Không để thiếu nguồn cung hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm

Thứ Ba, 23/11/2010, 16:46
Chiều 22/11, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức họp báo về các biện pháp kiềm chế giá và việc dự trữ hàng hóa trong những tháng cuối năm. Theo đó, Sở Công thương Hà Nội cam kết sẽ không thiếu nguồn cung hàng hóa tiêu dùng, và không để xảy ra tình trạng tăng giá tùy tiện, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Khó kiểm soát giá tại các chợ truyền thống

Trong tháng 10 và 11, chỉ số tăng giá tiêu dùng của Hà Nội tăng cao bất thường, hơn mức tăng trung bình của cả nước, và hơn cả TP HCM. Góp phần đặc biệt vào chỉ số này là ngành hàng thực phẩm, ăn uống, nước giải khát, với mức tăng 6,26% vào tháng 11.

Trả lời câu hỏi của PV về việc tại nhiều chợ, thịt lợn tăng lên 10 giá chỉ trong vòng vài ngày, với lý do được những người bán hàng đưa ra là thiếu nguồn cung, trong khi Sở lại khẳng định nguồn cung không hề khan hiếm, ông Nguyễn Văn Đồng cho biết: Nguyên nhân là do những người bán lẻ ở các chợ đã tùy tiện tăng giá dây chuyền. "Họ thấy giá vàng, giá đô - la tăng, họ cũng tăng theo. Hay thấy giá gạo tăng một tý, thì rau họ cũng phải tăng một tý. Đã có thời điểm chúng tôi cũng tự hỏi không biết có phải do thiếu nguồn cung không, và đã phải tổ chức các đoàn đi kiểm tra tại các chợ đầu mối như Hoàng Mai, Dịch Vọng, Long Biên. Tuy nhiên, kết quả là hàng hóa vẫn dồi dào và giá cả vẫn ổn định. Ngay cả mặt hàng "gay cấn" nhất là thịt lợn cũng không hề thiếu. Nhưng giá ở các chợ thì vẫn tiếp tục tăng".

Giá rau củ tại các chợ truyền thống liên tục tăng trong thời gian qua.

Với các chợ truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ lớn, việc kiểm soát giá cả tại các nơi này là rất khó khăn, gần như không thể thực hiện. "Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan chức năng đã kiểm tra việc niêm yết giá trên toàn quốc, nhưng cũng chỉ kiểm tra được ở các DN, siêu thị. Còn các chợ truyền thống thì rất khó" - ông Đồng thừa nhận.

Sở Công thương nhận định, các điểm bán hàng bình ổn giá đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa hơn 20.000 tỷ đồng/tháng của Hà Nội, hiện lượng hàng các DN tham gia bình ổn dự trữ được chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu. Ví dụ Hà Nội cần 65.000 tấn thịt lợn/tháng, thì các DN chỉ cung cấp được khoảng hơn 6.000 tấn. Tương tự với các mặt hàng thịt gia cầm, rau củ, dầu ăn… Bởi vậy, việc kiểm soát tăng giá trong những tháng cuối năm là hết sức phức tạp. Tuy vậy, hiện tất cả các lực lượng chức năng đã vào cuộc. Các DN đang phải thực hiện đăng ký giá bán, để kiểm soát gắt gao việc tăng giá.

Người tiêu dùng cùng giám sát các điểm bán hàng bình ổn giá

Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có 396 điểm bán hàng bình ổn giá, trong đó có 52 điểm tại hệ thống các siêu thị, 25 điểm tại các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích; 72 điểm tại chợ truyền thống, còn lại là tại các cửa hàng, đại lý khác. Trong số này, có 112 điểm bán hàng lưu động trong trường hợp thị trường xảy ra biến động. Theo Sở Công thương Hà Nội, các điểm bán hàng được phân bố rộng khắp trên địa bàn TP và đã tăng gấp 2 lần so với năm 2009.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở cho biết: Hà Nội đang phấn đấu đến Tết tăng số điểm bình ổn lên con số 500. Tuy nhiên, hiện các điểm bình ổn vẫn còn hạn chế về mức độ phủ sóng. Nguyên nhân được ông Nguyễn Văn Đồng lý giải: Do hệ thống phân phối của các DN tham gia bình ổn chưa vươn tới được các chợ truyền thống và các khu dân cư. "Nếu thuê các điểm bán hàng lưu động thì giá sẽ không thể đảm bảo mức bình ổn" - ông Đồng cho biết.

Khẳng định rằng nguồn cung hàng không hề thiếu, tuy nhiên ông Đồng cũng thừa nhận có những thời điểm các gian hàng bình ổn có thể trống hàng, "do chưa đưa vào kịp", khiến một số khách hàng phản ánh về việc quầy hàng bình ổn không có hàng bán. Tuy nhiên, Sở Công thương cũng cho biết "đã kịp thời chấn chỉnh".

Hà Nội đã dự trữ 785 tỷ đồng hàng Tết

Sở Công thương Hà Nội xác định nhu cầu về hàng hóa sẽ tăng khoảng 20 - 22%, với mức lưu chuyển hàng hóa khoảng hơn 20.000 tỷ đồng/tháng. Hà Nội đã chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc chuẩn bị 2.600 tấn gạo, Công ty xăng dầu khu vực I dự trữ 40 triệu lít xăng dầu. Các đơn vị khác cũng đang triển khai dự trữ 17 mặt hàng như: 500 tấn thịt lợn, gia cầm, trâu bò các loại; 860.000 trứng gia cầm; 2.568 tấn thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến; 3.220 lít dầu ăn; 570 tấn mứt kẹo, 500 tấn rau củ quả các loại… với tổng giá trị 785 tỷ đồng.

Vũ Hân
.
.
.