Kinh tế Hà Nội tiếp tục gặp nhiều khó khăn

Thứ Ba, 03/12/2013, 09:39
Sáng 2/12, phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã chính thức khai mạc. Bên cạnh những con số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội không đạt được như kế hoạch đề ra, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều tồn tại như lao động mất ổn định, hụt thu ngân sách có khả năng lên tới 11.300 tỷ đồng…

Hụt thu ngân sách có khả năng lên tới 11.300 tỷ đồng

Năm 2013 được đánh là một năm không mấy “sáng sủa” nhìn từ hàng loạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng không đạt được, dù tốc độ tăng trưởng của Hà Nội cao hơn năm 2012, ước tăng khoảng 8,25%.

Theo ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng dự báo sẽ thấp hơn 8% (con số của năm 2012). Được dự báo khó khăn từ đầu năm nên trong 23 chỉ tiêu của HĐND giao thì có 19 chỉ tiêu UBND TP đạt được, 4 chỉ tiêu quan trọng Thủ đô đã không đạt được là tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư xã hội, giá trị xuất khẩu hàng hóa, thu ngân sách và tỷ lệ cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Ông Khanh nhận định, kinh tế Hà Nội phát triển trong điều kiện khó khăn về thị trường, lãi suất cao, các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn không thuận lợi. Ngành Xây dựng tiếp tục gặp trở ngại, khi nhiều dự án đầu tư và khu đô thị trên địa bàn tạm dừng, hoặc giãn tiến độ thực hiện, do thị trường bất động sản trầm lắng và suy giảm kinh tế.

Theo báo cáo thẩm tra của HĐND TP cho rằng, UBND TP cần nhấn mạnh một số vấn đề như phát triển kinh tế của TP vẫn trong giai đoạn khó khăn và chưa thể tăng trưởng cao trong giai đoạn 1 - 2 năm tới. Thực tế, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động còn lớn. Hàng tồn kho vẫn ở mức cao, nhất là tồn kho bất động sản. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng trưởng thấp hơn năm 2012 và thấp hơn kế hoạch.

Kinh tế Hà Nội vẫn tiếp tục tăng trưởng dù gặp nhiều khó khăn.

Việc làm của người lao động đang chuyển dịch từ xu hướng ổn định sang mất ổn định. Người được đào tạo tìm được việc làm và sống bằng nghề được đào tạo còn ít. Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội chưa được khắc phục. Lĩnh vực xây dựng, Hà Nội vẫn còn nhiều công trình, dự án dở dang, kéo dài tiến độ thực hiện, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước và đầu tư công. Nợ xây dựng cơ bản lớn. Ước tính, tổng thu ngân sách nhà nước cả năm nay của Cục Thuế TP Hà Nội đạt khoảng 85,1% dự toán. Trong đó, khoản hụt thu từ ngành ngân hàng hơn 9.000 tỷ đồng, bất động sản khoảng 5.000 tỷ đồng, số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sụt giảm, do nhiều DN hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo chỉ đạo của Chính phủ và việc thực hiện một số luật thuế mới, cũng đã làm giảm nguồn thu ngân sách của TP trên 11.300 tỷ đồng.

Đang xem xét xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, công chức

Ngay trước kỳ họp, hàng trăm ý kiến cử tri đã được gửi về HĐND TP Hà Nội tập trung vào những vấn đề nổi cộm của Thủ đô như quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự đô thị, đền bù giải phóng mặt bằng… Cử tri các quận Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng đề nghị UBND TP có các giải pháp để đẩy nhanh việc cải tạo, sửa chữa các chung cư cũ trên địa bàn Thành phố, nhất là các chung cư cũ trong các quận nội thành. Các cử tri cũng kiến nghị TP xem xét tình trạng “ồ ạt” xây cổng chào như đoạn đường 21km của tuyến QL32 có tới 5 cổng chào với mức kinh phí lên hàng tỷ đồng/cổng chào. Việc đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng cũng được các cử tri yêu cầu UBND TP làm rõ đơn vị nào đứng ra quản lý? Nhà vệ sinh công cộng có phải xây dựng hết nhiều tiền như vậy không…

Những kiến nghị của cử tri được nêu ra từ kỳ họp trước, cũng đã được UBND TP tiến hành, kiểm tra, xử lý. Điển hình là qua đợt  kiểm tra công vụ của UBND TP và tự kiểm tra công vụ của các cơ quan, đơn vị, một số trường hợp có khuyết điểm, vi phạm đã được xem xét, xử lý kỷ luật. Cụ thể, Sở Y tế xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với 1 viên chức liên quan đến vụ tiêm thiếu vaccin tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. UBND quận Hà Đông kiểm điểm Thanh tra Xây dựng quận trong quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn phường Yên Nghĩa; kiểm điểm Trung tâm Phát triển quỹ đất quận, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận, UBND phường Dương Nội trong thực hiện Dự án cải tạo Nghĩa trang phường Dương Nội. UBND huyện Sóc Sơn đã hoàn tất hồ sơ kỷ luật cảnh cáo 1 công chức, 1 viên chức; khiển trách 2 viên chức, 1 lao động hợp đồng vì có sai phạm trong thực thi công vụ. UBND huyện Đông Anh, phê bình 28 cán bộ, công chức về việc không thực hiện nghiêm kỷ cương, lề lối, chất lượng các cuộc họp; đang xem xét, xử lý một số cán bộ, công chức về vi phạm trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, UBND huyện Ba Vì đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật đối với 4 cán bộ chuyên trách, 4 công chức cấp xã, 2 viên chức đơn vị sự nghiệp, 2 công chức phòng chuyên môn. UBND huyện Hoài Đức đang xem xét, xử lý một số cán bộ, công chức có vi phạm trong giải quyết thủ tục hành chính, đã được Đoàn kiểm tra công vụ TP kiến nghị xử lý.

Kỷ cương hành chính đã được siết chặt

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhận định, đà suy giảmkinh tế đã được ngăn chặn song còn nhiều khó khăn, lạm phát được kiềm chế nhưng tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp giải thể. Trước thực trạng trên, Hà Nội vẫn đạt tăng trưởng khá, lạm phát thấp hơn cùng kỳ năm trước là một nỗ lực lớn. Cùng với đó, kỷ cương hành chính được siết chặt, nhiều trường hợp xây dựng sai phép được xử lý nghiêm, thành phố có tiến bộ trong quản lý trật tự đô thị. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, thành phố còn không ít hạn chế cần khắc phục, sản xuất còn nhiều yếu kém, thu ngân sách không đạt chỉ tiêu làm ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ, nợ đọng xây dựng cơ bản còn nhiều, nợ xấu ngân hàng còn ở mức cao. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy cho rằng, công tác lãnh đạo tại các sở ngành, quận huyện chưa quyết liệt, có nơi còn trì trệ, thiếu năng động giải quyết công việc. Đề cập nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, Bí thư Phạm Quang Nghị đã yêu cầu các cấp tập trung lãnh đạo điều hành để phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao tinh thần trách nhiệm giải quyết công việc của công chức.

Ngọc Yến
.
.
.