Kinh tế biển Việt Nam: Cần có thương hiệu

Thứ Ba, 08/06/2010, 15:02
Trong xu thế "lấy đại dương nuôi đất liền", chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đặt mốc phấn đấu đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh lên từ biển, làm giàu từ biển với mức đóng góp GDP bằng khoảng 55% tổng GDP của cả nước. Để đạt được mục tiêu, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu biển (THB) là một đòi hỏi thực tế và cấp bách.

THB Việt Nam đích thực thì cần phải lôi cuốn được sức mạnh của toàn xã hội và trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị hướng tới một mục đích chung vì một nền kinh tế biển (KTB) hiệu quả và bền vững, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

Theo Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) thì KTB của nước ta đến nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có sức cạnh tranh cao và chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Một trong những nguyên nhân là chưa xây dựng được một hình ảnh "Việt Nam biển" xứng tầm. Cần phải làm cho cái tên "Biển Việt Nam", tên các doanh nghiệp và các sản phẩm liên quan đến biển của Việt Nam trở thành những cái tên lớn, hình ảnh của Việt Nam gắn liền với các sản phẩm biển của Việt Nam phải dần đi sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Điều này đòi hỏi những thay đổi cơ bản về nhận thức và hành động theo phương châm "Chủ trương từ TW, hành động dưới địa phương". Nó cũng đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực, mà còn cần lòng tự hào, tự trọng, vì một dân tộc Việt Nam mạnh, giàu từ biển.

Bãi biển Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế).

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, để thực thi thành công "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", còn phải hợp tác và thu hút sự giúp đỡ, đầu tư của quốc tế. Điều này càng đòi hỏi việc xây dựng THB Việt Nam thực sự ấn tượng và thuyết phục đối với không chỉ người dân Việt Nam, mà còn đối với các đối tác, bạn bè quốc tế. Từ đó tạo nên "cảm xúc" để biển Việt Nam đi vào tâm trí mọi người, để những lợi ích to lớn của biển Việt Nam được khai thác, sử dụng hiệu quả và dài lâu cho thế hệ mai sau

Trần Ánh
.
.
.