Kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020

Thứ Bảy, 30/05/2020, 07:17
Ngày 28/5, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Sở Công Thương Hà Nội và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (DNNVV) đồng phối hợp tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020” và trưng bày giới thiệu sản phẩm quy mô 50 gian hàng tại vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm).


Đây là một trong nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương, kết nối trong bối cảnh “bình thường mới”. Vì thế, hội nghị đã thu hút sự tham gia của hơn 200 DN thuộc nhiều lĩnh vực cùng các hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, dịch bệnh COVID-19 kéo dài nhiều tháng qua và vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia mà Việt Nam đang xuất khẩu lượng hàng hóa lớn, trong lúc này, thị trường nội địa là nơi có thể giúp DN đứng vững trong khó khăn. Vì vậy, thời điểm này rất cần tạo ra mối kiến liên kết giữa các DN, các địa phương để giúp nhau tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi đó, với dân số 10,3 triệu người dân đang sinh sống, học tập làm việc trên địa bàn, có thể nói Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, có khả năng tập trung, đưa luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu, có nhiều cơ hội hợp tác, giao thương để phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm bền vững và bình ổn thị trường.

Hà Nội hiện có 284.484 DN và mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước (gồm 26 trung tâm thương mại, 145 siêu thị, 455 chợ, khoảng 1.400 cửa hàng tiện lợi, 768 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 65 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm…).

Theo bà Lan, vai trò của thị trường nội địa rất quan trọng và dẫn dắt cho thị trường xuất khẩu. Do vậy, cần đẩy mạnh tăng cường mối liên kết trong việc kết nối, khai thác, tiêu thụ và xuất khẩu hàng Việt giữa các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh với các DN phân phối và xuất khẩu, qua đó, góp phần tạo động lực cho các DN tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Trên thực tế, việc kết nối cung - cầu tốt, hàng hoá của các địa phương đã đưa vào hệ thống phân phối hiện đại, năm 2019, nhiều địa phương đã đạt doanh thu hàng hóa tiêu thụ tại Hà Nội trên 1.000 tỷ đồng như: Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Ninh Thuận...

Ngoài ra, có thêm 200 nhà cung cấp mới của các địa phương kết nối đưa được sản phẩm vào tiêu thụ tại các kênh phân phối lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, như: Hệ thống Vinmart, Big C Thăng Long, Saigon Co.op Hà Nội, siêu thị Đức Thành, các chuỗi cửa hàng tiện lợi...

Ở chiều ngược lại, hàng hóa, nông sản từ các địa phương tạo nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu cho thị trường Hà Nội, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, nhiều nông sản thực phẩm của các địa phương đã được các DN phân phối của Hà Nội hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu, đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại, từng bước chiếm được niềm tin của người tiêu dùng

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho biết, hiện nay, dịch COVID đã được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường. Để thúc đẩy các hoạt động về thương mại nội khối, xúc tiến các hoạt động và kêu gọi đầu tư mới đầu tư vào Việt Nam thì việc tổ chức kết nối các hoạt động giao thương giải quyết doanh thu, hàng tồn kho cho các DN từ quý 1 năm 2020 là việc rất cần thiết.

Do vậy, để vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn hiện nay thì bản thân các DN, đặc biệt là các DN Việt Nam phải có sản phẩm tốt có giá cả cạnh tranh, dịch vụ sau bán hàng tốt hơn… Để đưa vào các hệ thống phân phối một cách bài bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ và đồng hành để các chính sách hỗ trợ kịp thời đến với các DN, đặc biệt là các DNNVV.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, trong khi dịch bệnh tại nhiều nơi trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp thì Việt Nam đã kiểm soát tốt, điều này giúp các đối tác quốc tế đánh giá cao thị trường Việt Nam, tăng tính hấp dẫn cho thị trường. Do đó, các DN trong nước cần tận dụng cơ hội này, khai tác tối đa thị trường nội địa, tạo chỗ đứng vững chắc, xây dựng uy tín trên thị trường nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trước các đối thủ quốc tế.

Lưu Hiệp
.
.
.