tĩnh để nhận ra mọi thua thiệt là do chính các doanh nghiệp Việt tự tạo ra.

Trao đổi với cơ quan chức năng, các chuyên gia hàng đầu trên lĩnh vực ngoại thương, được biết, có thể đây sẽ là bài học quá đắt để khởi đầu cho sự chuyển đổi hình thức, phương thức buôn bán làm ăn với nước láng giềng. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, hai từ "cấm biên" tại những vùng biên nhiều lúc chẳng khác gì công cụ điều tiết giá. Do đó, cần phải bắt đầu lại các quy trình theo đúng tiêu chuẩn thương mại quốc tế, nếu họ bỏ, cấm tiểu ngạch thì ta cũng không nên duy trì.

Mọi hoạt động XNK chỉ thông qua cửa khẩu quốc tế chính ngạch. Đồng thời quá trình thanh toán dứt khoát phải thông qua tổ chức tín dụng thứ 3 đủ tin cậy (mở LC). Nếu ta làm đúng, phía bạn vi phạm hợp đồng thì họ mới chính là bên bị thiệt hại.

Nhưng điều quan trọng hơn, các doanh nghiệp cũng nên học cách làm ăn buôn bán theo kiểu hiệp hội của nước bạn, cần có sự liên minh, liên kết chung tay bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và cũng là quyền lợi của đất nước

Lê Minh Triết
.
.
.