Lại thêm một kiểu trục lợi trên thương hiệu vàng miếng quốc gia

Thứ Ba, 31/03/2015, 08:41
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa hề có bất cứ thông tin nào về việc phân biệt, kỳ thị đối với chất lượng và giá trị vàng miếng thương hiệu SJC có seri khác nhau, bởi lý do hết sức đơn giản:

Vàng SJC mang seri nào cũng là vàng miếng cùng chất lượng, tiêu chuẩn như nhau, do đã được mang thương hiệu Quốc gia; loại có 1 chữ cái hay 2 chữ cái đứng trước một dãy số chỉ là ký hiệu seri được khắc chìm lên mặt miếng vàng để dễ bề kiểm soát những lô vàng miếng đã được phép dập, bán ra thị trường.

Dấu hiệu nhận biết này cũng góp phần ngăn chặn được nạn vàng miếng giả, nhái thương hiệu SJC.

Đồng thời, khi dãy seri gồm các chữ cái và số này được ghi trên hóa đơn của người mua vàng thì lúc người sở hữu vàng miếng SJC đem bán, các cửa hàng hay trung tâm kinh doanh vàng miếng sẽ căn cứ vào đó để khỏi phải tốn công thử hoặc khỏi cần tháo các miếng vàng ra khỏi vỏ nhựa bọc kín bên ngoài.

Nhưng những ngày qua, thông tin từ một số khách hàng ở TP Hồ Chí Minh bị các cửa hàng kinh doanh vàng trừ tiền ở mức 100 – 150 ngàn đồng/lượng khi đem bán vàng miếng SJC loại chỉ có 1 chữ cái trước dãy seri so với loại có 2 chữ cái.

Điều này không chỉ khiến dư luận xôn xao, mà nhiều người đang sở hữu vàng miếng SJC cũng đã phải giật mình, vội soi lại những thông tin trên hóa đơn mua vàng và dãy seri gồm chữ cái kèm theo các con số được dập trên miếng vàng của mình xem có trùng khớp và là loại có 1 chữ cái hay 2 chữ cái.

Một công đoạn dập vàng miếng SJC.

Theo một thành viên của Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP Hồ Chí Minh, thông tin này được xác nhận bắt đầu từ thông báo của Công ty SJC phát ra ngày 18/3 với nội dung:

Trước ngày 1/4, khách hàng bán vàng miếng SJC loại seri chỉ có 1 chữ cái vẫn được Công ty SJC mua lại bình thường, nhưng nếu muốn đổi lấy vàng miếng cùng loại và trên seri có 2 chữ cái, người mua phải bù chi phí. Sau đó, kể từ ngày 1/4 trở đi, khách bán vàng SJC loại chỉ có 1 chữ cái trên seri sẽ bị trừ 40 ngàn đồng/lượng.

Theo tính toán của TS Nguyễn Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam, cách đây khoảng 2,5 năm – thời điểm trước khi vàng SJC được chọn trở thành thương hiệu vàng quốc gia, giữ ở vị trí độc tôn, thì lượng vàng miếng được gia công từ vàng nguyên liệu nhập về đã đạt con số 12 triệu lượng, trong đó SJC chiếm chủ yếu.

Sau ngày chính thức nắm giữ thương hiệu số 1 Việt Nam, lượng vàng miếng SJC được dập, bán ra thị trường tăng lên rất nhanh do một lượng lớn các loại vàng miếng mang những cái tên khác có bán giá rẻ hơn SJC đã được người sở hữu chấp nhận bán tháo, để SJC được phép đem nấu lại rồi dập thành vàng miếng SJC.

Để đổi những miếng vàng SJC bị móp méo thành những miếng vàng SJC sắc nét, người sở hữu đã phải tốn vài chục đến cả trăm ngàn đồng vào thời điểm đó. Hoặc chỉ là để có được những miếng vàng đóng bao, ép vỉ nilon kín của SJC nhằm giữ cho các miếng vàng này luôn thẳng thớm, nhiều người có vàng miếng SJC đã phải bỏ ra một vài chục ngàn cho mỗi lượng thời điểm đó.

Hơn thế, suốt những năm qua, giá bán vàng miếng SJC trong nước luôn cao hơn giá vàng thỏi trên thị trường quốc tế khoảng từ 2 - 5 triệu đồng/lượng.

Và nay, theo những lý giải từ Công ty SJC, thì xuất phát từ tâm lý của người mua vàng miếng chê loại seri có một chữ cái khiến lượng vàng miếng do DN này mua vào bị tồn đọng, khó bán ra kéo dài suốt thời gian qua.

Từ đó, DN phải chi phí đủ thứ như tồn đọng vốn, rủi ro, biến động về giá… trong thời gian chờ được NHNN cho phép dập lại thành loại seri có 2 chữ cái, thiệt hại một lần nữa được đẩy về phía người có vàng.

Chỉ cần tính mỗi người đang sở hữu vàng miếng SJC loại 1 chữ cái thiệt hại vài trăm đến vài triệu đồng, cộng dồn lại khi về tới Công ty SJC sẽ thành con số khủng.

SJC đang nắm giữ vai trò chủ lực của thị trường vàng miếng trong nước, do đó bất cứ thông tin hay vấn đề gì có thể gây khuấy đảo thị trường vàng miếng loại này đều phải được cân nhắc, kiểm soát chặt chẽ và can thiệp kịp thời từ phía NHNN.

Đ.Thắng
.
.
.