Vụ buôn lậu Hang Dơi (Lạng Sơn):

Khi cán bộ chống buôn lậu bảo kê cho buôn lậu

Thứ Ba, 03/05/2005, 07:13
Theo Viện KSND tối cao, ngoài những bị cáo bị truy tố, việc để tổ chức vận chuyển hàng lậu của Đặng Xuân Thanh tồn tại trong một thời gian dài còn có trách nhiệm của các đơn vị: Đội chống thất thu tỉnh Lạng Sơn; Chi cục Hải quan Cốc Nam...

Đầu năm 1998, Đặng Xuân Thanh từ quê Kiến Xương - Thái Bình lên biên giới làm cửu vạn tại khu vực Cổng Trời (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng). Do nhanh nhẹn tháo vát nên chỉ một thời gian ngắn, những cửu vạn cùng nhóm bầu Thanh làm đội trưởng. Tháng 5/1998, Thanh về quê lôi kéo 3 anh trai là Đặng Xuân Tín, Đặng Xuân Nhiệm và Đặng Xuân Kiệm cùng nhiều bà con, họ hàng lên Cốc Nam và đứng ra lập Đội vận chuyển với tổng cộng gần 100 người.

Địa điểm được Thanh chọn làm “đại bản doanh” là Hang Dơi. Hang Dơi thuộc thôn Khơ Đa, xã Tân Mỹ, cách đường biên giới khoảng 200m. Khu vực này có 4 đường mòn qua biên giới như Thác Ném, đường 386, Gốc Nhãn và đặc biệt là đường Hang Dơi, con đường mòn ngắn nhất, dễ đi bộ và mang vác hàng hóa. Chỉ cần 5 phút là hàng lậu lọt vào khu vực này và lên xe Minsk hoặc xe “con cóc” phóng ra đường 4A.

Để việc vận chuyển hàng lậu đảm bảo an toàn, Thanh chia đội quân cửu vạn của mình thành các tổ chuyên trách từng khâu: Tổ nhận hàng tại Trung Quốc có trách nhiệm sang Trung Quốc trực tiếp nhận hàng của các chủ hàng. Tổ vận chuyển với gần 60 cửu vạn chia làm 5 nhóm có nhiệm vụ nhận hàng tại Trung Quốc, vác về Việt Nam.

Tổ ghi hàng có nhiệm vụ chỉ dẫn và giám sát cửu vạn vận chuyển, tập kết hàng đúng địa điểm; ghi chép sổ sách toàn bộ số hàng vác từ Trung Quốc về và số tiền chủ hàng thanh toán và những chi phí hàng ngày... Tổ trông coi và xếp hàng vào kho do 3 anh trai Thanh đảm nhận, có nhiệm vụ giám sát việc vác hàng từ trên núi xuống, hướng dẫn cửu vạn xếp hàng lên xe cho chủ, thay mặt Thanh giải quyết mọi công việc, kể cả thu tiền khi Thanh đi vắng.

Những tay buôn lậu và cả nhân viên chống buôn lậu cùng ra Toà.

Tổ cảnh giới gồm 2 tên, được trang bị bộ đàm, điện thoại di động có nhiệm vụ chốt tại cửa ngõ thị trấn Đồng Đăng, theo dõi các hoạt động của các cơ quan chức năng. Nếu phát hiện xe lạ hoặc có dấu hiệu là của các cơ quan chống buôn lậu ở Trung ương hoặc địa phương thì báo cho Thanh để tìm cách đối phó.

Trong suốt 4 năm tổ chức vận chuyển hàng lậu của Thanh “thớt” tồn tại (tháng 5/1998 – 6/2002), mỗi đêm có khoảng 20 - 30 xe du lịch và xe tải nhỏ đến chở hàng lậu từ Hang Dơi về Lạng Sơn và các nơi khác, có đêm trị giá hàng hóa lên tới hàng tỉ  đồng. Thời gian hoạt động của nhóm này thường bắt đầu từ 22h đêm hôm trước tới sáng hôm sau. Những hàng cồng kềnh, đắt tiền thường được chúng vận chuyển đi ngay trong đêm.

Trong số khách hàng của Thanh, có những chủ hàng buôn lậu với số lượng hàng có trị giá rất lớn. Điển hình như các chủ hàng Nguyễn Văn Trường và Nguyễn Văn Chiến (trú tại 35, Lê Quý Đôn, phường Tam Thanh, Tp. Lạng Sơn). Chỉ trong 1 năm từ tháng 4/2001 - 4/2002), Trường - Chiến đã thuê đường dây của Thanh qua đường Hang Dơi để vận chuyển 2.390 bộ điều hòa nhiệt độ, 4.484 đầu đĩa video, 26 tivi, 2 tủ lạnh và nhiều mặt hàng khác với tổng trị giá lên tới gần 11 tỉ đồng.

Một khách hàng khác của Thanh là Nguyễn Đình Tuấn (trú tại 48 đường Trần Phú, Tp. Lạng Sơn), tổng cộng số hàng mà Tuấn thuê Thanh vận chuyển, trong đó chủ yếu là phụ tùng xe máy và máy bơm nước có trị giá tới hơn 869 triệu đồng. Còn nhiều khách hàng khác của Thanh cũng bị bắt giữ và theo tính toán của cơ quan điều tra, người ít nhất cũng đã buôn lậu hàng hóa có trị giá gần 100 triệu đồng.

Vì vậy trong 4 năm tồn tại, đường dây của Đặng Xuân Thanh đã vận chuyển vào Việt Nam lượng hàng lậu có trị giá hàng trăm tỉ đồng. Thu nhập từ việc vác thuê hàng lậu của nhóm Đặng Xuân Thanh lên tới hơn 100 triệu đồng/tháng.

Cho tới đầu tháng 10/2001, Cục Cảnh sát Kinh tế  (CSKT) - Bộ Công an bắt giữ một đoàn 4 xe tải loại 3,5 tấn đang chở tổng cộng 788 chiếc khung và hơn 60 loại linh kiện, phụ tùng xe máy Trung Quốc từ Lạng Sơn về Hà Nội. Tại Cơ quan Công an, 4 lái xe đều khai rằng số linh kiện phụ tùng xe máy Trung Quốc nhập lậu mà họ chở, kể cả những chuyến hàng trót lọt trước đó đều được bốc lên từ khu vực Hang Dơi và đều do Đặng Xuân Thanh, Nguyễn Đình Tuấn và một người tên là Chính thuê chở.--PageBreak--

Để lọt qua các trạm kiểm soát đặt dọc đường từ Hang Dơi về Hà Nội, đoàn xe chở hàng lậu này đều có người dẫn đường theo từng chặng. Thanh, Trường, Chính, Tuấn dẫn xe từ Hang Dơi qua Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt về đến thị xã Lạng Sơn thì giao việc dẫn đường cho Ngô Thanh Hằng. Hằng sẽ dẫn tiếp từ đó về đến Cầu Lường (huyện Hữu Lũng). Đến đây việc dẫn đường chuyển cho một người tên là Thanh (Thanh "Nhật") dẫn tới hết địa phận Bắc Giang thì giao tiếp cho một người tên là Tuấn (thường gọi là Tuấn "Cư") dẫn về tới cầu Phù Đổng (Hà Nội) thì giao cho Đoàn Khắc Sử.

Sử sẽ dẫn các lái xe đưa hàng đến giao tại một số điểm ở Hà Nội và Hưng Yên như Xưởng Lắp ráp xe máy của Xí nghiệp sản xuất hàng XNK và Kinh doanh tổng hợp, Bộ Giao thông - Vận tải đặt tại Công ty Diêm Thống Nhất; hoặc Xưởng Lắp ráp xe máy của Công ty Phát triển XNK và Đầu tư VIEXIM đặt ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm...

Đêm 16 rạng ngày 17/6/2002, lực lượng CSKT - Bộ Công an bất ngờ bao vây “đại bản doanh” hàng lậu của Thanh “thớt”, thu giữ 16 xe ôtô cùng lượng hàng hóa nhiều chủng loại gồm đồ điện tử, vải, đồ tiêu dùng... trị giá gần 2 tỉ đồng, đập tan địa điểm trung chuyển, tập kết hàng lậu lớn nhất miền Bắc.

Cán bộ chống buôn lậu bảo kê cho buôn lậu

Tuy nhiên dù có tài tổ chức đến đâu, đường dây vận chuyển hàng lậu của Thanh “thớt” cũng không thể tồn tại trong một thời gian dài như vậy nếu không có được sự bảo kê của một số cán bộ trong lực lượng chống buôn lậu. Vì vậy trong 38 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố, có 4 bị cáo nguyên là cán bộ Trạm Dốc Quýt là: Trạm trưởng Nguyễn Tiến Hảo; 3 Trạm phó: Lương Minh Huấn, Nguyễn Quang Minh, Bùi Trí Vinh bị truy tố vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong thời gian từ tháng 1/2001 – 6/2002, biên chế Trạm Dốc Quýt gồm 41 cán bộ nhân viên (người của các ngành) do Nguyễn Tiến Hảo, cán bộ hải quan làm trạm trưởng; các trạm phó gồm: Lương Minh Huấn, Đặng Minh Đồng và Nguyễn Quang Minh, Bùi Trí Vinh. Hàng ngày, trạm chia làm 3 ca có đủ các lực lượng trực liên tục do một trạm phó trực tiếp chỉ huy.

Theo lời khai của các chủ hàng lậu và lái xe, trong quá trình vận chuyển hàng lậu từ Hang Dơi về Lạng Sơn, họ đều phải “làm luật” theo từng chuyến cho nhân viên ở Trạm Dốc Quýt với mức ít nhất là 200.000 đồng/xe, nhiều là 1 triệu đồng; còn các chủ hàng đi hàng nhẹ, xách tay ít nhất cũng phải chi 50.000 đồng trở lên.

Phương thức “làm luật” là khi xe chở hàng đến gần Trạm thì dừng lại, nhân viên Trạm kiểm tra xe chở hàng gì, số lượng bao nhiêu sau đó ghi vào một mảnh giấy nhỏ đưa cho lái xe hoặc chủ hàng mang vào Trạm đưa cho cán bộ trực, cán bộ Trạm sẽ ra giá. Khi nộp tiền xong (không có hóa đơn), nhân viên thu tiền xé đôi mảnh giấy mà cán bộ kiểm tra ghi, đưa một nửa mảnh giấy đó cho lái xe để trình cho nhân viên gác barie. Nhận được nửa mảnh giấy, nhân viên này mới mở barie cho xe đi qua.

Vì vậy, số lượng hàng lậu vận chuyển từ Trung Quốc về Hang Dơi sau đó chuyển về Lạng Sơn mỗi đêm lên tới hàng tỉ  đồng, nhưng theo số liệu báo cáo của Trạm Dốc Quýt, kết quả chống buôn lậu là rất ít, hầu như không tháng nào trị giá hàng lậu bị thu giữ tại trạm vượt quá 500 triệu đồng.

Trong khi đó chỉ tính riêng trong đêm 3/10/2001, số hàng lậu bị Cục CSKT bắt quả tang từ 4 trong 6 chiếc xe đã là hơn 600 triệu đồng. Ngoài ra năm 2000 - 2001, CSKT Lạng Sơn còn bắt giữ 11 xe ôtô chở hàng lậu đã lọt qua Trạm Dốc Quýt trị giá hơn 230 triệu đồng

Nguyễn Thiêm
.
.
.