Không hề có vải Trung Quốc nhập khẩu ngược về Việt Nam

Thứ Tư, 02/07/2014, 22:09
Hiện nay đang là thời điểm chính vụ thu hoạch và xuất khẩu quả vải của Việt Nam. Trong khi người nông dân trong nước vẫn đang rất vất vả tìm đầu ra cho quả vải thì trong những ngày qua lại xuất hiện thông tin vải Trung Quốc nhập khẩu ngược về Việt Nam. Nhóm phóng viên chúng tôi đã có chuyến thực tế để tìm hiểu vấn đề này.

Ngày 2/7 tại thị trấn Đồng Đăng tỉnh Lạng Sơn có rất nhiều xe container chở vải khô từ các tỉnh nội địa đang tập kết hàng tại các kho chứa gần cửa khẩu để chuẩn bị xuất sang Trung Quốc.

Còn tại cửa khẩu Tân Thanh, ngay từ sáng sớm đã có trên 60 xe ô tô với khoảng 1.000 tấn vải tươi tập kết làm thủ tục để thông quan qua cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc.

Khu vực tập kết vải tươi Việt Nam tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc .

Trong những ngày qua, các xe chở vải đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh phân luồng ưu tiên thực hiện các thủ tục thông quan. Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, chỉ tính từ ngày 13/6 đến ngày 29/6 đã có trên 1.100 xe vận chuyển 16.500 tấn vải thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh xuất sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bà Đặng Thị Ngân - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải Quan Tân Thanh cho biết, chưa có lô hàng quả vải của Trung Quốc mở tờ khai nhập khẩu vào Việt Nam. Qua quá trình tuần tra kiểm soát tại khu vực đường mòn, lực lượng chức năng cũng khẳng định không phát hiện trường hợp cư dân biên giới của 2 nước vận chuyển vải từ Trung Quốc về Việt Nam.

 Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc sở Công Thương Lạng Sơn kiêm Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn qua công tác kiểm tra, xác minh, nắm bắt tình hình thị trường của lực lượng quản lý thị trường tại chợ Tân Thanh, các chợ biên giới và chợ hoa quả trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn không phát hiện vải Trung Quốc được bày bán.

Rất nhiều xe tải chở vải khô đang tập kết tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.

Bà Nông Thị Thảo, thương lái ở chợ Tân thanh cho biết, hiện nay Trung Quốc đã hết mùa vải từ lâu trong khi đó Việt Nam lại đang chính vụ vải. Vải Việt Nam có giá rẻ, lại ngon rất dễ bán nên không có chuyện thương nhân Việt Nam nhập vải Trung Quốc về bán cho người tiêu dùng Việt Nam, vì như thế chả khác nào “chở củi về rừng”. Ngay cả người dân cũng khẳng định chưa hề nhìn thấy quả vải Trung Quốc bày bán ở đâu.

Như vậy, có thể khẳng định không hề có vải Trung Quốc nhập khẩu ngược về Việt Nam. Trên lĩnh vực kinh tế, thông tin thất thiệt trên có thể làm “nhiễu loạn thị trường”, ảnh hưởng lớn đến người nông dân trồng vải khiến giá bán vải quả của nông dân ngày càng bị đẩy xuống thấp ở giai đoạn cuối vụ. Đồng thời gây nên sự nghi hoặc trong người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ của các loại vải họ muốn mua bởi có nhiều người lo lắng về sự không an toàn của một số loại trái cây Trung Quốc. Tâm lý hoang mang sẽ khiến người tiêu dùng “quay lưng” với trái vải Việt Nam. Đây cũng có thể là “chiêu trò” của một số đối tượng với mục đích riêng nhằm ép giá vải đối với người nông dân

Nguyệt My- Xuân Bách
.
.
.