Lãi suất, tỷ giá ổn định, tín dụng tăng khá

Thứ Tư, 02/10/2019, 06:15
Đây là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú công bố tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2019, diễn ra ngày 1-10. Hàng loạt vấn đề nóng của ngành ngân hàng đã được đại diện NHNN giải đáp.


Tín dụng tăng 8,64%, nợ xấu dưới 2%

Số liệu thống kê của NHNN cho thấy đến ngày 24-9-2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo, tín dụng tăng 8,64%.

Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá như: Tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%; Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,2%; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%; Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%.

Cho vay các dự án BOT là nỗ lực của ngành ngân hàng.

Đáng chú ý, NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và thị trường tiền tệ. Về cơ bản, mặt bằng lãi suất và tỷ giá đều duy trì ổn định; thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN vẫn mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Riêng về công tác xử lý nợ xấu, lũy kế từ 15-8-2017 đến cuối tháng 6-2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 224,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6-2019 là 1,9%. Đến cuối tháng 7-2019, toàn thị trường có 18.841 ATM và 262.733 POS được lắp đặt.

So với cùng kỳ năm 2018 việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng 14,9%; Số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 15,8% với tổng giá trị giao dịch tăng 15,6%; nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.

Doanh nghiệp không sốc khi bị dừng vay ngoại tệ

Từ ngày 1-10, các ngân hàng thương mại chính thức chấm dứt việc cho vay ngoại tệ đối với các DN có nhu cầu vay ngoại tệ trung dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ. Trước đó, việc cho vay ngoại tệ ngắn hạn cũng chỉ được thực hiện đến 31-3-2019. Như vậy, hiện các DN có nhu cầu ngoại tệ (kể cả ngắn hạn lẫn trung, dài hạn) đều phải chuyển sang mua ngoại tệ.

Theo lãnh đạo NHNN, trạng thái ngoại tệ được cân đối và dự trữ ngoại hối quốc gia lên tới 70 tỷ USD hiện nay là điều kiện thuận lợi để dừng cho vay ngoại tệ. Lãnh đạo NHNN cho rằng, việc giữ được chính sách tỷ giá ổn định cũng giúp cho quan hệ mua bán ngoại tệ diễn ra thuận lợi. Ngoài ra, tiền đồng ổn định và lãi suất hợp lý cũng sẽ giúp DN chuyển từ vay ngoại tệ sang vay nội tệ không gặp xáo trộn lớn trong kinh doanh.

Về một vấn đề “nóng” khác là các dự án BOT đang thiếu vốn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay hiện nay rất nhiều dự án BOT đang thiếu vốn và muốn được ngân hàng tài trợ vốn. Cụ thể, tuyến cao tốc Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị cần hơn 8.000 tỷ đồng, Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đề xuất 20.000 tỷ, tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu cần 22.000 tỷ đồng…

Đây mới là các dự án BOT phía Bắc, chưa nói đế việc nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường cao tốc ở phía Nam, cao tốc Bắc Nam. “Ai cũng nghĩ làm dự án BOT thì phải huy động vốn từ ngân hàng. Chúng tôi thấy rằng, tham gia những dự án cao tốc, những dự án BOT giao thông là quyết tâm rất cao, rất nỗ lực của các ngân hàng thương mại.

Thứ nhất, các ngân hàng thương mại hiện nay đa phần là huy động vốn ngắn hạn, nhưng cho vay các dự án BOT giao thông lại chủ yếu dài hạn. Thứ hai, các dự án BOT giao thông đòi hỏi vốn lớn, lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Thứ ba, cho vay BOT, các ngân hàng cũng bị giới hạn ở tỷ lệ nhất định do vướng quy định về tỷ lệ vốn tự có và hệ số an toàn vốn (CAR)”.

Theo lãnh đạo NHNN, để có thể đẩy mạnh cho vay BOT, ngân hàng thương mại cần được phải bổ sung vốn điều lệ. Nhiều năm qua, việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước vẫn đang bế tắc. Tuy nhiên, ngay cả khi gỡ được vấn đề tăng vốn thì việc rót 5.000 – 7.000 tỷ cho vay dự án BOT với một ngân hàng là không hề dễ dàng…

Hà An
.
.
.