Kinh doanh trên mạng xã hội và những rủi ro

Chủ Nhật, 12/07/2015, 11:30
Trong số 37 triệu người trên cả nước dùng Internet thì có đến 25 triệu người dùng mạng xã hội Facebook và con số này đang tăng nhanh từng ngày. Mạng xã hội cũng đã tác động mạnh mẽ và làm thay đổi cách kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiếp cận với mạng xã hội để kinh doanh, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Tháng 4 vừa qua, Ngân hàng BIDV chính thức vận hành Trung tâm Điều hành Mạng xã hội - Social Media Command Center (SMCC) đầu tiên trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Có 3 mạng xã hội được BIDV sử dụng là Facebook, LinkedIn và YouTube.

Đây được xem là kênh tiếp nhận và lắng nghe phản hồi từ khách hàng và cộng đồng song hành với kênh giao dịch trực tiếp, kênh thoại, email hiện nay của BIDV. Từ những thông tin tiếp nhận đó, Ngân hàng sẽ có cơ sở để cải tiến sản phẩm, dịch vụ, phát triển kinh doanh. Với những tính năng này, BIDV kỳ vọng sự ra đời của SMCC sẽ giúp sự gắn kết giữa BIDV và khách hàng trở nên bền chặt hơn.

Một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ.

Với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn thì ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhỏ sử dụng mạng xã hội, chủ yếu là Facebook làm kênh bán hàng chính yếu. Phần lớn đó là những doanh nghiệp chuyên bán sản phẩm hướng đến khách hàng trẻ tuổi, nhân viên văn phòng như: quần áo, giày dép, túi xách, nước hoa, sản phẩm kỹ thuật số...

Với kênh bán hàng này, doanh nghiệp được thuận lợi nhất đó là giới thiệu, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp mình đến người tiêu dùng mà không tốn chi phí. Việc giao dịch cũng được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và quan trọng là nguồn vốn của doanh nghiệp sẽ không bị “chôn” do hàng bán tới đâu, nhận đủ tiền tới đó.

Đặc biệt nhất là doanh nghiệp không phải tốn thời gian, nhân lực, chi phí, để thăm dò dư luận mà vẫn tiếp nhận được những ý kiến đóng góp, phản hồi từ khách hàng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, để doanh nghiệp có hướng điều chỉnh, khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp chọn mạng xã hội để kinh doanh thì cũng phải đối mặt với không ít “chiêu” trò cạnh tranh không lành mạnh của các đối tượng xấu.

“Chiêu” phổ biến nhất mà doanh nghiệp bán hàng online trên Facebook hay gặp nhất đó là đối thủ hoặc đối tượng xấu tạo lập Facebook giả mạo giống y hệt của doanh nghiệp thật để rao bán hàng có giá rẻ hơn hàng của doanh nghiệp. Thủ đoạn này vừa làm tổn hại uy tín của doanh nghiệp vừa lừa khách hàng mua hàng giả, kém chất lượng, hoặc thậm chí đó là doanh nghiệp “ma” không có hàng để giao.

Điển hình, vụ Nguyễn Đức Anh và Nguyễn Thế Dũng lập Facebook giả, copy toàn bộ các bài viết, hình ảnh của doanh nghiệp bán hàng thật, gửi lời mời kết bạn đến nhiều người và chào mời mua hàng giảm giá trên trang Facebook giả này. Tin tưởng, nhiều khách hàng có nhu cầu mua hàng, đã chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của các đối tượng. Bằng thủ đoạn này, nhóm lừa đảo chiếm đoạt được 120 triệu đồng đặt cọc của người mua hàng thì bị “sa bẫy”.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bán hàng online trên Facebook cũng than phiền bị khách hàng dỏm lừa đảo bằng cách gửi giấy chuyển tiền ngân hàng giả. Thông thường, những “khách hàng” này chuyển tiền mua hàng cho doanh nghiệp thường chọn vào cuối ngày thứ 6, khi các ngân hàng đã chuẩn bị ngừng làm việc. Sau đó gửi cho doanh nghiệp giấy chuyển tiền đã được chỉnh sửa tinh vi bằng phần mềm photoshop. Đến khi doanh nghiệp phát hiện ra giấy chuyển tiền giả thì “khách hàng” cũng đã “ôm hàng” cao chạy xa bay.

“Lợi dụng lòng tham giá rẻ của dân mạng mà một số trang Facebook bán hàng online lừa đảo đã “ăn cắp” thông tin của những doanh nghiệp bán hàng online thật để đánh vào lòng tin của mọi người. Chính vì thế, bản thân người dùng Facebook phải thận trọng khi xem thông tin những trang bán hàng. Đừng thấy hình ảnh sản phẩm đẹp, giá rẻ bất ngờ, có thông tin ngân hàng chuyển tiền… mà bạn vội tin đó là trang bán hàng của doanh nghiệp thật.

Thúy Hà
.
.
.